Quốc hội cho ý kiến về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026

29/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 29/10/2019, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026.

Bộ trưởn Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026

Hà Nội thí điểm không tổ chức HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 tại 117 phường

Trình bày về Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ: Xuất phát từ những cơ sở lý luận, thực tiễn và cơ sở chính trị, pháp lý, việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026 là cần thiết, để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển và yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung.

Trình bày Tờ trình, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Thủ đô Hà Nội là đô thị loại đặc biệt, trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện hành của thành phố Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn. Những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, môi trường, an ninh trật tự... đòi hỏi một mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của Thủ đô, các vấn đề quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng và kinh tế - xã hội cần phải được quyết định ở cấp thành phố và cấp quận, thị xã; chính quyền phường chỉ thừa hành thực hiện, do đó việc tiếp tục duy trì HĐND phường đã không còn phù hợp đối với Thủ đô Hà Nội, ở phường chỉ nên tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của chính quyền cấp trên.

Vì vậy, xuất phát từ những cơ sở lý luận, thực tiễn và cơ sở chính trị, pháp lý, việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026 là cần thiết, để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung.

Theo Tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội ban hành dự thảo Nghị quyết để thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại tất cả các phường (177 phường) thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội. Quy định việc thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, tại những phường nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc. Ủy ban nhân dân (UBND) phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập. Khi thực hiện thí điểm thì một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường hiện nay sẽ được chuyển giao cho chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội để bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn phường được thực hiện thông suốt, không bị bỏ sót.

Để tránh việc xung đột pháp luật khi triển khai thực hiện thí điểm, đồng thời bảo đảm tính liên tục trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn phường, dự thảo Nghị quyết quy định trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với Luật được ban hành trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.

Nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn các phường thực hiện thí điểm trong các hoạt động giao dịch, dự thảo Nghị quyết xác định các quy định, quyết định của HĐND phường, UBND phường, Chủ tịch UBND phường tại thành phố Hà Nội được ban hành trước khi thực hiện thí điểm, nếu không trái với các quy định tại Nghị quyết này, các quy định khác của pháp luật và chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng tại địa bàn phường nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, khi thực hiện thí điểm thì mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội đã có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Cụ thể: Đối với chính quyền đô thị (khu vực nội thành, nội thị), sẽ thực hiện thí điểm chính quyền đô thị hai cấp, là cấp chính quyền thành phố Hà Nội và cấp chính quyền quận, thị xã (đều có HĐND và UBND). Theo đó, mô hình tổ chức cấp chính quyền của thành phố Hà Nội và quận, thị xã cơ bản như hiện nay, nhưng có đổi mới các cơ quan chuyên môn trực thuộc phù hợp với tính chất đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền cấp thành phố cho chính quyền cấp quận, thị xã.

Đối với chính quyền nông thôn (huyện, xã), giữ nguyên mô hình chính quyền nông thôn 3 cấp, đó là cấp chính quyền thành phố Hà Nội và cấp chính quyền huyện, thị xã và cấp chính quyền xã (đều có HĐND và UBND). Mô hình tổ chức cấp chính quyền của thành phố Hà Nội và huyện, thị xã, xã, thị trấn cơ bản như hiện nay, nhưng có rà soát để thực hiện các giải pháp nhằm củng cố cấp chính quyền tại các xã, thị trấn.

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành các quy định để kịp thời giải quyết những vấn đề chưa phù hợp hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm, kể cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội được quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội; Chính phủ ban hành các quy định để hướng dẫn thực hiện thí điểm; HĐND và UBND thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện thí điểm; thực hiện việc sắp xếp, bố trí, giải quyết các chính sách dôi dư đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở phường; sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm.

Tán thành việc tổ chức 2 cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026. Việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định việc thí điểm là bảo đảm cơ sở pháp lý theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, nội dung của dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Hồ sơ, tài liệu về dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một Kỳ họp. 

Về phạm vi, mục tiêu và quan điểm thực hiện thí điểm, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, theo Kết luận số 46-KL/TW thì Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội triển khai thực hiện 03 nội dung, nhưng không nhất thiết tất cả các nội dung này phải trình đồng thời trong cùng một thời điểm. Việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường trong năm 2019 không chỉ thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị mà còn tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức Đại hội đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới bầu cử HĐND các cấp và kiện toàn Ủy ban nhân dân (UBND) phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do đó, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung, phạm vi, mục tiêu và quan điểm thực hiện thí điểm như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc tổ chức 2 cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn như đề xuất của Chính phủ. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội như trên là phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Để phù hợp với nội dung, tính chất của việc thí điểm này, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định lại tên gọi và nội dung của dự thảo Nghị quyết là “Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” theo đúng nội dung đề xuất trong Đề án của UBND thành phố Hà Nội.

