Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)  

21/11/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 20/11/2019, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên làm việc

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu bày tỏ tán thành với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp.
 
Bổ sung hộ kinh doanh và sửa đổi khái niệm DNNN

 Nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều Đại biểu là việc đưa hộ kinh doanh bổ sung vào quy định tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh, cũng như bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác. “Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật sẽ giúp hộ kinh doanh có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, được quy định rõ ràng về vị trí pháp lý, được đứng tên trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy phép, được bảo hộ theo quy định của pháp luật, gỡ bỏ những hạn chế về phạm vi và quy mô hoạt động cũng như được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ và các chính sách có liên quan, quản trị của hộ kinh doanh được tăng cường. Khi hoạt động của hộ kinh doanh được bài bản, chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn thì thu ngân sách nhà nước sẽ được tăng thêm” - Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu.
 
Nêu ý kiến đồng ý bổ sung, đưa hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Quang – Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cho rằng: Hộ kinh doanh là một khu vực kinh tế chưa được hệ thống pháp luật quy định điều chỉnh, bảo hộ đầy đủ cũng như chưa có đóng góp tương xứng cho ngân sách Nhà nước so với quy mô kinh tế.

Theo Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động, đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật.
 
Đại biểu Trần Quang Chiểu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phân tích, các quy định của dự thảo Luật còn đơn giản, chưa rõ ràng, không có gì khác so với các quy định hiện hành, do đó không thể là cứu cánh cho hộ kinh doanh cũng như mang lại những lợi ích kì vọng. Trong khi đó, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật lại chưa có đánh giá tác động cụ thể, những khó khăn đối với hộ kinh doanh gặp phải như vấn đề thống kê, kế toán, thanh tra, kiểm tra …của hộ kinh doanh sau khi đưa vào Luật.
 
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre thì cho rằng, phải hiểu chính xác về bản chất của hộ kinh doanh hay doanh nghiệp cũng đều là kinh doanh và đã là kinh doanh là doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu định nghĩa lại doanh nghiệp để có cách hiểu thống nhất, khi đó tùy quy mô loại hình doanh nghiệp sẽ có điều chỉnh. Trước thực trạng các hộ kinh doanh dù quy mô hoạt động rất lớn nhưng không muốn thành lập công ty bởi thủ tục rườm rà, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cắt giảm các thủ tục, cần có nghị định hướng dẫn chi tiết đầy đủ về việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
 
Cũng tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến về khái niệm doanh nghiệp nhà nước được sửa đổi trong dự thảo Luật lần này.
 
Đồng tình với việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước, nhưng đại biểu Nguyễn Hữu Quang – Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cho rằng, cần xem xét, đánh giá kỹ quy định doanh nghiệp Nhà nước nắm hơn 50% vốn điều lệ. Theo Đại biểu, Nhà nước tham gia vốn vào các doanh nghiệp khác trên 50% nhưng các doanh nghiệp này là Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Công ty Cổ phần… cơ cấu tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp này phải tuân thủ các ngành của doanh nghiệp đó. Cho nên, việc có trên 50% vốn của Nhà nước ở các công ty có khung quản trị như trên mà lại quy định tổ chức hoạt động như doanh nghiệp Nhà nước là mâu thuẫn, không khả thi
 
Đại biểu Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) kiến nghị khái niệm cổ phần, vốn góp chi phối cần phải được làm rõ ngay trong dự án Luật. Việc chi phối đối với doanh nghiệp phải được hiểu là quyền quyết định toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thông qua một quyết định của doanh nghiệp, mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào như quyết định về nội dung, điều lệ, bổ sung, sửa đổi chiến lược phát triển của doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, bổ nhiệm, miễn nhiệm…
 
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm đến các nội dung cụ thể của dự thảo Luật như: Con dấu của doanh nghiệp; việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước; tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội; về phát hành trái phiếu; cơ cấu tổ chức quản lý các mô hình công ty…
 
Đại biểu Quốc hội cho ý kiến
 
Thúc đẩy các nguồn lực đầu tư

 Giải trình thêm về vấn đề được ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hộ kinh doanh về bản chất là loại hình kinh doanh nên tất cả những vấn đề liên quan đến loại hình này đều phải được định danh, hỗ trợ, bảo vệ và các hộ kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, với người lao động. Do đó, tất cả phải được Luật hóa. Đây cũng không phải là nội dung hoàn toàn mới cho Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp hiện hành đã đề cập đến hộ kinh doanh và trên cơ sở này, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn các vấn đề liên quan đến hộ kinh doanh. Dựa trên sự góp ý hoàn thiện theo hướng khắc phục những bất cập đối với hộ kinh doanh, dự thảo Luật quy định rõ ràng hơn về quy định pháp lý, trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh, không tạo thêm thủ tục hành chính, không tạo thêm chi phí cho các hộ kinh doanh.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trên cơ sở thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục khẳng định hộ kinh doanh là loại hình kinh doanh tồn tại bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần... Việc này nhằm đảm bảo đa dạng hóa các loại hình kinh doanh và trao thêm quyền cho các nhà đầu tư trong việc lựa chọn các hình thức kinh doanh phù hợp. Nguyên tắc là không bắt buộc hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp, không xóa bỏ hộ kinh doanh. “Các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại, không phải đổi giấy chứng nhận đã được cấp” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
 
Giải trình về quy định xác định tiêu chí doanh nghiệp có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối của Nhà nước, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy định này được ban soạn thảo phân tích và đánh giá kỹ tác động. Ba phương án được đưa ra là trên 35%, trên 50% và trên 65%, trong đó phương án sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đánh giá là hợp lý nhất.
 
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn góp hoặc cổ phần có quyền biểu quyết sẽ bảo đảm Nhà nước chủ động ban hành đa số quyết định thông thường của doanh nghiệp; đối với quyết định quan trọng, tỷ lệ sở hữu này vẫn bảo đảm quyền chi phối quyết định quan trọng khác của doanh nghiệp.
 
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV./.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »