(sav.gov.vn) - Trong chương trình chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành cả buổi sáng và một phần thời gian buổi chiều ngày 04/6/2018 để chất vấn với nhóm vấn đề về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và việc xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể. Các đại biểu dành phần lớn thời gian để chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT về các vấn đề liên quan đến các bất cập trong triển khai các dự án BOT trong thời gian qua
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn
Ngay đầu phiên chất vấn, người đứng đầu Bộ GTVT tuy khẳng định chủ trương phát triển BOT là đúng khi ngân sách hạn chế, nợ công tăng cao, nhưng cũng thừa nhận việc triển khai các dự án BOT thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về chênh lệch giữa hợp đồng BOT và kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng theo quy định, các dự án BOT được duyệt bao gồm các khoản dự phòng có thể phát sinh, vì vậy Kiểm toán nhà nước kiểm toán trước khi quyết toán sẽ có sự chênh lệnh. Hiện nay, với 56 dự án BOT, Kiểm toán nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai. Để đảm bảo quyền lợi của người dân, của Nhà nước và của doanh nghiệp, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có điều khoản, giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ GTVT đã điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan tới phí" - Bộ trưởngNguyễn Văn Thể cho biết thêm.
Lý giải việc Kiểm toán nhà nước phát hiện có sự chênh lệch lớn giá trị kiểm toán và giá trị đã được thực hiện của các dự án BOT đã kiểm toán, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, với những dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít có phát sinh khối lượng thì việc điều chỉnh phần dự thầu này là phần chênh lệch số năm mà kiểm toán đã chỉ ra. Số liệu của Bộ GTVT và của Kiểm toán luôn tương đồng với nhau. Đặc biệt, có trường hợp số liệu quyết toán của Bộ GTVT còn thấp hơn cả của Kiểm toán nhà nước."Bộ GTVT thấy rằng, sự phát hiện và chỉ ra của Kiểm toán nhà nước là rất đúng, nhưng Bộ GTVT cũng đã thực hiện đúng và đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước với các dự án BOT" - Bộ trưởng nêu quan điểm.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, Bộ đã rút kinh nghiệm về việc khi dự án được duyệt thì dự phòng rất lớn, do đó với dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông và những dự án hiện nay, sau khi dự án được duyệt, Bộ sẽ tiến hành lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán, phê duyệt hồ sơ dự toán của hồ sơ thiết kế kỹ thuật gần sát với việc triển khai để làm sao dự toán của thiết kế kỹ thuật gần với thực tế.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đặt vấn đề trong việc kiểm toán các dự án BOT đã phát hiện số tiền chênh lệch, thời gian thu phí rất lớn. "Như vậy, việc quy trách nhiệm của bộ, của ngân hàng hay của chủ đầu tư?”.Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, Kiểm toán nhà nước chỉ ra thời gian giảm là do dự phòng chưa hoặc không sử dụng hết. Theo quy định, trong hợp đồng BOT, Bộ GTVT sẽ căn cứ vào kết quả quyết toán để điều chỉnh thời gian thu phí, còn ban đầu là ký hợp đồng tạm tính để nhà đầu tư có đủ điều kiện triển khai các bước tiếp theo. Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, nếu có sai sót liên quan đến Bộ GTVT, Bộ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Một nội dung nhận được nhiều chất vấn và tranh luận là việc đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân trong triển khai các dự án BOT. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng(Bến Tre) cho rằng, hiện có hai vấn đề về BOT giao thông là thể chế và quá trình triển khai có nhiều bất cập dẫn đến bức xúc của người dân. Sự bức xúc này là do chưa giải quyết được hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân. Ông nhận xét, “Chúng ta còn ăn đong trong lĩnh vực này” và đề nghị Bộ trưởng Giao thông nêu giải pháp căn cơ để giải quyết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận, thể chế vừa qua chưa hoàn chỉnh, nhất là pháp luật về đầu tư công. Về tồn tại trong quá trình triển khai dự án BOT, Bộ đang tiếp thu, tìm giải pháp khắc phục triệt để.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng, đứng trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân, trong thời gian vừa qua khi mặt bằng giá tăng cao dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với địa phương và các nhà đầu tư rà soát và giảm giá vé toàn bộ 56 dự án BOT, có những dự án giảm 2 đến 3 lần. Bộ thực hiện phương châm cố gắng giảm đến mức thấp nhất, còn về lâu dài, BOT sẽ triển khai trên đường mới, đường song hành với đường cũ, không làm BOT trên đường độc đạo.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) tranh luận về việc Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói vì lợi ích hài hòa của người dân nên sẽ giảm giá BOT, có vẻ rất "ban phát". "Không thể nói vì do áp lực của người dân mà giảm giá, mà phải trên cơ sở nguyên tắc cung-cầu.
