Phiên họp thứ 35 UBTVQH: Tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội

17/07/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 16/7/2019, tiếp tục Chương trình làm việc phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên UBTVQH, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa…

Báo cáo của UBTVQH do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại phiên họp khẳng định: Sau 20 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Kết quả Kỳ họp tiếp tục khẳng định sự nhất trí, đoàn kết trong hoạt động của Quốc hội, đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị, sự quan tâm ủng hộ của cử tri và Nhân dân cả nước.

Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 Luật, 10 Nghị quyết, cho ý kiến về 9 Dự án Luật khác; phê chuẩn nhân sự, tiến hành giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác. Các Dự án Luật, Nghị quyết được chuẩn bị công phu, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và tiến trình hội nhập quốc tế. Các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi, tranh luận thẳng thắn, xem xét kỹ lưỡng, toàn diện trước khi biểu quyết. UBTVQH đã chỉ đạo sát sao các cơ quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu đầy đủ, thuyết phục ý kiến đại biểu Quốc hội. Các Dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến cơ bản được chuẩn bị tốt, bảo đảm tiến độ, nhận được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội với nhiều lượt thảo luận và tranh luận. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đại biểu để chỉnh lý, hoàn thiện các Dự án Luật, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp sau.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định được hiệu quả, hiệu lực và thực chất hơn. Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, phong phú, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, không né tránh, theo đuổi đến cùng những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm. Công tác tập hợp, tổng hợp cơ bản bảo đảm kịp thời, chính xác, đầy đủ; tiếp thu, giải trình thỏa đáng, thuyết phục các ý kiến của đại biểu. Kịp thời xin ý kiến những vấn đề quan trọng để có hướng tiếp thu, chỉnh lý. Công tác điều hành linh hoạt, sáng tạo, có sự bao quát toàn diện, bảo đảm đại diện các Đoàn được phát biểu ý kiến, tranh luận, tạo được không khí sôi nổi nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc, kỷ luật, hiệu quả. Vai trò chủ trì kỳ họp, chỉ đạo, điều hành đã được UBTVQH phát huy tối đa, góp phần bảo đảm tiến độ và chất lượng các nội dung trình Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ trong suốt quá trình diễn ra Kỳ họp.
 

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tại phiên họp

Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức Kỳ họp thứ 7 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm, đó là: Chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế; Hồ sơ tài liệu của một số Dự án Luật, Nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu Quốc hội; Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số Dự án Luật chưa được quan tâm đúng mức.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp. Có đại biểu nêu chất vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian quy định. Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng tâm…

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV có nhiều cải tiến về mặt thời gian và đây là Kỳ họp ngắn nhất. Các đại biểu thảo luận sôi nổi, nhất là các đạo biểu nữ, đại biểu trẻ, thể hiện trách nhiệm của đại biểu. Tuy nhiên, số lượng đại biểu Quốc hội vắng mặt quá đông.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đánh giá, chất lượng thảo luận tổ của một số Đoàn đại biểu Quốc hội không cao, vì vậy, không nên ghép quá nhiều nội dung vào thảo luận dẫn đến không sâu, không nêu được hết vấn đề.
 
Phó Chủ tịch TW Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu tại phiên họp

Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (dự kiến vào tháng 10/2019), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 Dự án Luật và cho ý kiến 8 Dự án Luật. Đồng thời, xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; Xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng. Thực hiện giám sát chuyên đề tại hội trường 01 ngày. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 03 ngày.

Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát (hoặc báo cáo chuyên đề) về vấn đề bức xúc, nổi lên trong lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do UBTVQH lựa chọn trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp (nếu có); xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trên cơ sở thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật chủ trì với Bộ Tư pháp để triển khai Chương trình Luật, Pháp lệnh năm 2020 mà Quốc hội đã thông qua. Đồng thời đề nghị Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi đánh giá báo cáo tác động của các Dự án Luật cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng và chủ động triển khai nhiệm vụ xây dựng Luật, Pháp lệnh theo chương trình của năm 2020, đảm bảo "tuổi thọ" của các Dự án Luật khi đưa vào cuộc sống./.

Như Ý
 

Xem thêm »