(sav.gov.vn) - Với mục tiêu hoạt động khoa học đi trước thúc đẩy hoạt động kiểm toán, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu khoa học (NCKH), gắn NCKH với hoạt động kiểm toán, trong những năm qua hoạt động NCKH của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2019, nhiều đề tài NCKH có tính ứng dụng cao đã được nghiệm thu đưa vào đời sống, góp phần phục vụ công tác chuyên môn, đặc biệt trong bối cảnh KTNN đang triển khai xây dựng Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2035.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp HĐKH nhiệm kỳ VIII 2017 - 2020
Những kết quả nổi bật trong năm 2019
Cuộc họp Hội đồng khoa học (HĐKH) nhiệm kỳ VIII 2017-2020 được tổ chức ngày 20/12/2019 tại Hà Nội đã đánh giá kết quả hoạt động của HĐKH năm 2019; bàn thảo về phương hướng hoạt động KH&CN và chủ đề Hội thảo năm 2020 của KTNN.
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán (Trường), Phó Chủ tịch thường trực HĐKH nhiệm kỳ 2017-2020 Lê Minh Nam cho biết: Trong năm qua, được sự quan tâm của Lãnh đạo KTNN, HĐKH đã được kiện toàn lên 26 thành viên, với sự tham gia của các đồng chí là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN, có nhiều tâm huyết với công tác NCKH của KTNN.
Với nhiệm vụ được giao, trong năm 2019, Văn phòng HĐKH đã tham mưu Lãnh đạo KTNN và tổ chức thành công 6 hội thảo, trong đó có 3 hội thảo khoa học cấp Bộ: “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”; “Quản lý Thuế và vai trò của Kiểm toán nhà nước”; “Quản lý rác thải, nước thải vì sự phát triển bền vững và vai trò của KTNN”.
Nội dung cũng như kết quả của các hội thảo đã gây được tiếng vang, thu hút sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí, các cơ quan tổ chức có liên quan, đại biểu Quốc hội và đông đảo người dân. Qua đó đã góp phần tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của KTNN, xây dựng được hình ảnh và uy tín của cơ quan KTNN có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại. Kết quả của hội thảo còn là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng không chỉ cho cán bộ, công chức trong Ngành mà còn được KTNN gửi đến đại biểu Quốc hội tại các Kỳ họp Quốc hội trong năm 2019.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN, trong đó có việc thực hiện các đề tài NCKH cấp Bộ và cấp cơ sở năm 2019 cũng được tập trung triển khai. Năm 2019, HĐKH đã tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức triển khai thực hiện 28 đề tài NCKH cấp Bộ và 42 đề tài NCKH cấp cơ sở. Nhiều đề tài được Ban chủ nhiệm đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu. Đặc biệt trong năm 2019, triển khai Công điện số 1263/QĐ-KTNN của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc thúc đẩy công tác học tập, đào tạo, bồi dưỡng và chủ động nghiên cứu khoa học, một số Ban chủ nhiệm đề tài đã tích cực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và đã hoàn thành các đề tài nghiên cứu năm 2019 trước thời hạn.
Công tác thẩm định, đánh giá nghiệm thu các đề tài NCKH cũng được thực hiện nghiêm túc. Việc đánh giá, nghiệm thu các đề tài NCKH cấp Bộ được thực hiện qua 2 bước (bước thẩm định độc lập trước khi nghiệm thu và nghiệm thu chính thức). Các đề tài trong quá trình triển khai nghiên cứu có tổ chức hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn trên cở sở đó các Ban đề tài hoàn thiện kết quả nghiên cứu. Do đó, chất lượng kết quả nghiên cứu của các đề tài đã từng bước được nâng cao góp phần tăng cường việc ứng dụng vào thực tiễn.
Năm 2019, ngoài 10 đề tài cấp Bộ chuyển tiếp từ năm 2018, nghiệm thu trong quý III và quý IV năm 2019, KTNN còn 3 đề tài NCKH cấp Bộ năm 2017 được gia hạn nghiệm thu và quyết toán sang năm 2019. Đến nay, đã tổ chức nghiệm thu được 6/13 đề tài cấp Bộ với 1 đề tài xếp loại Xuất sắc, 4 đề tài xếp loại Khá. Đối với 15 đề tài cấp cơ sở 2018-2019 đã kết thúc thời hạn nghiên cứu (31/3/2019), đến nay, KTNN đã tiến hành nghiệm thu được 14 đề tài, trong đó có 1 đề tài xếp loại Xuất sắc, 12 đề tài xếp loại Khá. Với các đề tài cấp cơ sở triển khai năm 2019, có 7 đề tài đã hoàn thành kết quả nghiên cứu trước hạn và đã tổ chức nghiệm thu với 3 đề tài xếp loại Xuất sắc và 04 đề tài xếp loại Khá.
