Quốc hội nghe thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng  

12/11/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 11/11/2019, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển,  Quốc hội nghe nghe tờ trình và thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.  

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

Khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Xây dựng năm 2014 
 
Trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, dự án Luật được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 03 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua:Nhóm chính sách 1 - Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Nhóm chính sách 2 - Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Nhóm chính sách 3 - Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, nội dung dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung về: Nguyên tắc đầu tư xây dựng, trong đó bổ sung nội dung về trách nhiệm các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, nguyên tắc tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng; Xác định loại, cấp công trình xây dựng theo hướng Chính phủ quy định về tiêu chí, nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình và Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành khác hướng dẫn chi tiết về phân loại, phân cấp công trình xây dựng để đảm bảo việc bổ sung, cập nhật theo xu thế phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật và phù hợp với thông lệ quốc tế; Bổ sung quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; Bổ sung quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3 là bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm mua loại bảo hiểm này; Làm rõ các cấp độ quy hoạch xây dựng khu chức năng, bổ sung các trường hợp được lập quy hoạch phân khu không cần lập quy hoạch chung khu chức năng, trường hợp được lập quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung.
 
Luật sửa đổi, bổ sung lần này cũng tập trung phân loại dự án theo hướng làm rõ các tiêu chí phân loại dự án để xác định các phương thức quản lý phù hợp và phân cấp quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng; Sửa đổi việc phân loại dự án đầu tư xây dựng theo các nguồn vốn;  Sửa đổi, bổ sung quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo hướng phân tách trách nhiệm thẩm định để phê duyệt dự án của cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư và trách nhiệm kiểm soát các nội dung thuộc quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn về xây dựng bao gồm: kiểm soát phù hợp quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn…
 
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động đầu tư xây dựng
 
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng theo Tờ trình của Chính phủ. “Về cơ bản, hồ sơ dự án Luật của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo đã tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật; tham khảo chính sách, pháp luật về xây dựng của một số quốc gia; đánh giá tác động của việc ban hành Luật; đã có dự thảo một số Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật. Nội dung dự thảo Luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động đầu tư xây dựng” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu .
 
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra
 
Báo cáo thẩm tra cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật cơ bản phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ các quy định về phân loại dự án đầu tư xây dựng, dự án xây dựng khu đô thị, thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư xây dựng, hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, quản lý chi phí, định mức, đơn giá xây dựng để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn. 
 
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, Luật Xây dựng có liên quan đến nhiều lĩnh vực được điều chỉnh trong các Luật (như Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc…), trong đó có cả những dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua trong thời gian tới (như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai…). Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các Luật có liên quan, trường hợp phát hiện điều, khoản mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Xây dựng thì báo cáo Quốc hội, đề xuất định hướng xử lý để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.
 
Một số quy định trong dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát thêm để đảm bảo tính khả thi, tính cụ thể như: Phân loại, cấp công trình xây dựng; xây dựng công trình cấp bách; quản lý trật tự xây dựng; quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng công trình; bổ sung chế tài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng…
 
Về nội dung liên quan đến quy hoạch xây dựng, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát các quy định về quy hoạch xây dựng để đảm bảo phù hợp Luật Quy hoạch, các luật được sửa đổi theo Luật Quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất định hướng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống do quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng chậm hoặc không thực hiện được trong thời gian dài; trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch; xem xét lại quy định về thẩm quyền của cấp huyện phê duyệt quy hoạch 2 địa phương trong tỉnh. Cần quy định công khai độ cao tĩnh không trong quy hoạch xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi khi thẩm định dự án, cấp giấy phép xây dựng.
 
Để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, ngoài những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, cơ quan thẩm tra đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận sâu thêm về một số vấn đề về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật; phân loại, cấp công trình, dự án đầu tư xây dựng; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng; chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức…/.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »