Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Phân tích, đánh giá vấn đề bội chi NSNN và nợ công giai đoạn 2011-2015 trong kiểm toán quyết toán NSNN và định hướng kiểm toán giai đoạn 2017-2020”

17/01/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 17/01/2019, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học của KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Phân tích, đánh giá vấn đề bội chi NSNN và nợ công giai đoạn 2011-2015 trong kiểm toán quyết toán NSNN và định hướng kiểm toán giai đoạn 2017-2020”. Đề tài do PGS.TS Nguyễn Đình Hòa - Q. Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán chủ nhiệm.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu là GS. TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.

Theo Ban chủ nhiệm đề tài, bội chi NSNN và nợ công là các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng bậc nhất phản ánh sức khỏe cũng như trạng thái phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân của một quốc gia. Đây cũng là chỉ số quan trọng để các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô làm căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, trung hạn cũng như dài hạn với mục tiêu điều hành chính sách đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững. KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ý kiến của KTNN giúp Chính phủ quản lý điều hành tài chính công, tài sản công ngày càng hiệu quả hơn trong đó có việc quản lý, xử lý nợ công và bội chi NSNN, đảm bảo an toàn nền tìa chính quốc gia. Do đó việc lựa chọn nghiên cứu đề tài “phân tích đánh giá vấn đề bội chi NSNN và nợ công giai đoạn 2011-2015 trong kiểm toán quyết toán NSNN và định hướng kiểm toán giai đoạn 2017-2020” là hết sức cần thiết có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống, phù hợp với nội dung nghiên cứu.

Với kết cấu 03 chương, Đề tài đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận về bội chi NSNN, nợ công, việc kiểm toán quyết toán NSNN trong đó có hoạt động phân tích, đánh giá bội chi ngân sách và nợ công. Đề tài cũng thành công trong việc đánh giá bội chi NSNN và nợ công trong kiểm toán quyết toán NSNN của KTNN giai đoạn 2011-2016. Những nhận định đánh giá của Ban nghiên cứu đề tài là khách quan và sát thực phản ánh được những kết quả đạt được, những hạn chế trong việc phân tích đánh giá nợ công bội chi NSNN do KTNN thực hiện khi kiểm toán quyết toán NSNN. Ban chủ nhiệm đề tài đã đề xuất được các kiến nghị về bổ sung nội dung phân tích, đánh giá bội chi (nguồn thu, cơ cấu thu, quy mô chi, cơ cấu chi, cách thức xử lý bội chi), nợ công (mức độ nợ công, cách sử dụng nợ công, khả năng trả nợ và nguồn để trả nợ) trong kiểm toán quyết toán NSNN. Các kiến nghị về quản lý điều hành NSNN, về quản lý nợ công cũng được Ban chủ nhiệm nghiên cứu đề xuất phù hợp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài bổ sung kiến thức lý luận về mối quan hệ giữa nợ công và bội chi; phân tích sâu hơn việc Chính phủ xử lý bội chi dựa trên hai nguồn (vay trong nước, vay ngoài nước); phân tích cụ thể về tỷ trọng các nguồn bù đắp bội chi, để từ đó KTNN rút ra những nhận định, đánh giá về cách thức xử lý bội chi của Chính phủ; bổ sung một số nội dung về kiểm toán nợ công trong Quy trình kiểm toán Quyết toán NSNN; đánh giá những mặt làm được, những tồn tại, hạn chế bất cập trong quá trình kiểm toán quyết toán ngân sách và trong kiểm toán bội chi NSNN và nơ công, từ đó nghiên cứu, bổ sung những giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán nợ công, bội chi NSNN trong cuộc kiểm toán quyết toán NSNN...

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Đoàn Xuân Tiên ghi nhận những đóng góp của Ban chủ nhiệm đề tài “Phân tích, đánh giá vấn đề bội chi NSNN và nợ công giai đoạn 2011-2015 trong kiểm toán quyết toán NSNN và định hướng kiểm toán giai đoạn 2017-2020” và đánh giá đây là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, có tính thực tiễn, chất lượng, kết cấu hợp lý, logic, nội dung phù hợp với mục tiêu, phạm vi nghiên cứu. Tuy nhiên để kết quả nghiên cứu được áp dụng một cách hiệu quả trong thực tiễn kiểm toán, Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban Chủ nhiệm tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên hội đồng để hoàn thiện đề tài.

Hội đồng khoa học nhất trí nghiệm thu đề tài. Đề tài xếp loại Khá.

Hà Linh
 

Xem thêm »