Tôi luôn nhớ về ngôi nhà chung KTNN

15/07/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tôi cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đã có quyết định chính xác về việc quyết định thành lập Kiểm toán nhà nước (KTNN). Chúng ta chuyển từ nền kinh tế quản lý kế hoạch hóa, tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, vì vậy tất yếu đòi hỏi có một cơ quan góp phần đảm bảo sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế - tài chính quốc gia. Do đó, sự phát triển của KTNN Việt Nam không chỉ gắn với sự hoàn thiện hệ thống bộ máy Nhà nước, mà còn là nhu cầu tự thân của nền kinh tế thị trường.

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đoàn cán bộ cấp cao KTNN Lào nhân chuyến thăm và làm việc với KTNN VN, năm 2000

Chặng đường 25 năm qua, KTNN đã có những bước tiến dài và trưởng thành vượt bậc và luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tiêu biểu là Nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt – người đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng KTNN và Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải – người có công tiếp sức cho KTNN xây dựng và phát triển trong thời kỳ đầu đầy khó khăn, thử thách. Bên cạnh đó là sự phối kết hợp có trách nhiệm, hiệu quả của các cơ quan Bộ, ngành địa phương, bạn bè và đối tác quốc tế. 25 năm qua cũng là chặng đường phấn đấu, cống hiến bền bỉ của các thế hệ cán bộ cán bộ, công chức và người lao động KTNN - đó là những năm tháng không thể nào quên với mỗi người Kiểm toán nhà nước chúng ta.

Tôi rất xúc động khi nhớ lại, năm 2000 được Bộ Chính trị điều về giữa chức vụ Tổng Kiểm toán nhà nước. Lúc ấy còn ở 33 Hùng Vương – trước đây là Văn phòng Đại diện thương mại Liên Xô tại Việt Nam, cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng làm việc, bàn ghế rất ít; có phòng gần 10 m2 nhưng phải chứa tới hơn 20 người; chỉ có 1-2 bàn làm việc; phương tiện công tác rất hạn chế, cả vụ mới có 1 máy tính…Tuy vậy anh em rất đoàn kết, nhiệt tình làm việc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi tổng kết, phổ biến toàn cơ quan những cách làm hay, những kiến thức mới, vì vậy, trình độ anh em Kiểm toán viên trưởng thành theo năm tháng.

Môi trường hoạt động của KTNN đối với tôi là môi trường lạ, nên tôi không ngừng nghiên cứu, học hỏi, dốc sức làm việc. Những mảng việc về tài chính, kế toán chuyên sâu mình chưa nắm vững, coi như những người đi trước, giỏi nghiệp vụ chính là người thầy. Ngoài ra, người lãnh đạo phải thực sự ham học hỏi, cầu thị, lắng nghe, gương mẫu, sống hết sức vô tư, khách quan, đồng cam cộng khổ với anh em, sâu sát thực tiễn thì anh em Kiểm toán viên mới phục, mới nể, từ đó dốc lòng làm việc để xây dựng KTNN cùng lớn mạnh.
 


Nghề kiểm toán là nghề phải đi khắp đất nước, nên anh, chị em Kiểm toán viên rất vất vả, đôi khi phải hy sinh gia đình cho công việc. Khi kiểm toán ở những vùng sâu, vùng xa,  2 -3 tháng mới được về với gia đình, đó là thử thách, khó khăn và chỉ có lòng yêu nghề mới có thể vượt qua được.

Trong 25 năm qua, KTNN đã đạt được những dấu mốc quan trọng về khuôn khổ pháp lý, tổ chức, bộ máy, nội dung và chất lượng hoạt động, minh chứng sự trưởng thành, lớn mạnh của KTNN, đáp ứng được kỳ vọng và mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân. KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý hàng trăm nghìn tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hàng trăm văn pháp luật. Những kiến nghị của KTNN ngày càng đa dạng, phong phú, sắc sảo và có chất lượng hơn, được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương sử dụng ngày càng nhiều trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật và chính sách về kinh tế - xã hội; các đơn vị được kiểm toán sử dụng để khắc phục những yếu kém, bất cập trong quản lý.
 
Trong công tác đối ngoại, chúng ta cũng có bước trưởng thành to lớn. Sau hai năm thành lập, năm 1996, KTNN đã gia nhập INTOSAI; năm 1997, gia nhập ASOSAI; năm 2011, KTNN là một trong ba cơ quan đồng sáng lập của ASEANSAI. Đến nay, KTNN Việt Nam đã thiết lập quan hệ với hầu hết các SAI lớn trong cộng đồng INTOSAI, nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức nghề nghiệp và nhà tài trợ song phương và đa phương trên thế giới… Đặc biệt, KTNN Việt Nam đã đăng cai thành công Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2020. Quá trình hội nhập đã minh chứng, chúng ta không chỉ  biết vận dụng những kiến thức của các nước, mà còn biết vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn hoạt động kiểm toán của VN. Chúng ta đã đứng vững trên đôi chân của mình, từ chỗ chỉ là người quan sát của các Cơ quan Kiểm toán khu vực, thế giới, thì nay chúng ta đã có tiếng nói quan trọng, tham gia vào các Cơ quan lãnh đạo của các tổ chức Kiểm toán khu vực và thế giới.
 
