Hội thảo Kế toán Việt Nam - Tương lai và triển vọng

25/05/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 25/5/2019, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Văn phòng Đại diện Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Kế toán Việt Nam - Tương lai và triển vọng” trước thềm Đại hội lần thứ 6 nhiệm kỳ 2019 - 2024 của VAA. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: TS. Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn Kế toán Đông Nam Á (AFA) Kon Yin Tong, PGS.TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch VAA, Ths. Đặng Thị Mai Trang - Trưởng đại diện ICAEW tại Việt Nam cùng đại diện Bộ Tài chính, Bộ nội vụ, Bộ Công thương, KTNN, Liên đoàn kế toán các nước ASEAN, Hội kế toán công chứng Malaysia, Viện Kế toán Công chứng Singapore...

Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 200 đại biểu là hội viên của VAA, các chuyên gia kế toán, kiểm toán và các nhà khoa học trong cả nước.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Đặng Văn Thanh cho biết, Hội thảo được tổ chức với mục đích nhận diện, chuẩn bị những việc phải làm trong tương lai và chủ động nắm bắt những triển vọng phát triển của kế toán, kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh mới. Hội thảo cũng chia sẻ những thông tin, những kinh nghiệm về đổi mới và phát triển kế toán, kiểm toán, bao gồm cả KTNN, kiểm toán độc lập; đồng thời nhận diện những tác động và chủ động có giải pháp thay đổi căn bản phương thức tạo lập, xử lý thông tin, phương thức kiểm tra, đánh giá, tổng hợp và cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin kế toán, kiểm toán. "Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, hình thành và triển khai các giải pháp cần thiết từ thống nhất về nhận thức, hoàn thiện thể chế kinh tế, thiết lập mới các quy trình kế toán và kiểm toán đến phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuẩn bị các điều kiện mang tính kỹ thuật cho kế toán, kiểm toán Việt Nam trong giai đoạn mới" - ông Đặng Văn Thanh nói.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, sau 25 năm đổi mới và cải cách, kế toán và kiểm toán đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế tài chính, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn tới, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu, càng toàn diện, xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế -tài chính, về kế toán kiểm toán sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn; các nền kinh tế sẽ rộng mở hơn, giao lưu và giao thoa nhiều hơn. Nhiều Hiệp định, nhiều điều ước quốc tế, nhiều cam kết quốc tế sẽ được ký kết và triển khai sẽ cho phép không chỉ hàng hóa, dịch vụ mà cả dòng vốn đầu tư, các dòng tiền, nguồn nhân lực (trong đó có nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán) sẽ di chuyển tự do hơn. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cách mạng công nghệ số, nền kinh tế số đang trong thời kỳ khởi phát trên toàn thế giới, tác động rất mạnh vào các nền kinh tế nói chung và  nền kinh tế Việt Nam nói riêng, trong đó có kế toán và kiểm toán trên toàn thế giới. Điều đó đòi hỏi phải có sự thay đổi rất căn bản quy trình và phương pháp kế toán, kiểm toán, đổi mới căn bản phương thức tạo lập, thu thập và xử lý thông tin, phương thức kiểm tra, đánh giá thông tin, cách thức truyền tải, tiếp nhận, khai thác thông tin và lưu trữ thông tin.

Khẳng định đây là một thách thức và cũng là thời cơ để Việt Nam đổi mới toàn bộ hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, ngành kế toán, kiểm toán cần đổi mới về thể chế, ban hành các quy định pháp lý, ban hành các chính sách kế toán cho đến đổi mới quy trình kế toán, kiểm toán, chuẩn bị nguồn nhân lực mới cho tương lai.
 

Quang cảnh Hội thảo

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, trong tương lai, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán cần có sự đổi mới rất căn bản từ chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo. Các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cần đảm nhiệm tốt vai trò và trách nhiệm đào tạo đội ngũ kế toán, kiểm toán, tổ chức các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng nghề nghiệp, nâng cao và phát triển năng lực cho những người làm kế toán, kiểm toán theo thông lệ và chuẩn mực giáo dục nghề nghiệp... hướng tới xây dựng ngành kế toán, kiểm toán của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đáp ứng những yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập.

Tại Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, qua 25 năm trưởng thành, KTNN Việt Nam đã không ngừng phát triển, vươn lên cả về số lượng và chất lượng, ngày càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ pháp luật, bảo vệ sự liêm chính trong quá trình điều hành, quản lý nền tài chính quốc gia và trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. "Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới của đất nước, hội nhập quốc tế, nhiệm vụ và chức năng của KTNN đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới, từ tổng kết thực tiễn hoạt động gần 25 năm của KTNN và kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN vẫn phải đối mặt với một số hạn chế và thách thức" - Tổng Kiểm toán nhà nước nói.

Để đối mặt với những số thách thức đó, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, KTNN phải tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa nội lực, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trong nhiều năm tới. Trong đó, việc xây dựng Chiến lược KTNN giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2035 là hết sức cần thiết, với mục tiêu: Phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian tới sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước, trong đó làm rõ hơn đối tượng được kiểm toán nhằm bao quát hết các tổ chức có hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thuộc đối tượng, phạm vi kiểm toán của KTNN theo quy định của Hiến pháp với quan điểm mở “Ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó có sự kiểm tra của KTNN”. KTNN cần bổ sung: Quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; Quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng kiểm toán, minh bạch hơn nữa trong hoạt động của KTNN; Nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng, góp phần quan trọng thúc đẩy giải quyết có hiệu quả các vụ án, vụ việc cần phải có cơ quan chuyên môn làm giám định tư pháp độc lập trong hoạt động tố tụng.

Bên cạnh đó, KTNN sẽ tập trung phát triển bộ máy và nguồn nhân lực của mình theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả theo chủ trương chung của cả hệ thống chính trị và tăng cường phân cấp cho các đơn vị trực thuộc; Tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán toàn diện về năng lực, hiệu lực và hiệu quả; Coi trọng chiến lược phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của KTNN; Duy trì và nâng tầm các hoạt động hợp tác quốc tế...

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận, đưa ra những thông tin, quyết sách nghề nghiệp mang tính chiến lược của AFA cũng như của các tổ chức kế toán, kiểm toán trong khu vực.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân cho biết, hiện nay khoa học công nghệ trong đó có khoa học quản lý, khoa học kế toán, kiểm toán, công nghệ về quản trị và kỹ trị đã và đang phát triển rất mạnh mẽ với yêu cầu mới, nhiệm vụ mới. Kế toán và kiểm toán cần tiếp cận và sử dụng tốt nhất những tiện ích của trí tuệ nhân tạo, của thế giới mạng, của Internet kết nối vạn vật, kết nối mọi dịch vụ trong hoạt động nghiệp vụ của mình. "Cần chuẩn bị cho sự thích ứng với những phương thức giao dịch mới, phương thức thanh toán mới, đơn vị đo lường mới, của hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử..." - TS. Phạm Văn Tân nói.

Đồng quan điểm, ông Kon Yin Tong - Chủ tịch AFA cho rằng, trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ, mỗi kế toán – Kiểm toán viên cần biết nắm bắt thời cơ, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng chuyên môn, khả năng sử dụng công nghệ cho công việc của mình. Bên cạnh đó, cần phải có tầm nhìn, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp bên cạnh khả năng sáng tạo, nhạy bén và thông minh./.

M. Thúy

Xem thêm »