(sav.gov.vn) - Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Quyết định số 477/QĐ-KTNN về việc ban hành Đề cương kiểm toán “Chuyên đề việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập giai đoạn 2016-2018”.
Theo đó, mục tiêu của kiểm toán Chuyên đề này nhằm: Đánh giá công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, việc phối hợp của các Bộ, cơ quan Trung ương trong việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn hoặc trình Chính phủ ban hành cơ chế tự chủ tại các cơ sở giáo dục công lập (trường và các học viện); Đánh giá công tác tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ của các các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các trường đại học công lập (học viện) theo quy định giai đoạn 2016-2018; Đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế tự chủ của các Trường Đại học công lập (học viện) giai đoạn 2016-2018 với trọng tâm là đánh giá kết quả, mức độ tự chủ về thực hiện nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, nhân sự; tự chủ về tài chính.
Thông qua kiểm toán phát hiện những bất cập để kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ tại các Trường đại học công lập (học viện) nhằm thực hiện cơ chế tự chủ có hiệu quả; Kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hạn chế, sai sót, sai phạm trong việc thực hiện cơ chế tự chủ của các Trường đại học công lập để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật; Cung cấp những thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ và thực hiện chức năng giám sát quá trình quản lý tài chính và tài chính công.
Dựa vào chuẩn mực KTNN số 1300 (chuẩn mực lập kế hoạch kiểm toán), các Đoàn kiểm toán phải tiến hành đánh giá Hệ thống kiểm soát nội bộ (HTKSNB) của các đơn vị được kiểm toán thông qua quá trình khảo sát thu thập thông tin lập KHKT của cuộc kiểm toán nhằm xác định phạm vi kiểm toán phù hợp và đạt được các mục tiêu kiểm toán đã đề ra. Việc đánh giá HTKSNB của đơn vị được kiểm toán thực hiện theo các nội dung cụ thể của từng đơn vị, qua đánh giá phải xác định được tính đầy đủ, đúng đắn và đặc biệt là tính hiệu lực của các thủ tục kiểm soát.
Để thực hiện tốt các mục tiêu kiểm toán được xác định và các rủi ro kiểm toán đã đánh giá của chuyên đề kiểm toán đối với lĩnh vực giáo dục đại học công lập, Quyết định cũng đưa ra các nội dung trọng tâm của cuộc kiểm toán gồm: Tính hiệu lực, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Nghị quyết 77/NQ-CP, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, các thông tư hướng dẫn,..) trong việc quy định thực hiện cơ chế tự chủ; Việc tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, (từ triển khai thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, kết quả thực hiện tự chủ theo các nội dung quy định trong giai đoạn kiểm toán, trong đó chú trọng mức độ tự chủ đã đạt được ở các nội dung tự chủ) tại các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, trường đại học công lập kết hợp với việc thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ (triển khai thực hiện, kết quả thực hiện tự chủ theo các nội dung quy định trong giai đoạn kiểm toán, trong đó chú trọng mức độ tự chủ đã đạt được ở các nội dung tự chủ) tại một số trường đại học công lập (học viện). Trong đó, tập trung kiểm toán về việc tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ; tự chủ tài chính; tổ chức bộ máy, nhân sự.
Về phạm vi và giới hạn kiểm toán gồm: Kiểm toán tổng hợp; kiểm toán chi tiết; kiểm toán tình hình kinh phí và quyết toán; kiểm toán xây dựng cơ bản. Đối với Kiểm toán chi tiết: Kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ của các Trường Đại học công lập thuộc các Bộ, Cơ quan Trung ương, UNND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương giai đoạn 2016-2018. Đối với tình hình kinh phí và quyết toán: Chỉ thực hiện kiểm toán đối với các nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục đại học, sau đại học và tất cả các khoản thu của đơn vị. Đối với XDCB: Kiểm toán tổng hợp trình tự phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, tiến độ bố trí nguồn vốn, đánh giá hiệu quả đầu tư; không kiểm toán chi tiết giá trị thanh quyết toán, giá trị hợp đồng của các công trình đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn XDCB tập trung, nguồn thu để lại và các nguồn vốn khác của đơn vị thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn. Chỉ kiểm toán chi tiết một số dự án; gói thầu mua sắm, sữa chữa có nguồn vốn từ nguồn thu để lại và các nguồn khác của đơn vị.
