Thảo luận tại hội trường Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1

12/11/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) Sáng 12/11/2019, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 12/11

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Các ý kiến cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trước khi quyết định đầu tư là phù hợp. Mặt khác, có ý kiến đề nghị cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn đối với đề xuất của Chính phủ giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư Dự án sân bay Long Thành có thể làm tăng nợ công; việc giải phóng mặt bằng còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tiến độ của Dự án.

Các đại biểu Quốc hội cũng dành nhiều sự quan tâm đến các nội dung như về quy mô đầu tư giai đoạn 1 của Dự án, điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất, giao thông kết nối, tổng mức đầu tư, hình thức đầu tư và phương án huy động vốn, hiệu quả kinh tế, hiệu quả tài chính và thời gian, tiến độ thực hiện dự án...

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng, ngoài ý nghĩa về kinh tế dự án còn nhiều ý nghĩa khác và là dấu ấn của cả một giai đoạn. Đại biểu thống nhất với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhưng nội dung của Nghị quyết cần phải bàn thêm, tổng mức đầu tư có bảo đảm số liệu chính xác. Đại biểu cho rằng, với trách nhiệm của mình, Quốc hội cần giám sát hàng năm, Chính phủ phải có báo cáo về tình hình thực hiện để Quốc hội thảo luận, qua đó kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cần đánh giá kỹ hơn tác động khoản vay để đầu tư sân bay Long Thành đến trần nợ công. Đại biểu phân tích, tờ trình nêu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng từ 21 cảng, song thực tế đến nay mới chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ bù chi và có lãi, tức là vẫn phải bù lỗ, khó có thể góp vốn cho ACV trong tương lai gần. Chưa kể, báo cáo tiền khả thi vốn đầu tư cảng Long Thành là 16 tỷ USD, giai đoạn 1 là 4,79 tỷ USD, nhưng hiện chưa có khái toán là bao nhiêu. "Hơn nữa, số vốn dự kiến gần 5 tỷ USD thì có thể huy động được,  nhưng với 11 tỷ USD cho giai đoạn tiếp theo thì khả năng huy động vốn thế nào cũng cần được làm rõ…" - đại biểu nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, nếu dự án làm không tốt sẽ đè nặng lên sự phát triển của đất nước. Do đó khi thực hiện phải đảm bảo tiêu chí tăng hiệu quả kinh tế, tăng ổn định xã hội, tăng cơ sở hạ tầng kĩ thuật, tăng trình độ công nghệ. Đại biểu cũng lưu ý phải đề cao trách nhiệm và sự thận trọng trong việc đầu tư Dự án này.

Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định về hiệu quả đầu tư, không có một sân bay nào có hiệu quả tốt như sân bay Long Thành trong cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Bởi sau khi hoàn thành dự án sẽ có thể điều tiết tăng lưu lượng hành khách từ 20 cho đến 25 triệu hành khách mỗi năm, dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên ở khu vực miền Đông Nam Bộ tới 85 triệu hành khách mỗi năm. Tổng công suất thời điểm đó của sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 là 100 triệu hành khách mỗi năm. Trong khi với những sân bay khác như sân bay Vân Đồn hay Cần Thơ, khoảng 10 năm mới được 1 triệu hành khách/năm, hạ tầng đầu tư được khai thác rất hạn chế.

Đối với tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cho biết thêm, hiện nay, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đã thuê một tư vấn độc lập nước ngoài để thẩm tra bên cạnh các tư vấn của Nhật, Pháp, Hàn Quốc và Việt Nam hiện có. "Tiếp thu ý kiến ý kiến đại biểu, Bộ sẽ cố gắng rà soát để vừa đảm bảo được tổng mức đầu tư sát với tình hình thực tế và cố gắng không có lãng phí, không trượt giá như những dự án khác" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cam kết trước Quốc hội sẽ cố gắng tối đa và tăng cường kiểm tra, giám sát để Dự án được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng được tốt nhất.

Kết luận nội dung thảo luận, ghi nhận các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc hội./.

M. Thúy

Xem thêm »