Nghiệm thu đề tài NCKH cấp cơ sở năm 2018 "Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý khoa học của KTNN".

04/05/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Chiều ngày 03/5/2019, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở sở năm 2018 "Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý khoa học của KTNN" do Ths.Trần Quang Huy và Ths. Tô Hoàng Việt Linh, Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đồng chủ nhiệm. PGS.TS Nguyễn Đình Hòa - Quyền Giám đốc Trường làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, trong những năm gần đây công tác nghiên cứu khoa học của KTNN ngày càng phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng, quy mô ngày càng tăng. Tuy nhiên công tác quản lý hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) lại đang thực hiện đa phần theo phương pháp thủ công, các dữ liệu được lưu giữ thông qua văn bản hoặc các tệp tin một cách chưa đảm bảo. Do đó việc quản lý, tổng hợp và tra cứu thông tin phục vụ công tác điều hành hoạt động KHCN tại KTNN ngày càng gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay. Yêu cầu cấp thiết đối với công tác quản lý khoa học của KTNN là phải xây dựng được hệ thống quản lý các hoạt động khoa học trên nền tảng số hóa dữ liệu về hoạt động KHCN và các công cụ quản lý nền tảng ứng dụng CNTT. Thông qua ứng dụng CNTT, việc quản lý khoa học sẽ được quy trình hóa, đồng bộ hóa con người và dữ liệu, từ đó cung cấp cho ban lãnh đạo KTNN, bộ phận quản lý khoa học và các đơn vị liên quan theo dõi những thông tin cần thiết về quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN kịp thời và chính xác. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài  "Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý khoa học của KTNN" là rất cần thiết đặt ra với KTNN hiện nay.

Ban Chủ nhiệm Đề tài cũng cho biết, trên cơ nghiên cứu lý luận về ứng dụng CNTT trong quản lý nói chung và phân tích thực trạng công tác quản lý khoa học, thực trạng ứng dụng CNTT trong quản lý khoa học của KTNN, đề tài làm rõ định hướng ứng dụng vào hoạt động quản lý khoa học của KTNN một cách thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tế phát triển của ngành trong thời gian tới.

Ngoài phần lời mở đầu và kết luận, đề tài chia làm 2 chương: Tổng quan ứng dụng CNTT trong công tác quản lý khoa học của KTNN; Định hướng và giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý khoa học của KTNN.

Đánh giá về đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng, việc nghiên cứu đề tài là rất cần thiết xuất phát từ yêu cầu cấp thiết đối với công tác quản lý khoa học của KTNN hiện nay là cần phải xây dựng  được hệ thống quản lý khoa học trên nền tảng số hóa dữ liệu và các công cụ quản lý trên nền tảng CNTT. Đề tài đã hệ thống hóa một số vấn đề lý luận cơ bản về CNTT như: Khái niệm, vai trò của CNTT; ứng dụng CNTT trong quản lý và quản lý khoa học; các yếu tố ảnh hưởng đến ứng dụng CNTT trong quản lý khoa học. Đề tài đã đánh giá được khái quát thực trạng công tác quản lý khoa học và thực trạng ứng dụng CNTT trong công tác quản lý khoa học của KTNN trong thời gian qua; qua đó chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý khoa học  và công tác ứng dụng CNTT vào công tác quản lý khoa học. Đề tài đã xác định mục tiêu, định hướng và đề xuất một số giải pháp ứng dụng CNTT trong quản lý khoa học của KTNN và nêu ra các diều kiện thực hiện đề xuất, trong đó có những đề xuất quan trọng là xây dựng cổng thông tin KHCN phục vụ hoạt động khoa học của KTNN với kiến trúc tổng thể gồm 4 phân hệ: Quản trị hệ thống và báo cáo; Quản lý tin tức khoa học; Quản lý hoạt động khoa học; Quản lý tra cứu thông tin khoa học...

Để hoàn thiện đề tài, các ý kiến cho rằng, Ban chủ nhiệm đề tài cần nghiên cứu bổ sung: Phân cấp quản lý khoa học của KTNN, cần bổ sung nhiệm vụ, chức năng của Vụ TCCB với tư cách là đơn vị quản lý nhà nước về khoa học của KTNN; Bổ sung các nhân tố ảnh hướng đến công tác quản lý khoa học của KTNN.

Tại chương 2 của đề tài cần bổ sung một số nội dung: Yêu cầu đối với việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý khoa học của KTNN; Làm rõ hơn nội dung quản lý khoa học (chủ thể quản lý, đối tượng và nội dung quản lý) để  làm cơ sở cho việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý khoa học. Ngoài ra, đề tài cũng chưa có các thông tin về việc tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị khác trong việc triển khai, xây dựng ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý khoa học, những ưu nhược điểm và bài học rút ra.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa đánh giá cao sự  cao sự nỗ lực của Ban chủ nhiệm đề tài trong việc nghiên cứu đề tài thiết thực phục vụ công tác quản lý khoa học của KTNN. Việc nghiên cứu đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu và tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng để hoàn thiện đề tài: Chỉnh sửa lỗi chính tả, lỗi trình bày, chỉnh sửa tên, tiểu mục đảm bảo sự gắn kết, logic của đề tài và bổ sung một số tài liệu tham khảo; Điều chỉnh nhiệm vụ của Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trong quản lý hoạt động khoa học cho phù hợp với quy định hiện hành; Bổ sung thêm nội dung công tác quản lý KH để làm cơ sở thiết kế phần mềm để quản lý khoa học; Bổ sung thực trạng ứng dụng CNTT trong quản lý khoa học, chỉ ra nguyên nhân tồn tại, hạn chế để đề ra giải pháp khắc phục.

Hội đồng nghiệm thu cũng đưa ra khuyến cáo: Bổ sung kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong quản lý khoa học của một số Bộ, ngành, Trung ương để có thể ứng dụng đối với KTNN.

Đề tài được đánh giá đạt loại khá./.
 
Ngọc Bích
 
 
 

Xem thêm »