EU và KTNN Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán nợ công

27/06/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn)- Ngày 27/6/2019, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán nợ công. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ tăng cường năng lực cho KTNN Việt nam thuộc Chương trình Hiện đại hóa tài chính công tại Việt Nam của Liên minh châu Âu (EU-PFMO).

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế KTNN Việt Nam Trần Kim Lộc phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Tom Corrie – Phó Trưởng ban Hợp tác phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; ông Robert Reeve – Chuyên gia chính Dự án EU-PFMO; ông Andy King – Thành viên Ban lãnh đạo, Ủy ban Trách nhiệm giải ngân sách của Văn phòng phân tích ngân sách, vương quốc Anh; bà Maria Teresa Ferreira – Kiểm toán trưởng, Tòa Thẩm kế Bồ Đào Nha cùng các Kiểm toán viên, chuyên viên của Tòa Thẩm kế Bồ Đào Nha, KTNN Latvia. Về phía Việt Nam có ông Trần Kim Lộc – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (KTNN); ông Phan Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (KTNN); ông Nguyễn Minh Giang – Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II (KTNN) cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng của KTNN. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện của Vụ Tài chính - Ngân sách Quốc hội; Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Bộ Tài chính.
 
Ông Tom Corrie – Phó Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Tom Corrie – Phó Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, Dự án EU-PFMO được thiết kế nhằm nâng cao hiệu quả quản trị tài chính công cho các cơ quan quản lý Nhà nước, bao gồm KTNN Việt Nam để thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. “Tôi tin tưởng rằng, với sự tham dự của các chuyên gia đến từ KTNN Việt Nam và từ các nước châu Âu, Hội thảo sẽ cung cấp nền tảng cho sự chia sẻ, học hỏi giữa các chuyên gia các nước thông qua những kinh nghiệm và thực tế của mỗi nước về kiểm toán nợ công; từ đó có thể rút ra các bài học áp dụng tại thực tế của Việt Nam” - Ông Tom Corrie tin tưởng phát biểu.
 
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế KTNN Việt Nam Trần Kim Lộc, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán nợ công nằm trong chuỗi hoạt động chính năm 2019 của Dự án EU-PFMO. Hội thảo được thiết kế mới mục tiêu tăng cường năng lực cho KTNN Việt Nam về kiểm toán nợ công, tạo ra một diễn đàn để KTNN Việt Nam chia sẻ về thực trạng và thách thức trong thực hiện kiểm toán nợ công, đồng thời lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về ảnh hưởng của nợ công đối với nền kinh tế. Qua đó khẳng định vai trò của Tổ chức Kiểm toán tối cao trong việc ngăn ngừa các rủi ro phát sinh, đề ra các biện pháp quản lý các khoản nợ công một cách tốt hơn, cũng như giúp KTNN Việt Nam hoàn thiện tài liệu hướng dẫn kiểm toán nợ công ngày càng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
 
Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Kiểm toán trưởng, KTNN chuyên ngành II Nguyễn Minh Giang cho rằng, công tác quản lý nợ công có vai trò nền tảng đối với sự phát triển bền vững của nền tài chính quốc gia, do đó, việc kiểm toán công tác quản lý nợ công có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong hoạt động kiểm toán nợ công của cơ quan KTNN. Việc triển khai kiểm toán công tác quản lý nợ công là phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy định về quản lý nợ công theo Luật Quản lý nợ công của Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Giang đã chia sẻ về trọng tâm, mục tiêu, nội dung và phạm vi kiểm toán nợ công tại KTNN. Theo đó, trọng tâm kiểm toán nợ công gồm: Công tác tổng hợp và lập báo cáo nợ công; Việc cấp và bảo lãnh Chính phủ; Nợ chính quyền địa phương; Công tác tổ chức, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về nợ công; Việc quản lý và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ và các quỹ liên quan.
 
Hội thảo đã nghe ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Kế hoạch và quản lý rủi ro, Cục quản lý nợ, Bộ Tài chính trình bày bài tham luận “Tổng quan về nợ công tại Việt Nam và mối quan hệ với NSNN” với các nội dung chủ yếu về: Một số điểm mới của Luật Quản lý nợ công năm 2017; Mối quan hệ giữa NSNN và nợ công; Tình hình nợ công tại Việt Nam; Một số vấn đề đặt ra.
 
Hội thảo đã nghe ông Andy King – Thành viên Ban lãnh đạo, Ủy ban Trách nhiệm giải ngân sách của Văn phòng phân tích ngân sách, vương quốc Anh chia sẻ về “Tổng quan về vai trò của Văn phòng Phân tích Ngân sách trong việc giám sát và dự báo nợ công của Vương quốc Anh, và đánh giá tính bền vững và các rủi ro tài chính đối với viễn cảnh nợ công”. Đại diện của Cơ quan phân tích ngân sách Vương Quốc Anh cho rằng, có thể đánh giá nợ công bằng nhiều cách và phân tích nợ công từ nhiều góc độ khác nhau. Các biện pháp đánh giá khác nhau phục vụ các mục đích khác nhau để xây dựng một bức tranh tổng thể. Nợ công cần được giám sát theo nhiều góc độ, bởi nhiều cơ quan sẽ góp phần xác định các vấn đề từ các góc độ khác nhau. “Minh bạch là điều cốt lõi – đối chiếu những điểm khác biệt giữa các biện pháp khác nhau thường sẽ dễ cho thấy các nguyên nhân dẫn đến rủi ro tài chính” -  ông Andy King nhấn mạnh.
 
Chia sẻ về kinh nghiệm kiểm toán nợ công tại Bồ Đào Nha, bà Maria Teresa Ferreira – Kiểm toán trưởng, Tòa Thẩm kế Bồ Đào Nha KTNN Bồ Đào Nha cho biết, việc phân tích nợ chính phủ dựa trên: Phân tích các khoản nợ theo công cụ trả nợ và luồng tài chính liên quan; phân tích tiến triển của các sản phẩm phái sinh; so sánh kết quả phân tích năm trước với giá trị được trình bày trong báo cáo tài chính Nhà nước tổng hợp, xác minh kết quả, đưa ra các nội dung sai sót hoặc bỏ sót; xác định các chủ nợ chính của Nhà nước, Chính phủ; phân tích lịch trình thanh toán nợ và xác định những giai đoạn tập trung nợ lớn; phân tích nguồn thu từ phát hành nợ...
 
Hội thảo cũng nghe đại diện KTNN Latvia chia sẻ về “Tổng quan và quan điểm kiểm toán nợ công bao gồm phương pháp tiếp cận kiểm toán, báo cáo, tác động và những thách thức hiện tại”. Đại diện KTNN Latvia cho biết, việc nợ công của Latvia được đánh giá gồm: Dư nợ trung ương; dư nợ địa phương; dư nợ tài chính nhà nước. Khung pháp pháp lý điều chính gồm khung pháp lý quốc gia; các luật và hiệp ước của EU.../.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »