Bế mạc phiên họp thứ 33 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV

19/04/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 19/4/2019, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 33. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên dự Phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nội dung Phiên họp lần này tương đối nhiều, thời gian họp không dài nhưng với tinh thần tập trung, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. “Tại Phiên họp, sự chuẩn bị tài liệu của các cơ quan hữu quan được chú trọng hơn, bảo đảm chất lượng đã góp phần tạo thuận lợi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xem xét, cho ý kiến và quyết định các vấn đề đặt ra” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, sau Phiên họp, Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cùng các cơ quan hữu quan căn cứ vào kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khẩn trương, tiếp thu, hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết, các báo cáo giám sát gửi đại biểu Quốc hội; đồng thời hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ký ban hành. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương hoàn thiện và gửi dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 7 để gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội không nhiều, do đó, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành chủ động phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương rà soát các nội dung trình Quốc hội, đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”.

Theo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, trong thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị được ban hành khá đồng bộ, tương đối kịp thời, cơ bản thống nhất, bao quát trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, tạo hành lang cho chương trình phát triển đô thị, tạo nguồn lực tài chính to lớn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, phát triển thị trường bất động sản, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Việc quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất đai đã góp phần định hình cho sự phát triển các đô thị. Bên cạnh đó, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được các địa phương thực hiện khá tốt. Chính sách tài chính về đất đai đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Các đô thị phát triển nhanh, mạnh mẽ; diện mạo đô thị thay đổi tích cực rõ rệt, ngày càng hiện đại, hình thành một không gian sống tốt hơn cho người dân; cơ sở hạ tầng cơ bản được đảm bảo, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội phát triển sôi động. “Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong công tác ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh nói.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cũng cho biết, qua giám sát cho thấy hệ thống pháp luật hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ; có nội dung chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; công tác quản lý đất đai tại đô thị còn có biểu hiện buông lỏng; việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện cũng gây nên một số hệ lụy cho môi trường sống như đô thị quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông, diện tích cây xanh, công viên giảm…

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị, cần xem xét sửa đổi, bổ sung các luật liên quan. Trong trường hợp chưa sửa kịp thời Luật Đất đai và pháp luật liên quan thì cần ban hành Nghị quyết thí điểm xử lý một số vấn đề cấp bách phát sinh trong quản lý, sử dụng đất đai; giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình QH Khóa XIV tại Kỳ họp thứ 8.

Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai. Đồng thời, đẩy nhanh việc ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch năm 2017; Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao; bảo đảm kinh phí cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị. Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đưa kiến nghị cụ thể với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành khác, và đối với các địa phương.

Qua nghiên cứu các vấn đề đặt ra trong Báo cáo giám sát, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị trong thời gian tới./.
 
Diễn ra từ ngày 10-19/4, với tinh thần làm việc khẩn trương, hiệu quả, Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng, quyết định các nội dung theo thẩm quyền và chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thư viện; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020; dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội và cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định danh mục dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 nguồn ngân sách Trung ương; việc bổ sung danh mục mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã và giải thể 1 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; thành lập 5 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai; Xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, kiêm nhiệm Liên bang Micronesia.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bàn về công tác nhân sự.

M. Thúy

Xem thêm »