Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2019: Kết quả đạt được trong năm 2019 là tương đối toàn diện

03/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 2/12/2019, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11. Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận nhiều nôi dung quan trọng: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2019; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; về đề nghị xây dựng 3 dự án Luật là: Dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và một số nội dung quan trọng khác.

Quang cảnh phiên họp

Tình hình KT-XH tháng 11 và 11 tháng năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã chuẩn bị nhiều báo cáo, tham gia các dự án luật liên quan, các thành viên Chính phủ tham gia chất vấn, trả lời chất vấn được Quốc hội ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao. 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội được Quốc hội, Trung ương giao được hoàn thành vượt mức, toàn diện, Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao ở khu vực, thế giới, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.

Thủ tướng cho biết, nước ta tham gia nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng trong thời gian gần đây, đó là đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, mới đây nhất là tham dự sự kiện Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối ngoại ASEAN-Hàn Quốc, Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc với nhiều văn kiện được ký kết. Hiện nay, Hàn Quốc là nước đứng đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nước ta.

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2019, góp ý dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ và tham gia một số công tác xây dựng pháp luật. Thủ tướng lưu ý, Nghị quyết 01 hằng năm là định hướng quan trọng để thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nghị quyết ban hành sát sao bao nhiêu thì tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt bấy nhiêu. Đồng thời, chuẩn bị cho cuộc họp Chính phủ với các bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương vào cuối tháng 12/2019.

Thủ tướng lưu ý các thành viên Chính phủ góp ý, đưa ra các giải pháp đột phá trong các ngành, lĩnh vực, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần khơi thông nguồn lực và phải có khát vọng vươn lên; phải đổi mới tư duy, xóa bỏ thói quen cũ, lạc hậu, ỷ lại, trông chờ để tiếp tục đổi mới sáng tạo, cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện giải pháp mạnh, đột phá, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
 
Trong thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng 2019 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và đến thời điểm này có thể khẳng định đã hoàn thành tất cả các mục tiêu kế hoạch được đề ra, tạo tiền đề thuận lợi, nền tảng vững chắc cho năm 2020.

Thủ tướng đánh giá, tháng 11/2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên không được chủ quan về chỉ số quan trọng này. Thủ tướng hoan nghênh và biểu dương Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay, trong đó giảm lãi suất với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ cao...

Chỉ số CPI tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước, chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi làm giảm nguồn cung và tăng giá thịt lợn. Tuy nhiên, bình quân 11 tháng chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục đà phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng trưởng 2 con số (12,6%, đây là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây). Tháng 11, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, lũy kế 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4%. Xuất khẩu đạt trên 241 tỷ USD, tăng 7,8%. Xuất siêu 9,1 tỷ USD, là năm thứ 4 liên tiếp xuất siêu. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp 

 
Phát triển bền vững với công thức “ba trong một”

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến thời điểm này có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong năm 2019 là tương đối toàn diện, sẽ hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2019 được đề ra, nhiều mục tiêu cán đích sớm…
Đề cập đến các nhiệm vụ cụ thể trong tháng cuối cùng của năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành không được chủ quan; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu đạt kết quả cao nhất kế hoạch năm 2019. “Địa phương tốt, ngành tốt mới có Trung ương tốt, nên cả nước phải tiếp tục phấn đấu để đạt vượt mức tăng trưởng không phải 6,8% như Quốc hội giao mà phải phấn đấu đạt 7%” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đạt mức cao nhất trong tháng 12/2019 và đến hết tháng 1/2020. Đẩy mạnh giải ngân nhưng không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư công.

Tiếp tục đáp ứng tốt các yêu cầu tín dụng cho thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh bố trí vốn cho sản xuất, kinh doanh những ngành hàng có lợi thế, có triển vọng và tiềm năng lớn. Bảo đảm lưu thông tiền tệ thông suốt và nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là vào thời điểm cuối năm và đầu năm mới. Đồng thời, bảo đảm an ninh tiền tệ trong nền kinh tế số; các Bộ, ngành chức năng triển khai hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Tập trung chỉ đạo hoàn thành kế hoạch thu ngân sách Nhà nước 2019, phấn đấu tăng thu cao hơn số liệu đã báo cáo Quốc hội; bảo đảm nguồn lực cho đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách. Rà soát việc phân bổ vốn đầu tư, tránh tình trạng để dư nguồn, không phân bổ hết còn khá lớn như hiện nay.

Các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa tạo các điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong tháng cuối của năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, bảo đảm các hoạt động tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật cũng như bảo đảm sự lưu thông thông suốt của thị trường trong nước.

Các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tốt công tác tổ chức Tết, trong đó đặc biệt bảo đảm về hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu, thực phẩm; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trong dịp Tết…

Văn phòng Chính phủ chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về Tết sớm hơn để các cấp, các ngành chủ động tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chăm lo cho Tết.

Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 (Nghị quyết số 01), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ để bổ sung, hoàn thiện dự thảo, để có một dự thảo Nghị quyết chất lượng, đưa ra thảo luận tại Hội nghị toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương. Thủ tướng yêu cầu Nghị quyết cần ngắn gọn, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành trên từng lĩnh vực cụ thể. Cách viết phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Phần Phụ lục cần nêu rõ các chỉ tiêu chủ yếu, các kịch bản tăng trưởng.

Chỉ đạo về năm 2020 Thủ tướng nhấn mạnh: Nền kinh tế phải có tính độc lập, tự chủ cao, chủ động hội nhập và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển bền vững với công thức “ba trong một” là cạnh tranh năng động về kinh tế nhưng an toàn, bền vững về xã hội và môi trường, vĩ mô ổn định. “Các đồng chí phải bám sát nội dung Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội để tổ chức triển khai nhiệm vụ, đưa ra các giải pháp đột phá, sáng tạo; yêu cầu đặt ra là phải phấn đấu với tinh thần cao nhất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Về các trọng tâm chỉ đạo của năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phải tái cơ cấu nền kinh tế quyết liệt và hiệu quả hơn. Tìm dư địa mới cho tăng trưởng. Tận dụng tối đa các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số cho đầu tư phát triển. Làm rõ hơn mô hình tăng trưởng. Triển khai hiệu quả các giải pháp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển…

Thủ tướng cho biết sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng Thường trực với sự tham gia của các Bộ để rà soát, tháo gỡ các “nút thắt” về thể chế một cách cụ thể, không nói chung chung.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm cần khai thông, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, xây dựng nền kinh tế tự cường. Phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước đạt 1 triệu doanh nghiệp.
 
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành liên quan có chương trình hành động để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đây là những nhiệm vụ nặng nề năm 2020, cần làm tốt để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế./.

P.Vân

Xem thêm »