Các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được lấy phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua  

24/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 23/10/2019, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành cả ngày để nghe báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung phiên thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).  

Toàn cảnh phiên làm việc

Chính phủ cần có thời gian khảo sát, đánh giá kỹ, có bước đi điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp

Buổi sáng ngày 23/10/2019, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi),  Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy cho biết, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; thích ứng với sự linh hoạt của thị trường lao động và góp phần dịch chuyển lao động từ khu vực không có quan hệ lao động sang khu vực có quan hệ lao động, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội của người lao động.

Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu. Dù vậy, Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm như đã trình tại Kỳ họp thứ 7 để Quốc hội tiếp tục thảo luận. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo đề xuất 02 phương án kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến: 

Phương án 1,  quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ Luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.

Phương án 2, nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ. Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy trình bày tờ trình

Về tuổi nghỉ hưu, do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo trình Quốc hội 02 phương án quy định về tuổi nghỉ hưu tại khoản 2 Điều 169 để xem xét, cho ý kiến (Các khoản 1, 3, 4 và 5 của 02 phương án là giống nhau).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, cả hai phương án đều đạt mục tiêu cụ thể hóa quan điểm của Nghị quyết 28-NQ/TW quy định rõ tuổi nghỉ hưu phải hướng tới.

Phương án 1: Bảo đảm minh bạch, rõ ràng, tuân thủ quy định của Hiến pháp về quyền của “người làm công ăn lương”, đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể về lộ trình cho từng năm và xác định được thời điểm hoàn thành. Tuy nhiên, việc áp dụng chung cùng một lộ trình với các nhóm đối tượng lao động rất khác nhau trong thị trường lao động rất đa dạng là chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh, trình độ phát triển của ngành và nghề lao động Việt Nam, sẽ có tác động khác nhau và có thể gây ra sự phức tạp, hệ lụy cần phải được cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng, nhất là trong bối cảnh chưa tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận người lao động.

Phương án 2: Bảo đảm tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc rất khác nhau... mà phải tùy vào từng nhóm lao động cụ thể để Chính phủ có thời gian khảo sát, đánh giá kỹ, có bước đi điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp. Tuy nhiên, phương án này chưa xác định thời gian hoàn thành mà giao Chính phủ quy định, như vậy có thể sẽ dẫn đến phức tạp, khó khăn hơn khi thực hiện các quy định nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này và người lao động không xác định được việc mình sẽ nghỉ hưu vào thời điểm nào. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
 
Về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tên gọi của tổ chức đại diện người lao động dự kiến sẽ được thành lập mới (không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam) theo đúng tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW là: “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” và quy định cụ thể “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm: Công đoàn cơ sở (thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam) và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, bổ sung Điều 171 quy định về “công đoàn cơ sở thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam”. Về việc định hướng trong một doanh nghiệp chỉ nên có tối đa từ 2 - 3 tổ chức của người lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nếu quy định như vậy chưa phù hợp với tinh thần Công ước 98 của ILO mà Quốc hội mới phê chuẩn. Do vậy, xin phép Quốc hội cho được giữ như Dự thảo. Về việc quy định cụ thể thời gian làm việc cho cán bộ tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để làm nhiệm vụ  của tổ chức đại diện người lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, vấn đề này cần được cân nhắc thận trọng trong bối cảnh mới khi không chỉ có duy nhất Công đoàn Việt Nam mà còn có tổ chức đại diện sẽ được thành lập không thuộc Công đoàn Việt Nam - đây là tổ chức mới, chưa có tiền lệ ở nước ta. Mặt khác, quy định này của Luật Công đoàn cũng đang được nghiên cứu, tổng kết, xem xét sửa đổi. Do đó, xin đề nghị Quốc hội cho phép được giữ Điều 176 như dự thảo và giao Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi quy định chi tiết và khi sửa đổi Luật Công đoàn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” là vấn đề mới và khó, chưa có thực tiễn, cần hết sức thận trọng, nên mức độ quy định như dự thảo là phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, thận trọng và trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cần làm rõ các nội dung đã được nêu trong Báo cáo số 466. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần khẩn trương tập trung nghiên cứu toàn diện việc sửa đổi Luật Công đoàn đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới và đòi hỏi của người lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất một số nội dung đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến tại Phiên thảo luận như sau: về mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa; tuổi nghỉ hưu; nghỉ lễ, Tết; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; thời giờ làm việc bình thường; giải quyết tranh chấp lao động và đình công và các nội dung khác mà các  đại biểu quan tâm để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
 
Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng đến thời điểm thích hợp sẽ giảm giờ làm việc bình thường
 
Các đại biểu tham dự phiên họp
 
Trong nửa buổi sáng và buổi chiều ngày 23/10/2019, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Trong quá trình thảo luận đã có 48 đại biểu phát biểu và có 06 đại biểu tranh luận. Đa số các ý kiến đại biểu nhất trí với nội dung Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; tăng tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tăng thêm 01 ngày nghỉ lễ đó là Ngày gia đình Việt Nam 28/6; về thời giờ làm việc bình thường; về nghỉ Lễ, Tết; chính sách tiền lương; bổ sung thêm về việc học nghề, dạy nghề đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dự thảo Bộ luật.

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Quốc hội đã nghe Bộ Trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Bộ Trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa Bộ luật Lao động (sửa đổi lần này) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế có liên quan. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với phạm vi, đối tượng điều chỉnh, dự thảo Bộ luật đã mở rộng đến cả đối tượng người lao động có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, khu vực chính thức và phi chính thức…

Về nội dung độ tuổi nghỉ hưu, cụ thể về nhóm người lao động nghỉ hưu sớm, nhất là lao động nặng nhọc, độc hại, hiện Bộ Lao động đã lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại thuộc nhóm nghỉ hưu hưu sớm.

Về thời gian làm việc bình thường, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, giảm giờ làm bình thường là vấn đề lớn có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan như đối với người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, Nhà nước. “Giảm giờ làm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách nên cần được nghiên cứu, đánh giá và lượng hóa rất cụ thể” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Luật hiện hành quy định thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện 40 giờ/tuần. Qua đánh giá cho thấy: 89,6% doanh nghiệp áp dụng 48 giờ làm việc/tuần; 3,6% thực hiện 44 giờ/tuần; 6,8% thực hiện 40 giờ/tuần. Ở góc độ kinh tế, nếu chúng ta giảm từ 48 giờ làm việc bình thường/tuần xuống 44 giờ/tuần, đánh giá sơ bộ cho thấy, tổng thời gian làm việc bình thường giảm đi là 208 giờ, trong khi đó Chính phủ đang xin đại biểu Quốc hội tăng giờ làm thêm; tổng chi phí lao động tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm 20 tỷ đô/năm và quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%. Chúng ta đang là quốc gia nỗ lực rất lớn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, các chuyên gia cho rằng, nếu muốn không rơi vào bẫy này, thì phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%. Nhấn mạnh vì là vấn đề hệ trọng của quốc gia phải đánh giá kỹ lưỡng, vì vậy Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng đến thời điểm thích hợp sẽ giảm giờ làm việc bình thường. “Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận hôm nay để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định” - Bộ Trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết.
 
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến thận trọng, khách quan và thẳng thắn. Về cơ bản các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia và người lao động khi tiếp thu, hoàn thiện dự án Bộ luật. Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cao và thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau, như: Việc làm thêm giờ; tăng tuổi nghỉ hưu; tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương trong năm. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về các nội dung còn ý kiến khác nhau trước khi biểu quyết thông qua./.

 Huyền Ngân
 

Xem thêm »