Ngày làm việc thứ hai Hội nghị Trung ương 7: Thảo luận Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp

09/05/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 8/5/2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII bước sang ngày làm việc thứ 2. Buổi sáng, Trung ương làm việc tại hội trường thảo luận về Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị, đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở, nêu nhiều câu hỏi cần trả lời trong phát biểu khai mạc sáng 7/5/2018.

Toàn cảnh Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận.

Đề án xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó, đến năm 2020, thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo kế hoạch, phù hợp với tình hình thực tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; triệt để chống chạy chức, chạy quyền và chặn đứng tình trạng suy thoái; cơ bản thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đến năm 2025, tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; phấn đấu hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

Đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ cán bộ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.

Đề án xác định hai trọng tâm và năm đột phá để thực hiện đồng bộ tám nhiệm vụ giải pháp.

Hai trọng tâm là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Năm đột phá là: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền; Thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; Cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm; Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân và thông qua đó nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến phong phú, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm vào dự thảo Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Các đại biểu đều đánh giá cao Đề án; cho rằng đây là một đề án lớn, quan trọng, thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh đất nước hiện nay. Đề án được chuẩn bị nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm; quá trình xây dựng được thực hiện bài bản, công phu, dân chủ, qua nhiều bước quy trình. Các giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong Đề án có tính thực tiễn, khả thi cao.

Từ thực tiễn phong phú của địa phương, đơn vị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được, phân tích thẳng thắn, sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Phân tích, dự báo tình hình, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ của công tác cán bộ trong bối cảnh mới, các đại biểu đã thảo luận, bày tỏ thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế tồn tại; làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Cùng liên quan đến đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, các Ủy viên Trung ương đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể từ thực tiễn địa phương, cơ quan, Bộ, ngành mình đang công tác để góp phần giải đáp những vấn đề Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong phiên khai mạc. Đó là làm sao để đề án này khi thực hiện phải khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, đồng thời xây dựng một cơ chế giám sát quyền lực và chính sách để cán bộ tâm huyết gắn bó với công việc, với đất nước, nhân dân.

Bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương

Một trong những vấn đề mà Trung ương tập trung cho ý kiến tại phiên thảo luận toàn thể liên quan đến chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Nhiều ủy viên Trung ương cho rằng đây là một chủ trương đúng vì sẽ hạn chế được nhiều bất cập đang xảy ra trong thực tế như điều hành công việc còn nể nang, duy tình hoặc bổ nhiệm cán bộ chưa chính xác.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu: Nếu một đồng chí không phải người địa phương, thì chúng ta có thể kiểm soát quyền lực tốt hơn bởi vì chúng ta ít có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em, chú bác. Nếu một đồng chí sinh ra, lớn lên ở một địa phương mười mấy, hai mươi năm thì rõ ràng các mối quan hệ này sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Còn nếu một đồng chí ở địa phương khác đến, không có bà con, dòng họ nhiều, rõ ràng chúng ta kiểm soát quyền lực và đồng chí đó thực hiện trách nhiệm được sự giám sát của các anh chị, cô chú ở địa phương thì sẽ chặt chẽ, bản thân đồng chí đó cũng sẽ hết sức thận trọng trong ứng xử. "Tôi nghĩ rằng chủ trương này rất tốt. Hiện nay, chúng ta đang bàn tới việc làm sao để kiểm soát quyền lực, rõ ràng đây cũng là một giải pháp để kiểm soát quyền lực. Tôi thể hiện quan điểm rất đồng tình với chủ trương này. Tuy nhiên về lộ trình, tôi đồng tình với đề xuất làm từng bước, tuy nhiên, với các tỉnh có đông đồng bào dân tộc, chúng ta có những đặc thù để làm sao bố trí bí thư là người địa phương để tạo điều kiện xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tốt hơn", ông Nguyễn Văn Thể nêu ý kiến.

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc  nêu quan điểm: Chúng ta đều biết rằng người địa phương thường có các mối quan hệ tình cảm, họ hàng, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, kể cả các thế hệ cán bộ trước có công giúp đỡ đào tạo mình. Cho nên nhiều khi khó xử, thậm chí rơi vào tình trạng duy tình trong giải quyết công việc. “Tôi cũng hiểu rằng không phải là người địa phương sẽ có khó khăn về nắm địa bàn, nắm lòng dân, nhưng nếu chúng ta mà ở tại địa phương không phân định rõ sẽ dễ rơi vào tình trạng nể nang, né tránh, khó giữ nghiêm được kỷ cương, kỷ luật. Bởi vì thiếu hụt về hiểu biết địa bàn, dân cư, kinh tế - xã hội… tự mình có thể lăn lộn, nghiên cứu thì có thể bù đắp được, nhưng vấn đề tình cảm thật sự là khó. Vì thế nên trong hai cách chọn, tôi nghiêng về phương án chọn không phải là người địa phương” - ông Đỗ Văn Chiến nói.

Tăng dần tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số

Các ý kiến đều nhất trí với mục tiêu tăng dần tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong cơ cấu lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; đồng thời phải sớm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, bảo đảm cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng. Lấy dẫn chứng Tuyên Quang, Yên Bái là 2 địa phương mà Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến từng công tác, đồng chí cho rằng phải thấm nhuần chủ trương của các lớp lãnh đạo đi trước là khi đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, phải có sự so sánh nữ với nữ, trẻ với trẻ và người dân tộc với người dân tộc, từ đó lựa chọn người nổi trội hơn để đào tạo, bồi dưỡng và sẽ trưởng thành. "Một tập thể có nam, có nữ, có già, có trẻ, có người Kinh, có người dân tộc, thì sẽ tạo được tính đa dạng và đồng thuận rất cao. ” – ông Đỗ Văn Chiến nhận định.

Về việc tiếp tục nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số chủ trương, nhiều ý kiến nhất trí với việc cấp trưởng lựa chọn, giới thiệu để bổ nhiệm cấp phó của mình, tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành sau này. Nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã, tạo điều kiện để nhân dân giám sát quyền lực, đồng thời tăng cường trách nhiệm của chủ tịch xã trước nhân dân... Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc lựa chọn thí điểm một số chủ trương, trên cơ sở bảo đảm tính khả thi, cũng như sự tôn nghiêm của Hiến pháp và pháp luật.

Buổi chiều, Trung ương làm việc tại tổ thảo luận về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp./.
 
Hà Linh
 
 
 

Xem thêm »