Tọa đàm “Tổ chức kiểm toán chuyên đề của KTNN - Thực trạng và giải pháp”

16/11/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 16/11/2018, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Tổ chức kiểm toán chuyên đề của KTNN - Thực trạng và giải pháp”. Tham dự có GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cùng đại diện các đơn vị tham mưu, sự nghiệp KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực trực thuộc KTNN.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết: Kiểm toán chuyên đề là hoạt động kiểm toán chuyên sâu một lĩnh vực có sử dụng nguồn lực tài chính công, tài sản công. Lĩnh vực được lựa chọn để kiểm toán là những vấn đề kinh tế - xã hội đang được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý và dư luận xã hội quan tâm. Hiện nay, thực hiện kiểm toán theo chuyên đề là cần thiết, thể hiện sự lớn mạnh về chuyên môn của KTNN, cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.  Thông qua kiểm toán chuyên đề, KTNN cung cấp những thông tin có giá trị trên cả giác độ pháp lý và kinh tế - xã hội để Quốc hội, HĐND các cấp thảo luận, đánh giá các chương trình mục tiêu trọng điểm, các vấn đề kinh tế - xã hội, từ đó thực hiện việc giám sát theo luật định và điều chỉnh chủ trương, chính sách cho phù hợp thực tiễn.
    
Trong những năm qua, KTNN đã thực hiện hàng chục cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó, nhiều cuộc có quy mô lớn. Kết quả kiểm toán đã phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin kiểm toán, công tác tổ chức kiểm toán chuyên đề cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, để nhận diện rõ hơn về công tác tổ chức kiểm toán chuyên đề dưới góc nhìn khoa học, KTNN tổ chức Tọa đàm với chủ đề Tổ chức kiểm toán chuyên đề của KTNN - Thực trạng và giải pháp”, mục đích nhằm phân tích thực trạng tiểm toán chuyên đề của KTNN, qua đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán chuyên đề, giúp KTNN thực hiện tốt hơn sứ mạng của mình đối với xã hội trong việc kiểm toán công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu khai mạc Tọa đàm


Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trực tiếp trình bày tham luận, thảo luận, trao đổi, đóng góp các ý kiến về: Làm rõ cơ sở lý luận trong việc lựa chọn chủ đề kiểm toán chuyên đề; phương thức tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề; cơ chế phối hợp giữa các đơn vị tham gia kiểm toán chuyên đề; những kết quả đạt được trong tổ chức kiểm toán chuyên đề cần tiếp tục phát huy.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai cuộc kiểm toán chuyên đề như: Lựa chọn chủ đề kiểm toán, xây dựng đề cương kiểm toán, tổ chức thực hiện kiểm toán, sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan, lập báo cáo kiểm toán... và  đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm tháo gỡ những bất cập hiện tại, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác tổ chức kiểm toán chuyên đề của KTNN.
 
Q. Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa phát biểu kết thúc Tọa đàm


Kết thúc buổi Tọa đàm, Q. Giám đốc Trường đào tạo và bồi dưong nghiệp vụ kiểm toán PGS.TS Nguyễn Đình Hòa ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu của đại biểu tham dự toạ đàm. PGS.TS Nguyễn Đình Hòa cho biết, ngoài 21 bài viết đăng trong kỷ yếu, tọa đàm đã nhận được 6 bài tham luận và 6 ý kiến phát biểu thảo luận tiếp. Các bài viết, bài tham luận cũng như ý kiến phát biểu trực tiếp đã đề cập tương đối toàn diện từ góc độ lý luận cũng như thực tiễn của vấn đề. Hầu hết các ý kiến phát biểu đều khẳng định sự cần thiết phải tổ chức và tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán chuyên đề.

Một số ý kiến nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu và có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán chuyên đề đó là: Sự cần thiết xây dựng kế hoạch kiểm toán chuyên đề trung hạn và hàng năm trong đó cốt lõi là xác định các lĩnh vực kiểm toán có tính thời sự, được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm phù hợp với yêu cầu phải tăng cường quản lý, sử dụng NSNN; Đa dạng hóa các hình thức tổ chức kiểm toán chuyên đề phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực kiểm toán và khách thể kiểm toán cũng như chủ đề kiểm toán được lựa chọn; Cần thiết xây dựng quy trình, đề cương hoặc hướng dẫn kiểm toán phù hợp với đặc thù của kiểm toán chuyên đề; Tăng cường các mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị tham gia kiểm toán chuyên đề trên tất cả các nội dung cơ bản từ đề cương kiểm toán, tổ chức thực hiện và lập báo cáo kiểm toán; Đổi mới phương pháp kiểm toán theo hướng chú trọng phương pháp tiếp cận vấn đề, không ngừng đào tạo nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn Kiểm toán viên nhà nước đáp ứng yêu cầu chuyên sâu theo từng lĩnh vực kiểm toán, chú trọng việc phát hiện, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách; Tăng cường tổng kết rút kinh nghiệm sau khi kết thúc các cuộc kiểm toán chuyên đề lớn để cải tiến và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề về sau.

Theo PGS.TS Nguyễn  Đình Hoà, nội dung các bài tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu sẽ được tổng hợp để báo cáo Lãnh đạo KTNN và gửi các đơn vị trong toàn Ngành nhằm chia sẻ kinh nghiệm. Kết quả của Tọa đàm sẽ được các đơn vị, cá nhân nghiên cứu, vận dụng vào trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách thực hiện kiểm toán chuyên đề cũng như biên soạn tài liệu phục vụ công tác đào tạo bồi dưỡng của Ngành./.

Hà Linh

Xem thêm »