Phát triển nội dung kiểm toán của KNTN: Sự phát triển hoạt động kiểm toán theo chiều sâu

12/07/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong quá trình phát triển KTNN 25 năm qua, nội dung và phạm vi hoạt động kiểm toán ngày càng mở rộng, phù hợp với vai trò và chức năng của KTNN theo thông lệ quốc tế; đáp ứng yêu cầu của Nhà nước trong việc nâng cao hiệ u quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Công bố quyết định kiểm toán NS địa phương tỉnh Cao Bằng

Phát triển nội dung kiểm toán       

Trong giai đoạn 1994 – 2005, KTNN chỉ thực hiện nội dung kiểm toán tài chính, gắn với việc đánh giá sự tuân thủ chế độ tài chính, kế toán; không thực hiện nội dung kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động do chưa xác định trong nhiệm vụ của KTNN.

Về phạm vi kiểm toán, KTNN thực hiện kiểm toán ở phạm vi khá hẹp: Kiểm toán đối với các đơn vị “Sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp”; mặt khác, do mới thành lập, số lượng Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) còn ít nên chu kỳ kiểm toán thường 3-4 năm, tức là hàng năm chỉ thực hiện kiểm toán được 25-30% số đơn vị cần được kiểm toán. Do còn nhiều hạn chế và khó khăn, KTNN mới chỉ giới hạn trong nhiệm vụ kiểm toán tài chính. Tuy đã có nhiều cố gắng trong hoạt động, song, do hoạt động kiểm toán trong giai đoạn sơ khai nên vẫn còn nhiều hạn chế về quy mô, phương pháp nghiệp vụ và quản lý kiểm toán.

Từ giai đoạn 2000 đến 2005, KTNN mới ban hành Chuẩn mực, Quy trình kiểm toán và một số văn bản quy định nghiệp vụ kiểm toán, phương pháp kiểm toán báo cáo tài chính mới được định hình.

Từ năm 2006 đến nay - là giai đoạn Luật KTNN được ban hành và có hiệu lực. KTNN được giao nhiệm vụ thực hiện cả 3 nội dung kiểm toán, trong thực tế, các quyết định kiểm toán “ngân sách, tiền, tài sản Nhà nước” (thực chất là kiểm toán tài chính) đều xác định cả 3 mục tiêu về kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Phạm vi, quy mô, phương pháp thực hiện nội dung kiểm toán tài chính có sự tiến bộ về cả chiều rộng (số lượng cuộc kiểm toán) và chiều sâu (chất lượng kiểm toán). Tuy nhiên, trong nội dung kiểm toán, vẫn chủ yếu tập trung vào kiểm toán tài chính; nội dung về kiểm toán tuân thủ.  Đến nay, về cơ bản, hoạt động kiểm toán tài chính có thể đáp ứng được yêu cầu chủ yếu về xác nhận và đánh giá về quản lý sử dụng tài chính công (trong tâm là hệ thống ngân sách Nhà nước) hàng năm, phục vụ cho yêu cầu quản lý tài chính công của nhà nước.

Các cuộc kiểm toán hoạt động độc lập được KTNN triển khai từ khoảng năm 2015, 2016 và tiếp tục cho đến nay. Việc tổ chức thực hiện nội dung kiểm toán hoạt động của KTNN đã có sự chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn này, Tổng Kiểm toán nhà nước đã giao cho các đơn vị kiểm toán nhiệm vụ hàng năm phải thực hiện một cuộc kiểm toán chuyên đề về kiểm toán hoạt động. Như vậy, nội dung kiểm toán hoạt động với tính cách là cuộc kiểm toán độc lập đã được hình thành, là cơ sở cho việc xác định đầy đủ hơn về phương pháp và trách nhiệm của KTVNN đối với kiểm toán hoạt động.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ kiểm toán được thể hiện toàn diện hơn ở cả 3 nội dung kiểm toán; kiểm toán tài chính được mở rộng và ngày càng hoàn thiện về phương pháp nghiệp vụ; kiểm toán hoạt động đã được triển khai và từng bước định hình về mô hình tổ chức và phương pháp nghiệp vụ; kiểm toán tuân thủ cũng đã có những hoạt động với tính cách là cuộc kiểm toán độc lập theo một số chuyên đề kiểm toán.

Chuẩn mực kiểm toán và phương pháp nghiệp vụ kiểm toán được chú trọng đổi mới, hoàn thiện, đến nay, KTNN đã ba lần ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN; thường xuyên bổ sung, hoàn thiện các quy định và hướng dẫn về Quy trình và các phương pháp nghiệp vụ kiểm toán để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo tính khoa học … hướng tới tính chuyên nghiệp của hoạt động kiểm toán của KTNN ở cấp độ cao hơn.

Công tác quản lý kiểm toán không ngừng được cải cải tiến và hoàn thiện thể hiện ở các chức năng quản lý kiểm toán ngày càng hoàn thiện: Hoạch định (kế hoạch năm và thử nghiệm kế hoạch trung hạn – 3 năm); Kiểm soát chất lượng kiểm toán; Thanh tra kiểm toán. Việc tổ chức cuộc kiểm toán theo xu hướng đa dạng hơn để phù hợp với các nhiệm vụ của Đoàn kiểm toán; hoạt động quản lý Đoàn kiểm toán được chuẩn mực hóa ngày càng chặt chẽ để đảm bảo sự tuân thủ chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp.

