Ủy ban TC – NS thẩm tra về “Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035”

10/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 10/12/2019, tại nhà Quốc hội, Hà Nội, dưới sự điều hành của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Nguyễn Đức Hải,  Ủy ban TC – NS tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra về “Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035” (Chiến lược).

Toàn cảnh buổi làm việc

Buổi làm việc có sự tham dự của Thường trực Ủy ban TC-NS; Đại diện: Các Ủy ban của Quốc hội; Một số Bộ, ngành. Về phía KTNN có sự tham dự của: Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên và đại diện lãnh đạo một số đơn vị của KTNN.

Báo cáo một số nội dung cơ bản của dự thảo Chiến lược, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, ngày 14/3/2019 Tổng Kiểm toán nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược tại Quyết định số 430/QĐ-KTNN do Tổng Kiểm toán nhà nước làm Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó Tổng KTNN làm Trưởng Tiểu ban xây dựng Chiến lược. Ngày 16/10/2019, KTNN đã gửi Dự thảo Chiến lược xin ý kiến của 16 Bộ, ngành. Đến ngày 25/11/2019, KTNN đã nhận được ý kiến tham gia của 15/16 Bộ, ngành. Đến nay, KTNN đã tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành tham gia và hoàn thiện Dự thảo Chiến lược theo đúng kế hoạch đề ra.

Chiến lược có kết cấu gồm 07 phần: Sự cần thiết xây dựng Chiến lược; Cơ sở xây dựng Chiến lược; Thực trạng hoạt động của KTNN và những hạn chế, thách thức; Chiến lược triển KTNN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Đánh giá tác động của Chiến lược; Tổ chức thực hiện; Đề xuất, kiến nghị.

Tầm nhìn Chiến lược được KTNN đưa ra nhằm: Xây dựng KTNN xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; Hội nhập, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Giá trị cốt lõi của KTNN bao gồm: Độc lập – Liêm chính – Chuyên nghiệp – Uy tin – Không ngừng gia tăng giá trị.

Chiến lược xác định mục tiêu tổng quát phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030) và tầm nhìn đến năm 2035 là “Phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Chiến lược phát triển KTNN tập trung ở ba trụ cột quan trọng là khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ.

Chiến lược gồm 07 nội dung chính: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; Phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng kiểm toán; Hội nhập và hợp tác quốc tế; Phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học; Phát triển công nghệ thông tin.

Thẩm tra về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, Ủy ban TC-NS cơ bản nhất trí với quan điểm KTNN đã nêu trong Dự thảo Chiến lược và cho rằng cần nhấn mạnh thể hiện rõ hơn một số điểm như sau: Phát triển KTNN phải đảm bảo KTNN thực sự là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tìa chính công, tài sản công, phục vụ đắc lực cho Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND các địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng về tài chính, NSNN; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ luật và quản lý tài chính-ngân sách; Phải đảm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của KTNN và đảm bảo tính độc lập của cơ quan KTNN trong hoạt động kiểm toán, trong đó chú trọng nâng cao tính hiệu quả của hoạt động kiểm toán; Việc phát triển cơ cấu tổ chức của KTNN phải phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, hạn chế phát triển về số lượng, coi trọng và tập trung phát triển về chất lượng, đảm bảo bộ máy tinh gọn, tiết kiệm kinh phí, hoạt động có hiệu quả.

Phát biểu tại buổi làm việc, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Chiến lược của KTNN; tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi và các quan điểm phát triển được đưa ra trong Chiến lược của KTNN.

Góp ý kiến hoàn thiện Chiến lược một số ý kiến cho rằng, KTNN nên bổ sung, làm rõ: Bài học rút ra của việc thực hiện Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2010-2020 vừa qua; Phân tích thực trạng và những hạn chế, thách thức cần sâu hơn; Nội dung đánh giá tác động của Chiến lược cần cụ thể, chi tiết hơn; Làm rõ, chi tiết các giải pháp thực hiện Chiến lược để đảm bảo triển khai Chiến lược thành công...
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, tiếp thu một số nội dung góp ý dự thảo Chiến lược

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải cho rằng, qua hơn 25 năm hoạt động và quá trình triển khai Chiến lược phát triển KTNN đến 2020, KTNN ngày càng thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, chính phủ trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. “Việc xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển cho KTNN giai đoạn tới là cần thiết và phù hợp với thực tiễn nhằm định hướng rõ các mục tiêu và giải pháp thực hiện phát triển KTNN phù hợp với chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công” - Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS yêu cầu trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban TC-NS, các ý kiến góp ý tại buổi làm việc, KTNN chuẩn bị báo cáo giải trình một số nội dung còn có kiến chưa thống nhất, bổ sung một số tài liệu: Bổ sung đánh giá, ý kiến của Bộ, ngành góp ý dự thảo Chiến lược; Báo cáo đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 40 tới đây./.

Ngọc Bích

Xem thêm »