(sav.gov.vn) - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh thừa ủy quyền Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa có văn bản gửi: Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tài chính góp ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
KTNN có trách nhiệm kiểm toán tính tuân thủ của cơ quan thuế đối với các quy định của pháp luật về thuế
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, sau khi nghiên cứu dự thảo dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) ngày 14/5/2019, Kiểm toán nhà nước có ý kiến sau:
Tại điểm b, khoản 2, Điều 21 dự thảo Luật Quản lý thuế quy định: Trường hợp cơ quan Kiểm toán nhà nước không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế, mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế, có nội dung kiến nghị nêu trong báo cáo kiểm toán liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan Kiểm toán nhà nước phải gửi trích lục có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế. Căn cứ kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm ban hành quyết định xử lý về thuế.
Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với số thuế phải nộp, thì cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm xác định chính xác số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật; và người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, trình tự thủ tục về khiếu nại, khởi kiện thực hiện theo quy định của Luật này, Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính.
Kiểm toán nhà nước cho rằng quy định như trên là chưa phù hợp với Điều 118 Hiến pháp, trái với Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015:
Theo đó, khoản 1, Điều 118 Hiến pháp năm 2013 “Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước thì khi kiểm toán tại cơ quan thuế, ngoài việc kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động, Kiểm toán nhà nước còn thực hiện kiểm toán tính tuân thủ của cơ quan thuế đối với các quy định của pháp luật về thuế. Cơ quan thuế là đơn vị được kiểm toán nên phải có trách nhiệm giải trình, phối hợp làm rõ việc thu thuế đã đúng quy định của pháp luật chưa (thu đúng, đủ hay thu sai, đã xử phạt và tính tiền chậm nộp chưa...). Cơ quan thuế có trách nhiệm bắt buộc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Kiểm toán nhà nước.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, quá trình kiểm toán tại cơ quan thuế, Kiểm toán nhà nước sẽ chọn mẫu một số doanh nghiệp thuộc nhiệm vụ thu của cơ quan thuế để kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ nộp thuế, như vậy doanh nghiệp được kiểm tra, đối chiếu là cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động kiểm toán (theo quy định tại Điều 68 Luật Kiểm toán nhà nước) có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu và giải trình các vấn đề có liên quan. Đồng thời, có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Kiểm toán nhà nước. Cơ quan thuế có trách nhiệm cùng Kiểm toán nhà nước thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu, giải trình các vấn đề thuộc trách nhiệm của cơ quan thuế và phối hợp với Kiểm toán nhà nước trong việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp tài liệu, giải trình về nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Kết thúc kiểm tra, đối chiếu, Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế và doanh nghiệp được đối chiếu cùng ký Biên bản đối chiếu. Căn cứ vào Biên bản đối chiếu và hồ sơ liên quan, Kiểm toán nhà nước mới phát hành báo cáo kiểm toán. Vì vậy, báo cáo kiểm toán là cơ sở để cơ quan thuế và doanh nghiệp thực hiện.
Để đảm bảo trong hoạt động kiểm toán, ngoài việc cơ quan thuế (là đơn vị trực tiếp được kiểm toán) có quyền khiếu nại, khởi kiện Kiểm toán nhà nước theo quy định pháp luật, Kiểm toán nhà nước còn đề xuất bổ sung quyền kiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán của cơ quan, tổ chức có liên quan vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015. Trên cơ sở đó, Kiểm toán nhà nước sẽ có trách nhiệm đến cùng đối với các kết luận, kiến nghị của mình.
Như vậy, Điều 21 khoản 2 điểm b đề nghị sửa lại theo hướng: Trường hợp cơ quan Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tại cơ quan thuế, có nội dung kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế, căn cứ kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm ban hành quyết định xử lý thuế. Nếu không đồng ý với số thuế kiến nghị thì cơ quan thuế, người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện báo cáo Kiểm toán nhà nước./.
Ngọc Bích