Hoàn thiện dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước  

04/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 04/10/2019, tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ nội dung của phiên toàn thể lần thứ 38, , Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội (TC-NS), dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải, Ủy ban TC-NS thẩm tra, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN). Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa tham dự phiên họp.

Toàn cảnh phiên làm việc

Tham gia phiên họp còn có: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du; Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Đại diện Lãnh đạo các cơ quan hữu quan và các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
 
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải đề nghị các Bên liên quan cho ý kiến hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN để chuẩn bị báo cáo tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
 
Theo dự thảo của Ủy ban TC-NS, dự thảo gồm các nội dung tiếp thu, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN về 8 nội dung: Thể chế hóa chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW; Làm rõ khái niệm về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; Bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp; Bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính; Bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia; Kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN; Quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán.
 
Các ý kiến tập trung thảo luận về khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”. Theo Ủy ban TC-NS việc làm rõ khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của KTNN, nhưng đồng thời cũng cần quy định chặt chẽ tránh việc lạm quyền. Theo đó, xác định “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán và được bổ sung vào kế hoạch kiểm toán của cấp có thẩm quyền”.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa nêu quan điểm, nếu việc xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần “được bổ sung vào kế hoạch kiểm toán của cấp có thẩm quyền” có thể gây ách tắc trong hoạt động kiểm toán vì cần phải theo quy trình lập kế hoạch kiểm toán, kéo dài thời gian. Đồng quan điểm này Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần phải tính toán, giải trình rõ tại sao cần bổ sung quy định “bổ sung vào kế hoạch kiểm toán của cấp có thẩm quyền” vì việc bổ sung vào kế hoạch kiểm toán phải có quy trình và rất mất thời gian. Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Đinh Văn Nhã cũng cho rằng, nếu chỉ kiểm tra, đối chiếu một đơn vị liên quan đến đơn vị được kiểm toán mà phải bổ sung kế hoạch như một cuộc kiểm toán thì “thủ tục hành chính quá rườm rà”.
 
Kết luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc quy định xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán “được bổ sung vào kế hoạch kiểm toán của cấp có thẩm quyền” nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, tránh cách hiểu, vận dụng khác nhau là việc cần thiết, tuy nhiên, các bên có liên quan cần thảo luận để chỉnh lý đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện của KTNN.
 
Đối với các nội dung khác, đa số các ý kiến thảo luận đồng thuận với ý kiến của Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý. Theo đó, đồng ý bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia; Bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính; Không quy định về nhiệm vụ giám định tư pháp của KTNN. Đối với nội dung “Quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán”, các ý kiến cơ bản nhất trí với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, nhưng một số ý kiến cho rằng cần xem xét kỹ quy định tại Luật này và các quy định liên quan đến khiếu nại tại Luật Quản lý thuế mới được thông qua.
 
Trên cơ sở các ý kiến đã thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải yêu cầu Ủy ban TC-NS tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo để báo cáo tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV tới đây./.
 
Ngọc Bích
 
 

Xem thêm »