Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải cho biết, căn cứ các ý kiến kết luận và những nội dung đã thảo luận, thống nhất của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp 36 mới đây, Ủy ban TC-NS và KTNN sẽ tiếp tục thảo luận để thống nhất các nội dung giải trình, tiếp thu và hoàn thiện Dự án Luật này.
Tại buổi làm việc, các thành viên tham dự đã tập trung thảo luận vào các nội dung nhận được nhiều ý kiến tham gia, góp ý của Đại biểu Quốc hội: Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán; Quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; Quy định tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra và kiểm toán; Quyền truy cập dữ liệu điện tử, phầm mềm ứng dụng; Thẩm quyền ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, với quan điểm thận trọng, không mở rộng đối tượng, phạm vi kiểm toán so với quy định hiện hành, đồng thời làm rõ khái niệm “Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”, KTNN thống nhất với quan điểm của Ủy ban TC-NS thể hiện nội dung này theo hướng “Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Để làm rõ quy định này, theo ý kiến của Ủy ban TC-NS, dự thảo sẽ bổ sung quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra, đối chiếu trong thực hiện kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán; sửa đổi quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán và tách quy định riêng về trách nhiệm của cơ quan khác.
Để đảm bảo chặt chẽ, cụ thể, xác lập đầy đủ căn cứ pháp lý để tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện quyền kiếu nại, khởi kiện báo cáo kiểm toán, các ý kiến thảo luận thống nhất rà soát, bổ sung quy định cụ thể về quyền khiếu nại, khởi kiện theo hướng 2 bước: Bước 1 – Khiếu nại: Tổng Kiểm toán nhà nước là người cuối cùng giải quyết khiếu nại; Bước 2 – Khởi kiện: Trong trường hợp không đồng ý với giải quyết khiếu nại của KTNN.
Theo ý kiến của Ủy ban TC-NS việc kiếu nại, khởi kiện thực hiện với: “Hành vi của thành viên Đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán” và “Đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán” khi có căn cứ các hành vi hoặc các đánh giá, xác nhận, kết luận là trái pháp luật. Đồng ý với quan điểm này, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đề xuất “Trình tự, thủ tục giải quyết khởi kiện có thể thực hiện theo Luật Tố tụng hành chính hoặc đưa vào dự thảo Luật KTNN sửa đổi, bổ sung”.
Để đảm bảo giá trị bắt buộc của báo cáo kiểm toán, ông Hàm Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban TC-NS cho biết, theo ý kiển của Ủy ban TC-NS, cần quy định rõ “Trong thời gian giải quyết kiến nại hoặc khởi kiện, đơn vị được kiểm toán, các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán phải thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của KTNN”.
Ủy viên thường trực Ủy ban TC-NS Hoàng Quang Hàm phát biểu
Về nội dung tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra và kiểm toán, Ủy ban TC-NS và KTNN thống nhất tiếp thu theo hướng rà soát, quy định rõ nguyên tắc phối hợp, vai trò chủ trì của KTNN trong công tác phối hợp với thanh tra để tránh chồng chéo, trùng lắp từ xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra hàng năm; bổ sung kế hoạch hoạt động trong năm; triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán, kế hoạch thanh tra; bỏ quy định về cơ quan kiểm tra vì trên thực tế, chỉ có cơ quan kiểm tra của Đảng và hoạt động của KTNN không chồng chéo, trùng lắp với hoạt động của cơ quan này. Tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên UBTVQH, Dự thảo luật cũng đã bổ sung nội dung “Trường hợp hai Cơ quan không thống nhất được việc xử lý trùng lắp, chồng chéo thì báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét”.
Đối với nội dung bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng, thường trực Ủy ban TC-NS và KTNN đều cho rằng, để phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhiều nước cho phép Kiểm toán viên có quyền truy cập dữ liệu điện tử. Mặt khác việc cho phép truy cập dữ liệu điện tử cũng nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu thời gian làm việc tại đơn vị được kiểm toán, góp phần nâng cao chất liệu, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Trong quá trình truy cập điện tử của đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán viên phải tuân thủ các nguyên tắc bảo mật và giới hạn phạm vi thông tin được truy cập theo quy định. Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đồng quan điểm quy định nội dung này theo đề xuất của Ủy ban TC-NS “Kiểm toán viên được truy cập vào dữ liệu điện tử của đơn vị kiểm toán và dữ liệu điện tử quốc gia để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán; chịu trách nhiệm bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật”. Để đề xuất này mang tính thuyết phục cao, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải yêu cầu cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo làm rõ trong báo cáo giải trình, tiếp thu như: Làm rõ dữ liệu quốc gia; có quy định về giám sát để đảm bảo an toàn dữ liệu...
Về nội dung “Thẩm quyền ban hành VBQPPL của Tổng Kiểm toán nhà nước”, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban TC-NS và KTNN thống nhất quy định theo hướng mang tính nguyên tắc chung về thẩm quyền của KTNN trong việc ban hành VBQPPL và xử lý vi phạm hành chính, không quy định cụ thể các nội dung liên quan và dẫn chiếu theo hướng thực hiện theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, một số nội dung KTNN không đề nghị sửa đổi, bổ sung nhưng cũng đã được hai Cơ quan thống nhất đưa vào sửa đổi, bổ sung: Thống nhất khái niệm tài sản công với Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Bổ sung quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc quy định trình tự, thủ tục kiểm tra, đối chiếu trong thực hiện kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán...
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải hoan nghênh sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo trong việc thống nhất các nội dung tiếp thu, giải trình; đồng thời yêu cầu hai Cơ quan tiếp tục tích cực phối hợp, hoàn thiện Báo cáo các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019./.
Thanh Hà