Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước: Giải quyết mâu thuẫn như thế nào?

16/03/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Có sự chồng chéo hoạt động giữa Kiểm toán nhà nước và các cơ quan thanh tra đang gây ra sự lãng phí thời gian, kinh phí, nguồn lực của Nhà nước. Tuy nhiên, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước trình tại Phiên họp thứ Ba mươi hai của UBTVQH chưa thực sự khắc phục được hạn chế này. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cần quy định rõ nguyên tắc xử lý khi xảy ra trường hợp chồng chéo. Khi có sự không thống nhất giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước thì giải quyết mâu thuẫn như thế nào?

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp

Chồng chéo gây lãng phí

Mối quan hệ giữa Kiểm toán nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra là một vấn đề được các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và xã hội quan tâm. Trên thực tế, hoạt động của các cơ quan này có xảy ra sự chồng chéo, trùng lặp về niên độ, nội dung, phạm vi và cả đối tượng, điều này phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra và đơn vị được kiểm toán. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ Trần Đăng Vinh, việc chồng chéo còn làm lãng phí thời gian, kinh phí, nguồn lực của Nhà nước phục vụ cho hoạt động kiểm toán, thanh tra. Thực tế cho thấy, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán diễn ra phổ biến tại các dự án đầu tư xây dựng, nhất là ở các dự án giao thông, thủy lợi, xây dựng khu công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ; chồng chéo hoạt động cũng xảy ra ở một số cơ quan ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước như BIDV, Agribank, Viettinbank, VDB; chồng chéo hoạt động thanh tra, kiểm toán tại các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước…

Vì vậy, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ kỳ vọng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước phải phân định rõ ràng, rành mạch về chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước và cơ quan thanh tra. Quá trình phân định chức năng, nhiệm vụ của 2 thiết chế này cần bảo đảm nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Theo đó, để kiểm soát quyền lực nhà nước, bộ máy của Nhà nước vừa có khả năng kiểm soát được xã hội, vừa tự kiểm soát được chính mình, từ đó, tạo được cơ chế kiểm soát một cách có hiệu quả. Kiểm toán nhà nước được xem là công cụ để kiểm soát quyền hành pháp từ bên ngoài; còn cơ quan thanh tra là một thiết chế để kiểm soát bên trong của việc thực hiện quyền hành pháp. Hai thiết chế này phải bảo đảm được sự chặt chẽ để phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, hạn chế trong thực thi pháp luật và xử lý vi phạm.Nguyên nhân chồng chéo được Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ Trần Đăng Vinh xác định là do có sự giao thoa về chức năng nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước và cơ quan thanh tra. Điển hình như, khi tiến hành kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ, Kiểm toán nhà nước phải thực hiện quy trình kiểm toán theo chuẩn mực, trong một số trường hợp giống như hoạt động của cơ quan thanh tra (thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật). Mặt khác, cũng theo quy định của pháp luật, cơ quan thanh tra có chức năng thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước (nhất là thanh tra tài chính) giống với chức năng kiểm toán báo cáo tài chính của Kiểm toán nhà nước. Một số cuộc kiểm toán, thanh tra chưa thể hiện rõ đối tượng kiểm toán, thanh tra nên cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước gặp khó khăn khi xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, kiểm toán, dẫn đến chồng chéo nếu không được phối hợp, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán với hoạt động thanh tra cũng chưa được quy định rõ, chưa có cơ chế phối hợp công tác giữa thanh tra Bộ, thanh tra tỉnh với Kiểm toán nhà nước.

Rành mạch giữa hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra

Để khắc phục tình trạng chồng chéo vừa qua, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước trình tại Phiên họp thứ Ba mươi hai của UBTVQH đã quy định về trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra trong việc phối hợp với Kiểm toán nhà nước khi thực hiện thanh tra, kiểm tra trong việc phối hợp với Kiểm toán nhà nước khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm để tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, quy định này chưa thực sự giải quyết được cốt lõi những vướng mắc đặt ra. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, nguyên nhân của việc chồng chéo là ở các quy định về nội dung kiểm toán, nội dung thanh tra chưa được phân định rõ, dẫn đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 2 cơ quan này còn nhiều bất cập. Ví như Quyết định số 02 của Kiểm toán nhà nước ngày 13.3.2017 quy định quy trình kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng công trình thì hầu hết các quy trình này trùng lặp với quy trình của một đoàn thanh tra chuyên ngành xây dựng, từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế đến dự toán thi công.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, việc sửa đổi luật phải bảo đảm phân định rõ ràng, rành mạch giữa hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra trong việc kiểm soát đối với các đối tượng quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; quy định rõ nguyên tắc xử lý khi xảy ra trường hợp chồng chéo. Chủ thể ở đây thế nào? Khi có sự không thống nhất giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước thì giải quyết mâu thuẫn như thế nào?

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, Kiểm toán nhà nước cần rà soát lại các sửa đổi của dự án luật trên cơ sở bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cũng như thực tiễn 3 năm thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, phải làm sao tránh sự trùng lặp, nếu có trùng lặp thì có thể dẫn chiếu cho phù hợp, cố gắng không phá vỡ sự thống nhất của hệ thống pháp luật có liên quan; tập trung làm rõ quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ giữa kiểm toán với các cơ quan nhà nước - Đây là vấn đề phải rất chú trọng.

Ý Nhi

Xem thêm »