Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước

31/05/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục ngày làm việc thứ 9, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, ngày 30/5/2019, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội bước tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Trong quá trình thảo luận, có 52 đại biểu phát biểu ý kiến, 04 đại biểu tranh luận.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Kinh tế ngân sách 2018 vẫn còn có những bất cập cần tháo gỡ

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban thường vụ Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; tình hình những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các đại biểu bày tỏ hài lòng và ấn tượng với những kết quả đã đạt được; đồng thời đánh giá, bức tranh kinh tế-xã họi đất nước với nhiều "gam màu sáng" đã thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương. "12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch tổng thu ngân sách sau 3 năm ngân sách hụt thu, bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép, kinh tế ngân sách 2018 là một bức tranh đẹp và toàn diện" - đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nói.

Tuy nhiên, khi nói về ngân sách Nhà nước - nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực để cân đối được ngân sách; có nguồn thu để đáp ứng nhiệm vụ chi; kiểm soát bội chi, kéo nợ công ra xa mức trần song vẫn còn những bất cập cần tiếp tục tháo gỡ, đó là: Thu ngân sách không bền vững, thu từ tài nguyên, đất đai vẫn có tỷ trọng lớn, một số khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh các năm gần đây không đạt dự toán. Chính sách thu hầu như không điều chỉnh, mục tiêu động viên 21% GDP vào ngân sách khó đạt được, dự báo sẽ hụt thu giai đoạn 2016-2020 so với mục tiêu dẫn đến nguồn lực để tăng chi đầu tư khó có đột phá để thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó giải ngân vốn đầu tư công năm 2018 thấp nhất trong 6 năm qua; 4 tháng đầu năm 2019 cải thiện hơn nhưng cũng chỉ tăng hơn so với cùng kỳ 0,18%...
 

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ)

Tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách Trung ương trong tổng chi đầu tư đang giảm dần; bổ sung chi đầu tư từ ngân sách trung ương cho địa phương cao hơn nhiều so với tỷ lệ tối đa 30% quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước làm ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, ảnh hưởng đến tập trung nguồn lực cho các chính sách lớn, các dự án lớn liên vùng để tạo ra các “cú huých” cho tăng trưởng. Sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. “Giải pháp của Chính phủ, khá đầy đủ, toàn diện, kể cả cho 3 bất cập lớn tôi vừa nêu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ưu tiên, dồn nguồn lực vào giải pháp nào và quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào, Chính phủ cần quan tâm để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2019 và các năm tiếp theo”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu rõ.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, trong Quý I/2019, dưới sự điều hành của Chính phủ, dù ngân sách có tăng nhưng chủ yếu do khai thác tài nguyên và giá dầu tăng, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất không phải thu từ sản xuất, kinh doanh. Đây  là những con số tăng trưởng không bền vững.

Theo đại biểu, trong 3 năm thu nội địa ngân sách Trung ương đều thu hụt. Mặt khác, năm 2019 và đỉnh điểm năm 2020 chúng ta phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đến hạn, theo tính toán mỗi tháng nhà nước phải tiết kiệm 21.000- 27.000 tỷ đồng để trả nợ, với tình hình này sẽ phải vay để trả nợ. Trong lĩnh vực kinh tế, số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại tăng với năm trước nhưng số doanh nghiệp phá sản và dừng hoạt động vẫn còn là con số lớn, chứng tỏ nền kinh tế nước ta năm 2019 còn nhiều khó khăn. "Với những thuận lợi và khó khăn như báo cáo của Chính phủ và các vị đại biểu đã nêu, tôi đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu xem xét cụ thể giải pháp thiết thực để giải quyết vấn đề trên" - đại biểu nói.

Nói về tồn tại hạn chế trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Lắk) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước ở một số Bộ, ngành, địa phương chậm, chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch; còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, hoặc giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước. Việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm, còn vi phạm.

Đề cập đến nguyên nhân, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, còn có nguyên nhân chủ quan, đó là kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ. Còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại cổ phần hóa thoái vốn, gây bức xúc dư luận. Kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm, nhưng việc xác định và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa được kịp thời.

Dẫn hàng loạt những sai phạm cụ thể trong quá trình cổ phần hóa, như: Cảng Quy Nhơn, Tổng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, Tổng Công ty rượu bia, nước giải khát Sài Gòn…Đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ: “Với cách làm trên đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia vào cổ phần hóa DNNN, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thương mại, làm chậm quá trình cổ phần hóa DNNN”. 

Đại biểu Y Biêr Niê (Đắk Lắk) đưa ra câu hỏi: Trong báo cáo của Chính phủ không thấy đánh giá đóng góp của từng vùng trong sự phát triển chung của kinh tế cả nước. Cần có đánh giá thêm về vấn đề này để biết các vùng trong đó có khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ biết ở vị trí nào trong sự phát triển chung của cả nước, để có giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển và không để vùng nào ở lại phía sau.

Có cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Rơ Châm Long (Kon Tum), cho rằng cần có tư duy mới, cách làm mới để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội cho từng vùng. Theo đó đối với khu vực nông thôn, miền núi, Tây Nguyên cần có các chính sách hỗ trợ nhưng cần xác định các chính sách hỗ trợ này chỉ là giải pháp tình thể, không thể để trông chờ ỷ lại vào hộ trợ của nhà nước mà cần chuyển biến tư duy từ hỗ trợ sang đầu tư chiến lược; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan trong xây dựng, thực hiện chính sách phát triển miền núi, Tây Nguyên.

