Lấy kế hoạch kiểm toán làm chuẩn để giải quyết chồng chéo.
Tại phiên họp, quy định để tránh chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau, được đưa ra xin ý kiến UBTVQH để tiếp thu, hoàn thiện. Đây cũng là vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm, thảo luận.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 16 Luật Thanh tra quy định Tổng Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các Thanh tra bộ; giữa Thanh tra bộ với Thanh tra tỉnh. Vì vậy, KTNN sẽ chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ khi lập Kế hoạch kiểm toán sau khi trao đổi với thanh tra ngành và thanh tra tỉnh. Đồng thời, khi có chồng chéo thì Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ phối hợp với Tổng Thanh tra Chính phủ để giải quyết.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, việc tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là vấn đề trọng tâm đặt ra yêu cầu sửa Luật KTNN nêu rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Đồng thời hiện nay, việc chồng chéo giữa thanh tra các cấp và KTNN vẫn diễn ra, chưa khắc phục được. Các quy định trong Dự thảo Luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành của các Bộ và thanh tra địa phương. Vì vậy, Dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch; nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu quan điểm, hiện nay, Thanh tra Chính phủ và KTNN đang phối hợp rất tốt. Tuy nhiên, về thẩm quyền, nếu xảy ra chồng chéo thì ai là người điều hòa giữa hai bên? Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là thẩm quyền của Quốc hội. Do đó cần quy định phù hợp trong Luật để đảm bảo hai bên có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì nhấn mạnh: Muốn không chồng chéo thì trước hết trong Luật KTNN phải minh định thật rõ ràng, cụ thể cái gì KTNN phải làm. Còn trong thực tế, khi có sự chồng chéo thì phải có cơ chế để giải quyết. Trước hết Tổng Kiểm toán Nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ phải ngồi lại với nhau bằng quy chế phối hợp để giải quyết. Trong trường hợp hai bên không thống nhất được thì báo cáo Chính phủ, báo cáo UBTVQH giải quyết.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kế hoạch kiểm toán hàng năm đã được báo cáo UBTVQH và Quốc hội quyết định. “Vì vậy, cái gì đã nằm trong kế hoạch kiểm toán đã được UBTVQH, Quốc hội cho ý kiến thì thanh tra phải tránh ra. Cách tiếp cận và xử lý như vậy sẽ tránh được chồng chéo”- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Quan điểm của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên UBTVQH. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cần lấy kế hoạch kiểm toán đã được Quốc hội thông qua để làm chuẩn. Theo đó, các cơ quan khác phải căn cứ vào quyết định của Quốc hội để phối hợp tránh nội dung KTNN đã làm. Còn nếu hai cơ quan không thống nhất được thì UBTVQH sẽ chủ trì xử lý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, hàng năm kế hoạch kiểm toán được Quốc hội cho ý kiến, thông qua và trước khi trình lên kế hoạch này, KTNN đã trao đổi với các cơ quan liên quan. Vì vậy, khi Quốc hội đã thông qua và ra Nghị quyết thì đó là cơ sở pháp lý rất quan trọng, các cơ quan khác phải tránh danh mục mà KTNN đã làm. Trong quá trình thực hiện có phát sinh vấn đề thì hai bên phải có cơ chế phối hợp. Luật phải quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm phối hợp.
Liên quan đến quy định bổ sung trong Dự thảo Luật về đề nghị sửa nhiệm vụ KTNN “thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” chuyển thành “xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu KTNN thực hiện kiểm toán trong một số trường hợp là nhu cầu chính đáng và thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên, cơ chế như thế nào cần phải quy định trong Luật để tránh quá nhiều chỉ đạo ngoài kế hoạch kiểm toán; đồng thời đảm bảo thống nhất, tránh mâu thuẫn với Nghị quyết của Quốc hội “KTNN trước hết phải bám sát Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ hàng năm”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cần kiểm toán đối tượng có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Một nội dung khác được nhiều thành viên UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp là quy định về cơ quan, tổ chức, các nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu
Trước một số ý kiến cho rằng, không nên mở rộng đối tượng kiểm toán, phát biểu tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ: Nguyên tắc là ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó phải được kiểm toán. Vì vậy, trường hợp quy định rõ đối tượng liên quan không phải là mở rộng đối tượng kiểm toán và KTNN cũng không đặt vấn đề mở rộng đối tượng. Còn tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán thì phải đảm bảo điều điện, đó là đơn vị, cá nhân có sử dụng tài chính, tài sản công và KTNN chỉ kiểm tra, đối chiếu với tổ chức có liên quan đó khi kiểm toán cơ quan nhà nước mà có liên quan đến hoạt động của họ. “KTNN mong muốn quy định rõ tổ chức có liên quan trong Luật để KTNN làm theo Luật. Còn quy định chung chung như hiện nay thì rất khó cho KTNN”- Tổng Kiểm toán nhà nước nói.
Tán thành quan điểm của Tổng Kiểm toán nhà nước, tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, nếu cơ quan, tổ chức không phải là cơ quan nhà nước nhưng có sử dụng tài chính công, tài sản công thì KTNN có thể vào kiểm toán là đúng quy định của Hiến pháp và đúng trách nhiệm của KTNN.
Nhấn mạnh việc sửa Luật KTNN cần bám sát quy định trong Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thì bất cứ ai có sử dụng tài chính, tài sản công là phải kiểm toán. Tuy nhiên, cần quy định rõ phạm vi, đối tượng liên quan để tránh lạm dụng việc kiểm toán quá nhiều đối tượng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng thống nhất quan điểm cần quy định rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, bà Nga đề nghị cân nhắc quy định về quyền và nghĩa vụ của đối tượng có liên quan, không thể ngang bằng với đối tượng kiểm toán chính.
Cũng tại Phiên họp, qua thảo luận về việc bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp trong Dự thảo Luật, đa số ý kiến trong UBTVQH thống nhất bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Dự án Luật KTNN chỉ quy định về thẩm quyền mang tính nguyên tắc, còn các nội dung chi tiết thì do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định. Riêng giám định tư pháp thì do phạm vi rộng, khối lượng lớn, cần lực lượng đông vì vậy thực hiện theo Luật Giám định tư pháp nên chưa đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung đợt này.
Ý kiến của UBTVQH tại Phiên họp là căn cứ, định hướng quan trọng để cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8./.
Nguyễn Hồng