Liên quan đến việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND quận, thị xã, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội không chỉ liên quan và tác động trực tiếp đến các phường thực hiện thí điểm mà còn liên quan và ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của các thiết chế thuộc chính quyền địa phương ở quận, thị xã và cấp thành phố. Để phù hợp, thích nghi với mô hình tổ chức chính quyền mới ở phường thì các thiết chế HĐND và UBND ở quận, thị xã và thành phố cũng phải cơ cấu lại nhiệm vụ, quyền hạn, xác định rõ việc nào thành phố đảm nhiệm, việc nào giao cho quận, thị xã và việc nào có thể giao cho cơ quan hành chính ở phường quyết định; cùng với đó là phải đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan, đặc biệt là UBND phường. Bên cạnh việc làm rõ các nội dung phân quyền, cần đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền và tăng cường sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với chính quyền ở phường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Hơn nữa, việc thay đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND) sẽ kéo theo nhiều thay đổi trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, những nội dung này sẽ liên quan đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần rà soát thật kỹ để bảo đảm tính thống nhất giữa dự thảo văn bản với quy định trong các văn bản khác của hệ thống pháp luật, tránh bỏ sót, bỏ trống nhiệm vụ hoặc xử lý không thỏa đáng trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương.

Đối với tên gọi UBND phường, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, tuy UBND phường nơi thực hiện thí điểm có sự khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, tính chất và cơ cấu tổ chức, nhưng nhất trí vẫn giữ tên gọi là UBND với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về cơ cấu tổ chức của UBND phường, Ủy ban Pháp luật cho rằng, để có cơ sở xác định cơ cấu tổ chức của UBND phường ở nơi thực hiện thí điểm thì cần làm rõ tính chất và địa vị pháp lý của cơ quan này. Đây là cơ quan hành chính thuộc UBND quận, thị xã đặt tại phường (do UBND quận, thị xã quản lý biên chế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức) để thực hiện vai trò của chính quyền địa phương ở phường. Với cách tiếp cận này thì việc dự thảo Nghị quyết vẫn duy trì cơ cấu UBND ở nơi thực hiện thí điểm như cơ cấu của UBND nơi không thực hiện thí điểm là không phù hợp. Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các công chức của UBND (không có chức danh Ủy viên UBND như hiện nay). Do vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, không phải theo chế độ tập thể như UBND phường ở những nơi không thí điểm.

Về cán bộ, công chức của phường, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ địa vị pháp lý của cán bộ, công chức của phường khi thực hiện thí điểm. Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thì cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn hiện nay có nhiệm vụ, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chế độ quản lý, sử dụng khác với đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên. Nếu xác định cán bộ, công chức phường nơi thực hiện thí điểm sẽ trở thành cán bộ, công chức của quận, thị xã, thuộc biên chế của quận, thị xã thì sẽ không phù hợp với Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Như vậy, trong Nghị quyết này phải nghiên cứu bổ sung quy định về việc thí điểm áp dụng cơ chế quản lý, xác định biên chế, thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật,… đối với đội ngũ cán bộ, công chức phường.  Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của các chức danh cán bộ phường tại cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể đặt tại phường. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền xem xét, sắp xếp các cơ quan thuộc hệ thống chính trị được tổ chức tại phường.
 
Quang cảnh phiên họp

Thảo luận tại tổ về nội dung này, các đại biểu cũng cơ bản tán thành với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026. Nhiều đại biểu thuộc Đoàn thành phố Hà Nội cho rằng: việc xây dựng Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026 là cần thiết, kịp thời, thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị về Đề án chính quyền đô thị thành phố Hà Nội. Đây là nội dung lớn, quan trọng, mang tính chính trị xã hội sâu sắc; đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8, để tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền thành phố trong việc chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020-2025 và tiến tới bầu cử HĐND các cấp và kiện toàn UBND phường nhiệm kỳ 2021-2026 của thành phố Hà Nội.

Về tên gọi của UBND phường khi thực hiện thí điểm, có ý kiến băn khoăn khi vẫn giữ tên gọi cơ quan hành chính ở phường khi không tổ chức HĐND là UBND sẽ không phân biệt với UBND nơi có tổ chức HĐND, mặc dù vị trí, tính chất, thẩm quyền giữa hai cơ quan hành chính này là khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến cho rằng không nên thay đổi tên gọi của UBND phường nhằm thực hiện đúng Kết luận số 46-KL/TW ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị, mặt khác việc để nguyên tên gọi là thuận lợi và không làm ảnh hưởng tới các hoạt động hằng ngày khác của người dân và cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, hoạt động thí điểm được tiến hành với 177 phường, thị xã của thành phố Hà Nội nên không cần phải phân biệt giữa phường này với phường khác.

Ngoài ra, một số ý kiến phát biểu xoay quanh quy định về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành các quy định để kịp thời giải quyết các vấn đề chưa phù hợp phát sinh trong quá trình thực hiện của Chính phủ, kể cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội cũng như thời gian thực hiện thí điểm…/.

Phương Ngọc
 

Xem thêm »