Đề xuất Kiểm toán nhà nước nghiên cứu đưa nội dung kiểm toán kế hoạch tài chính và chuyên đề giá điện của EVN vào năm 2019 

Tại phiên thảo luận ngày 30/5/2919, giá điện là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết, nhiều cử tri thể hiện sự hoài nghi khi "mất đi niềm tin bởi những thực tế bức xúc của họ không được giải quyết", đó là vấn đề BOT giao thông; điều hành giá điện, giá xăng dầu; gian lận thi cử, đánh giá kết quả giáo dục...

Liên quan tới giá điện, xăng dầu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng Bộ Công Thương phải nghiêm khắc rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát và tuyên truyền trong thời gian qua trong việc điều hành giá điện, giá xăng dầu. Đại biểu ví dụ, nếu là một bác sỹ, cho dù phác đồ đúng bệnh nhân không tốt lên thì cũng phải nên xét lại, phải dừng lại xem xét chứ không bảo thủ, duy ý chí. "Phải chăng nguồn gốc sâu xa là độc quyền, không có cạnh tranh trong mua bán, truyền tải điện?", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi.
 
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho biết, điều đại biểu và cử tri quan tâm không phải việc tăng giá này đúng quy trình, quy định hay không vì "Chính phủ điều hành thì không thể không đúng quy định". Nhưng, việc tăng giá mặt hàng này chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, làm tăng chi phí đầu vào và tăng giá thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức không tăng. Theo đại biểu, việc tăng giá ảnh hưởng tới đời sống người dân, lạm phát cụ thể ra sao, cần được làm rõ. "Để công khai minh bạch trong điều hành giá điện, tôi kiến nghị đưa vào Kiểm toán nhà nước đối với danh mục kinh doanh ngành điện" - đại biểu nói.

Cùng mối quan tâm về giá điện, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) khẳng định: Người dân ủng hộ chủ trương chung và giá điện, nhưng điều cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. 

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, kỳ tăng giá điện vừa qua có rất nhiều điều cần làm rõ. Người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện chỉ là 8,36% là chưa chuẩn xác, khi mà số tiền điện phải trả cho hóa đơn thực tế cho những tháng đầu tiên từ lúc tăng giá điện là nhiều, thậm chí gấp đôi, gấp ba, và không phải họ không biết là tăng giá điện do nắng nóng. “Giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ phải lấy làm gốc và căn cứ vào đó dù bảng giá điện tăng 6 bậc hay 100 bậc thì giá lẻ điện bình quân là phải được chấp hành và không được thay đổi”. Chỉ ra vấn đề có tính nguyên tắc này, đại biểu cho biết, qua hỏi các chuyên gia, họ đều cho rằng việc chia bậc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bao gồm các nguyên tắc tiết kiệm điện, thì giá bán lẻ điện bình quân chưa đúng với quyết định Chính phủ, “bên có lợi đương nhiên là doanh nghiệp, không phải người dân”.

Có một điều rất đáng nói, theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, là “Ở một số nước giảm giá điện khi trời nóng cao, sao không ai so sánh? Cứ rao giảng rằng tăng giá điện trên thực tế thì người dân đều được lợi nhưng người tiêu dùng lợi đâu chẳng thấy. Chưa kể lộ trình bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh có thực hiện được không khi tôi nghe rằng các dự án của ngành điện đang triển khai đều chậm tiến độ? Sự thất thoát cho chậm tiến độ như thế nào?”

Lý giải xoay quanh vấn đề giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra những nguyên nhân tăng giá điện đột biến trong tháng 4 vừa qua. Theo báo cáo ban đầu của Bộ Công Thương, sơ bộ có ba nguyên nhân: Thứ nhất, do việc điều chỉnh giá điện tăng; thứ hai, số ngày ghi công tơ tháng 4 nhiều hơn tháng 3 là 3 ngày; thứ ba là nhu cầu điện tăng cao do thời tiết nắng nóng bất thường. Ba nguyên nhân này dẫn tới điện tăng 10,6% so với cùng kỳ 2018 và tăng 14.3% so với tháng 3/2019. “Kiểm tra sơ bộ cho tới nay, cách tính điện của EVN chưa có sai phạm gì”, ông Vương Đình Huệ cho hay.

Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN tiếp tục tiết giảm chi phí, minh bạch chi phí đầu vào, hoàn thiện văn bản pháp lý, mở rộng phạm vi thị trường và rà soát, nghiên cứu thị trường mô hình bán lẻ phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện khung pháp lý hiện hành, thí điểm bán lẻ thị trường điện cạnh tranh vào năm 2021. Đồng thời, bổ sung biểu giá điện hợp lý hơn, để hài hòa lợi ích của các hộ tiêu dùng điện; Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết quả thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm nếu có của EVN và cơ quan liên quan.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ cũng đề xuất để Kiểm toán nhà nước nghiên cứu và có thể đưa vào năm 2019 kế hoạch kiểm toán tài chính và kiểm toán chuyên đề giá điện của EVN./.
 
Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho biết, 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch, như tăng trưởng GDP đạt 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.590 USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2%, đạt giá trị hơn 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD.

Kinh tế tiếp tục khởi sắc trong quý I năm nay khi GDP đạt 6,79%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,71% trong 4 tháng.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trước sự bất ổn, căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... diễn biến khó lường. Mặt khác, nội tại nền kinh tế bộc lộ nhiều điểm nghẽn, như cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chậm; xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn... Ở khía cạnh xã hội, đổi mới giáo dục vẫn bất cập, còn những vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử... gây bức xúc xã hội. 

M. Thúy
 

Xem thêm »