Xây dựng Chiến lược tạo cơ sở cho Kiểm toán Nhà nước hoạch định kế hoạch hoạt động

13/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, KTNN đã triển khai xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030) và tầm nhìn đến năm 2035 (Chiến lược) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt. Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và ban hành Chiến lược, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược nêu rõ: Việc xây dựng và phê duyệt Chiến lược không những có ý nghĩa quan trọng và cấp bách trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà còn tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho KTNN hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm, khắc phục những bất cập và hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Xây dựng Chiến lược tạo cơ sở cho KTNN hoạch định kế hoạch hoạt động

Xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của KTNN trong giai đoạn tới

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực trạng hoạt động KTNN, những hạn chế, thách thức đang đặt ra cho hoạt động KTNN, Chiến lược được xây dựng với quan điểm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển KTNN; tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, phát triển KTNN phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; đáp ứng yêu cầu hội nhập và phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế; là thành viên có trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực kiểm toán công trong khu vực và thế giới. Cùng với đó là đảm bảo tính độc lập đối với hoạt động KTNN, tương xứng vị trí, vai trò của KTNN với tư cách là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Phát triển KTNN cũng phải gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Từ những quan điểm đó, Chiến lược xác định rõ tầm nhìn của KTNN trong giai đoạn tới là: Xây dựng KTNN xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; hội nhập, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Sứ mệnh của KTNN là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công, hoạt động độc lập, khách quan, góp phần quan trọng phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Giá trị cốt lõi của KTNN là: Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Không ngừng gia tăng giá trị.

Để đảm bảo thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của KTNN, Chiến lược xác định mục tiêu tổng quát là: Phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ HĐND, UBND địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đảm bảo hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
 
3 trụ cột, 7 nội dung cốt lõi trong chiến lược phát triển

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, việc thực hiện Chiến lược phát triển KTNN sẽ tập trung ở ba trụ cột quan trọng là khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ. Trong đó, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN phải thể chế hóa quy định về KTNN trong Hiến pháp; đảm bảo thiết chế KTNN có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Đối với nguồn nhân lực, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực KTNN trên cả ba mặt: tâm lực, thể lực và trí lực, với sự luận giải rõ ràng về cơ sở khoa học, sự cần thiết và giải pháp thực hiện đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, trong đó tập trung phát triển đội ngũ kiểm toán viên đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý… Cùng với đó, công nghệ đóng vai trò then chốt, thiết lập, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình chuyển đổi số trong tương lai.

Từ 3 trụ cột trên, Chiến lược đã xác định rõ 7 nội dung chính, gồm: hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân lực; chiến lược nâng cao chất lượng kiểm toán; hội nhập và hợp tác quốc tế; chiến lược phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học; chiến lược phát triển công nghệ thông tin. Đồng thời, Chiến lược cũng xác định rõ nhiệm vụ, lộ trình cụ thể để thực hiện thành công các nội dung đặt ra.

Với nội dung toàn diện, sát thực tiễn tình hình, Chiến lược sẽ tác động tích cực đến việc định hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN, nâng tầm ảnh hưởng, vai trò, vị thế của KTNN cả ở trong và nước và trên trường quốc tế; tăng cường tính pháp lý đối với các kết luận, kiến nghị của KTNN; có lộ trình phù hợp thu hút các nguồn lực bên ngoài nhằm tăng cường năng lực cho KTNN. Chiến lược cũng tạo cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện tổ chức bộ máy KTNN tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán có lộ trình phù hợp với chiến lược phát triển đất nước; nâng cao giá trị ý kiến của KTNN, đồng thời tích cực phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia và sử dụng hiệu quả các nguồn lực công.

Chiến lược sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 40 sắp tới./.

(Báo Kiểm toán số 50/2019)
 
 

Xem thêm »