Về vấn đề này, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, bức xúc hiện nay là 17 dự án BOT đặt trạm thu phí sai vị trí, dân không đi vẫn phải trả tiền. Trả lời Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng một số dự án BOT "Do lịch sử để lại, triển khai lâu rồi, khi chuyển về Bộ, chúng tôi tiếp nhận". Theo Bộ trưởng GTVT, những dự án BOT được lập với sự tham gia của chính quyền địa phương, các bên có liên quan, thời điểm lập dự án xác định trạm thu phí đặt là hợp lý, nằm trong dự án, vị trí hợp lý. Nếu di dời những trạm đó, phải tham mưu Chính phủ, QH, cần một khoản kinh phí lớn để thực hiện hợp đồng. Không đồng ý câu trả lời của Bộ trưởng, ĐB Hoàng Quang Hàm tranh luận, khi làm dự án, nhà đầu tư, nhà thầu, ngân hàng thống nhất với nhau, người dân không biết, tại sao bây giờ người dân phải chịu? Bộ đã thương thảo với nhà đầu tư giảm lợi nhuận định mức chưa, thương thảo với ngân hàng giảm lãi suất chưa?
Nhằm minh bạch việc thu phí tại các trạm BOT, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi, đến bao giờ thực hiện xong việc thu phí tự động không dừng ở các trạm BOT trong cả nước, nhằm minh bạch hơn việc thu phí tại các trạm BOT? Về nội dung này, Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm BOT trên quốc lộ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải vận hành thu phí tự động. Toàn bộ các trạm BOT trên hệ thống đường còn lại phải hoàn thành công tác này vào cuối năm 2019. Hiện nay Bộ đang tập trung quyết liệt công tác này.
Theo Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), bức xúc của người dân là mong muốn phải công khai việc thu phí là bao nhiêu mỗi ngày và công khai trên bảng điện tử tại trạm thu phí. Theo Bộ trưởng GTVT, việc công khai ở các trạm thu phí hoàn toàn nằm trong tầm tay. Cuối năm nay, Bộ sẽ đưa các trạm BOT vào thu phí tự động. Ở đó có hệ thống máy vi tính giám sát thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ. Khi liên kết với hệ thống thu phí tự động thì đồng bộ các dữ liệu sẽ công khai, minh bạch, rõ ràng. Trong thời gian trước mắt, Bộ công khai trên trang Web của Bộ để đại biểu và người dân có thể truy cập vào để xem xét tình hình các trạm thu phí BOT trên địa bàn.
Trả lời chung về các chất vấn liên quan đến vấn đề công khai, minh bạch tại các dự án BOT, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, đến thời điểm này trong 58 dự án Bộ GTVT đang tổ chức thu phí đều đã được quyết toán, trong đó có 19 dự án quyết toán toàn bộ, 39 dự án còn lại quyết toán gần như toàn bộ và các dự án còn lại đang triển khai. “Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư để công khai minh bạch chi phí đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Giải thích về vấn đề tại sao công trình chưa quyết toán xong đã cho thu phí, Bộ trường cho rằng, một dự án BOT có thời hạn, khi đã nghiệm thu dù có thể chưa chính xác 100% nhưng công trình được đưa vào hoạt động sử dụng thì phải cho thu phí để thu hồi vốn cho nhà đầu tư, vì nếu dừng sẽ phát sinh lãi ngân hàng. “Chúng tôi đang cố gắng quyết toán một cách nhanh nhất, khi có kết quả kiểm toán dựa vào đó chúng tôi sẽ điều chỉnh phí sao cho hợp lý nhất” - Bộ trưởng Giao thông vận tải khẳng định.
Liên quan đến nội dung chỉ định thầu trong các dự án BOT được một số đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, toàn bộ dự án BOT được tổ chức đấu thầu, công bố công khai mời thầu trên mạng một tháng. Nhà đầu tư nào quan tâm sẽ nộp hồ sơ thầu, đấu thầu. Dự án nào có hai nhà đầu tư quan tâm trở lên Bộ sẽ tổ chức đấu thầu. “Tuy nhiên, nhiều dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm nên không thể tổ chức đấu thầu. Do vậy, Bộ phải chỉ định thầu” – Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thừa nhận, thời gian qua có tình trạng, một số nhà thầu trúng nhiều dự án, rải rác ở địa phương; Vấn đề phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương chưa chặt chẽ; Một số dự án sau khi trúng thầu, năng lực tài chính không đáp ứng được nên một số công trình chậm.
Giải trình thêm các vấn đề ĐBQH quan tâm chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết để giải quyết các bất cập nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, có giải pháp khắc phục để bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân, nhà nước, nhà đầu tư. Cụ thể: Nghiên cứu ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế về BOT; Rà soát lại các dự án BOT; Xây dựng quy hoạch và công khai quy hoạch BOT để nhân dân biết, giám sát; Chỉ đầu tư BOT trên các tuyến mới, không đầu tư BOT trên tuyến đường độc đạo để nhân dân có sự lựa chọn; Lựa chọn các nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh; Xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật...
Phát biểu kết thúc phần chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, đối với các dự án BOT, Bộ GTVT cần tiến hành: Rà soát toàn bộ hệ thống các trạm thu phí đường bộ để xử lý những tồn tại vướng mắc trong thực tế; Triển khai kết nối hệ thống thông tin dữ liệu về thu phí để bảo đảm sự công khai, minh bạch. Đến hết năm 2019 trên cả nước phải dùng trạm thu phí tự động không dừng; Thực hiện kiểm toán, quyết toán các dự án BOT giao thông theo quy định pháp luật. Đối với các trạm thu phí đặt không đúng vị trí, không phù hợp, đề nghị Bộ trưởng có các phương án xử lý dứt điểm nhanh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát để xử lý nghiêm sai phạm../.
Ngọc Bích