Giải pháp phát triển, hoàn thiện nội dung kiểm toán
 
Trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, nội dung kiểm toán của KTNN đã được xác định rõ:Đa dạng hóa các loại hình kiểm toán theo quy định của Luật KTNN, trọng tâm là kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, từng bước thực hiện kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước.
Hoàn thiện kiểm toán báo cáo tài chính để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, cung cấp thông tin cho Chính phủ trong công tác điều hành, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trong xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách và giám sát ngân sách; nâng cao chất lượng kiểm toán tuân thủ, phát hiện kịp thời, chỉ rõ các sai phạm, địa chỉ sai phạm, xác định rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân, cương quyết kiến nghị xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Triển khai từng bước kiểm toán hoạt động tiến tới tập trung nhiều hơn cho loại hình kiểm toán này khi nền kinh tế ngày càng phát triển để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước; ưu tiên kiểm toán hoạt động đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và một số tỉnh, thành phố, Bộ, ngành trực thuộc Trung ương có quy mô ngân sách tương đối lớn; từng bước nâng cao chất lượng chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương, dự án, công trình quan trọng quốc gia”.

Tuy được định hướng rõ, cụ thể như trên, song, những mục tiêu đó khó hoàn thành vì thời gian của Chiến lược chỉ còn thời hạn 1 năm; do vậy, cần được nghiên cứu, bổ sung để tổ chức thực hiện.

Theo đó,  KTNN cần điều chỉnh về thời gian và nội dung thực hiện nội dung Chiến lược “Về hiệu quả hoạt động kiểm toán” trên trong khoảng ít nhất là 3 năm (2020 – 2022), từ đó, xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể và các giải pháp đồng bộ về phát triển các nội dung kiểm toán phù hợp để đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện Chiến lược.

Cần có định hướng về cơ cấu hợp lý về nội dung các cuộc kiểm toán của KTNN để đảm bảo phát huy đầy đủ vai trò, tác dụng của hoạt động kiểm toán của KTNN một cách toàn diện đối với quản lý tài chính, tài sản công; Tăng nguồn lực cho thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động; Ưu tiên theo hướng tăng mạnh số lượng các cuộc kiểm toán định hướng vĩ mô: kiểm toán đánh giá thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội, pháp luật tài chính, kiểm toán các dự án, chương trình, mục tiêu quốc gia...
 

 Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về KTNN và các đạo luật liên quan để tạo môi trường pháp luật cho phát triển hoạt động kiểm toán, trong đó, có sự phát triển nội dung kiểm toán: Bổ sung, hoàn thiện Luật KTNN với các nội dung chính: Xác định đầy đủ quyền hạn của KTNN trong hoạt động kiểm toán; Xác định quyền của KTNN trong quyết định xử lý sai phạm pháp luật do KTNN phát hiện của các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan để đảm bảo tính hiệu lực của KTNN; Bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý của KTNN trong phân cấp quản lý kiểm toán, quản trị hoạt động kiểm toán theo kế hoạch trung hạn...; Bổ sung các quy định tại các Luật có liên quan với những vấn đề: Xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyết định xử lý các sai phạm do KTNN phát hiện và quyết định; Xác định đúng đắn, đầy đủ về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong bồi hoàn đầy đủ các tổn thất của nhà nước và xã hội trong việc gây ra lãng phí các nguồn lực trong quản lý tài chính công tài sản công để nâng cao hiệu lực của kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ, phù hợp với thông lệ quốc tế; Xác định rõ và định hướng cho việc phát triển các nội dung kiểm toán của KTNN.

Bên cạnh đó, cần đổi mới quản lý hoạt động kiểm toán để tạo môi trường phù hợp cho sự phát triển các nội dung kiểm toán; Đổi mới phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN, theo hướng nâng tầm định hướng hoạt động kiểm toán, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý kế hoạch kiểm toán trung hạn và hàng năm của toàn Ngành cho các cơ quan tham mưu của KTNN; phân cấp mạnh, phát huy sự chủ động, sáng tạo về chuyên môn, tổ chức và quản trị hoạt động kiểm toán theo kế hoạch năm cho các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực; đồng thời, đổi mới tổ chức và quản lý các cuộc kiểm toán theo hướng năng động, đa dạng để tạo sự phù hợp giữa nội dung và hình thức tổ chức cuộc kiểm toán.

Tiếp tục phát triển phương pháp nghiệp vụ và công nghệ kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại: Chuẩn hóa mô hình tổ chức hoạt động kiểm toán dựa trên phương pháp đánh giá rủi ro kiểm toán, xác định trọng yếu kiểm toán, chọn mẫu kiểm toán; Ưu tiên phát triển mạnh việc xây dựng các chương trình tin học (phần mềm) hỗ trợ hoạt động kiểm toán; mở rộng liên kết, khai thác thông tin số hóa của các đơn vị được kiểm toán.
Xây dựng kế hoạch trung hạn (3 năm) và các dự án, chương trình để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các nội dung kiểm toán theo những phương hướng (đã được điều chỉnh) và các giải pháp trên./.

PGS, TS. Đinh Trọng Hanh
Nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X

Xem thêm »