Hội thảo do KTNN Việt Nam phối hợp cùng dự án GTZ (CHLB Đức) tổ chức
 
Năm nay tôi đã gần 80 tuổi, đã có gần 15 nghỉ hưu nhưng tôi luôn suy nghĩ, trăn trở và mong muốn được đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của KTNN, làm cho KTNN của chúng ta trở thành công cụ sắc bén trong kiểm tra, giám sát tài chính công, tài sản công của Đảng và Nhà nước; để chúng ta luôn tự hào nói rằng “Tôi từng là một thành viên của gia đình KTNN”.
 
Chúng ta cần năng động, sáng tạo, vận dụng những kinh nghiệm của thế giới sát với hoàn cảnh và điều kiện kinh tế- xã hội của VN, áp dụng lý luận gắn với thực tiễn. Bởi vì hoạt động kiểm toán nhiều nước đã đi trước chúng ta rất nhiều, nếu không năng động, sáng tạo, chúng ta không thể bắt kịp.
 
Tôi cho rằng vấn đề con người và tổ chức là rất quan trọng đối với KTNN. Trong 25 năm qua, chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ rất trưởng thành, trong đó có nhiều cán bộ giỏi về chuyên môn, có đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhưng điều tôi còn rất băn khoăn là việc sàng lọc cán bộ, bởi công việc kiểm toán đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có đạo đức tốt, chuyên môn giỏi thì mới có thể kiểm toán được các đơn vị khác. Vì vậy, cần phải nghiên cứu và có giải pháp để sàng lọc những Kiểm toán viên không đáp ứng yêu cầu; đồng thời phải chú ý chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo những cán bộ giỏi để họ trở thành nòng cốt cho KTNN.
 
Việc bổ sung Luật KTNN cho phù hợp với thực tế là vô cùng cần thiết. Trước mắt cần nghiên cứu, bổ sung quy định có tính bắt buộc về giao nộp tài liệu cho KTNN với một chế tài mạnh, để tiến dần tới việc cơ quan KTNN chỉ cần thực hiện hoạt động kiểm toán tại cơ quan KTNN mà không cần xuống các đơn vị được kiểm toán. Khi cần đối chiếu thì xuống thực địa, để tránh gây khó khăn cho đơn vị được kiểm toán, đồng thời hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra. Một vấn đề tôi thấy cấp thiết là cần có kế hoạch thực hiện sớm việc kiểm toán CNTT, nhất là trong thời đại 4.0 hiện nay; và KTNN phải được cung cấp dữ liệu điện tử để có thể kiểm toán các đơn vị này, vì hiện rất nhiều các đơn vị sử dụng CNTT trong hoạt động. Bên cạnh đó, các Kiểm toán viên nhà nước cũng phải không ngừng nâng cao sự hiểu biết, nắm bắt đầy đủ và thành thạo lĩnh vực CNTT. Bản thân mỗi Kiểm toán viên nhà nước phải không ngừng học hỏi, nâng cao hiểu biết, nắm bắt đầy đủ và thành thạo CNTT để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động kiểm toán trong môi trường CNTT phát triển như vũ bão.
 
Ngoài ra, cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh một số quy định về phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực KTNN và sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan, đảm bảo tương thích giữa Luật KTNN với Luật Phòng chống tham nhũng và một số luật có liên quan.
 
Chúng ta cũng cần tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức kiểm toán, nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán; chú trọng phát triển cả ba loại hình kiểm toán: Kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, đặc biệt là kiểm toán hoạt động các dự án lớn nhằm ngăn chặn từ đầu thất thoát, tiêu cực có thể xảy ra; Tăng cường kiểm toán tổng hợp, kiểm toán chuyên đề, xác nhận quyết toán NSNN, NS địa phương.
 
Theo tôi, việc đầu tư cho phát triển hoạt động KTNN là cần thiết và đây là khoản đầu tư hiệu quả, mang lại giá trị cả về kinh tế và xã hội, nhất là trong bối cảnh chuyển mạnh từ quản lý “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, từ quản chặt sang hỗ trợ và đồng hành, tăng cường thanh tra sự tuân thủ và hiệu quả hoạt động thực tế theo yêu cầu phát triển bền vững hiện nay./.
 
 Đỗ Bình Dương, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước
 
 

Xem thêm »