Tùy theo tình hình khảo sát thực tế các Đoàn kiểm toán sẽ xác định giới hạn và trình Lãnh đạo KTNN phê duyệt tại các kế hoạch kiểm toán. Đối với các đơn vị đã có KTNN, Thanh tra Chính phủ thực hiện thì loại trừ không thực hiện kiểm toán đối với những nội dung mà KTNN và Thanh tra Chính phủ đã thực hiện (ghi nhận kết quả lấy theo báo cáo đã được phát hành công khai), chỉ thực hiện thêm các nội dung theo Đề cương, Kế hoạch kiểm toán khi các cơ quan trên chưa thực hiện.
Về Đối tượng được kiểm toán, Kiểm toán tại các cơ quan tổng hợp : Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các Bộ, cơ quan Trung ương thuộc danh mục thực hiện kiểm toán chuyên đề; UBND các tỉnh, thành phố; Kiểm toán chi tiết: Các trường đại học công lập ,Các học viện thực hiện theo cơ chế tự chủ; Kiểm tra, đối chiếu tại các đơn vị (trong trường hợp cần thiết): Tại Kho bạc tỉnh, thành phố TW; Các đơn vị khác có liên quan; Tại Bộ Tài chính thực hiện theo phương án gửi mẫu biểu tổng hợp để thu thập số liệu dự toán, quyết toán đối với nguồn sự nghiệp giáo dục (đại học và sau đại học (chi tiết theo phụ lục số 01,02,03/ĐC-CĐTC)) .
Về nội dung kiểm toán sẽ kiểm toán việc xây dựng, ban hành và kiểm tra, giám sát các quy định về quản lý chất lượng giáo dục đại học, bao gồm: Quy chế tuyển sinh, chương trình đào tạo, quy định văn bằng, chứng chỉ, mở mã ngành, quản lý chất lượng đầu ra, liên kết đào tạo với nước ngoài. Kiểm toán việc phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực dịch vụ đào tạo đại học làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công với việc tính đủ chi phí; Kiểm toán việc tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ cho các trường đại học công lập trực thuộc; Kiểm toán công tác tổng hợp, phân bổ dự toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp giáo dục đại học giai đoạn 2016-2018; Kiểm toán công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và tổng kết đánh giá việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập trực thuộc; Kiểm toán tổng hợp về quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng phân bổ cho các trường đại học công lập thực hiện theo cơ chế tự chủ.
Đồng thời sẽ kiểm toán: Việc ban hành các văn bản phân cấp quản lý trong việc tự chủ về tổ chức, bộ máy nhân sự của Bộ đối với các Trường đại học công lập trực thuộc; Công tác triển khai thực hiện thẩm định đề án vị trí việc làm theo Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 8/5/2012, quy định về vị trí việc làm cho các Trường đại học công lập; Việc triển khai tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ cho các trường đại học công lập trực thuộc; Công tác tổng hợp, phân bổ dự toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp giáo dục đại học giai đoạn 2016-2018; Công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và tổng kết đánh giá việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập trực thuộc; Công tác triển khai thực hiện thẩm định đề án vị trí việc làm theo Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 8/5/2012, quy định về vị trí việc làm cho các Trường đại học công lập; Tổng hợp về quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng phân bổ cho các trường đại học công lập trực thuộc thực hiện theo cơ chế tự chủ.
Quyết định cũng nêu cụ thể chỉ tiết các nội dung kiểm toán tại: Các Đại học Vùng trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và 02 Đại học Quốc gia (Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội), các địa phương, các Trường đại học công lập (học viện) trực thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Cũng theo quyết định, để thực hiện các cuộc kiểm toán trên, các phương pháp kiểm toán được áp dụng, gồm: Phương pháp kiểm toán cơ bản và phương pháp kiểm toán tuân thủ.
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu KTNN chuyên ngành III - đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chuyên đề, tổng hợp kết quả kiểm toán chuyên đề của toàn Ngành; KTNN chuyên ngành II kiểm toán chuyên đề tại các Bộ, cơ quan Trung ương có các Trường Đại học công lập (Học viện) trực thuộc, thuộc phạm vi được Tổng Kiểm toán nhà nước phân công kiểm toán; các KTNN khu vực tổ chức lồng ghép trong các cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP. Trong đó tách riêng kết quả kiểm toán chuyên đề thành Phụ lục kèm theo Báo cáo kiểm toán. Kết thúc kiểm toán tổ chức lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành Báo cáo kiểm toán cho cả cuộc kiểm toán theo quy định./.
Thanh Trang