Bên cạnh việc thực hiện công tác NCKH theo kế hoạch năm, HĐKH và Văn phòng HĐKH cũng thực hiện việc tư vấn xây dựng Kế hoạch KHCN năm 2020. Trên cơ sở các nhiệm vụ đăng ký của đơn vị và cá nhân, Thường trực HĐKH, HĐKH và các Hội đồng tư vấn tuyển chọn đã lựa chọn đưa vào Kế hoạch KHCN năm 2020 của KTNN 16 nhiệm vụ cấp Bộ và 24 nhiệm vụ NCKH cấp cơ sở. Ngoài ra, trong năm 2019, cũng đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước với chủ đề: “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để hệ thống công cụ kiểm toán, thanh tra, kiểm tra là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN nói chung và của HĐKH nói riêng vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế trong công tác quản lý các đề tài, vẫn còn một số đề tài chậm tiến độ nên phải gia hạn nghiệm thu và quyết toán kinh phí (đặc biệt là các đề tài cấp Bộ); Việc nghiệm thu, đánh giá và quyết toán kinh phí đề tài thường thực hiện vào thời điểm cuối năm dẫn đến tình trạng quá tải trong công tác xếp lịch họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cũng như công tác thanh quyết toán kinh phí cho các đề tài; Việc theo dõi ứng dụng của các đề tài chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục và thiếu tính hệ thống. Công tác theo dõi tình hình ứng dụng của các đề tài hiện nay chủ yếu dựa trên cơ sở báo cáo kiến nghị ứng dụng của các đề tài…
Nhiều đề tài ứng dụng vào thực tiễn
Công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài trong thời gian qua luôn được Lãnh đạo KTNN quan tâm ngay từ khâu định hướng, xét chọn các nhiệm vụ nghiên cứu (có tính thực tiễn, có khả năng ứng dụng và sản phẩm nghiên cứu cụ thể, rõ ràng) đến khâu đánh giá, nghiệm thu đề tài (hồ sơ đánh giá, nghiệm thu đề tài bao gồm Bản kiến nghị ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài).
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của các đề tài cũng được các ban chủ nhiệm đề tài chủ động ứng dụng vào hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như: Xây dựng phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán; xây dựng tài liệu hướng dẫn kiểm toán; ứng dụng vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của KTNN. Trong năm 2019, một số ứng dụng kết quả nghiên cứu nổi bật, như:
Ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài nghiên cứu về trọng yếu, rủi ro kiểm toán để xây dựng và ban hành”Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán Báo cáo tài chính doanh nghiệp”, kèm theo Quyết định số 01/2019/QĐ-KTNN ngày 30/01/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước; “Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán Báo cáo tài chính ngân hàng”; Dự thảo hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, ngành; Dự thảo Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương...
Ứng dụng kết quả nghiên cứu phương pháp, nội dung, phạm vi kiểm toán các đơn vị tự chủ; kiểm toán các dự án đầu tư và trên cơ sở kết quả tổ chức Hội thảo cấp Bộ, KTNN đã xây dựng các Đề cương kiểm toán: Đề cương kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2018 ban hành kèm theo Quyết định số 476/QĐ-KTNN ngày 21/3/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước; Đề cương kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các Trường Đại học công lập giai đoạn 2016-2018 ban hành theo Quyết định số 477/QĐ-KTNN ngày 21/3/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước; Đề cương kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT giai đoạn 2014 – 2018 ban hành theo Quyết định số 594/QĐ-KTNN ngày 29/3/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.
Ứng dụng kết quả của các đề tài nghiên cứu về kiểm toán chương trình mục tiêu; kiểm toán thuế và kiểm toán ngân hàng, KTNN đã ban hành các đề cương kiểm toán: Đề cương kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 ban hành theo Quyết định số 464/QĐ-KTNN ngày 19/3/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước; Đề cương kiểm toán chuyên đề quản lý thu thuế xuất nhập khẩu ban hành theo Quyết định số 475/QĐ-KTNN ngày 21/3/2018 của Tổng Kiểm toán nhà nước; Đề cương kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 590/QĐ-KTNN ngày 29/3/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài về chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng Kiểm toán viên, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng, KTNN đã ứng dụng để xây dựng và ban hành các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về: Kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm toán nợ công; kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất đai; kiểm toán môi trường và kiểm toán công nghệ thông tin.
Ghi nhận về những kết quả đạt được trong công tác NCKH của KTNN thời gian qua, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, hoạt động NCKH trong thời gian qua đã có nhiều điểm nổi bật, với nhiều phản hồi tích cực từ các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và người dân. Để hoạt động NCKH của KTNN đi vào thực chất, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị HĐKH cần quản lý tốt, lựa chọn được đề tài có tính thời sự, có chất lượng; đặc biệt quan tâm tới các đề tài mới, đi vào chuyên sâu, chuyên nghiệp, hiệu quả và sát thực với yêu cầu của Ngành trong bối cảnh mới.
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Kế hoạch KHCN 5 năm 2016-2020 của KTNN, trên cơ sở định hướng nghiên cứu khoa học giai đoạn 2016-2020 đã được xây dựng, KTNN xác định nhiệm vụ trọng tâm trong công tác NCKH năm 2020 là các nhiệm vụ nghiên cứu làm cơ sở, căn cứ và điều kiện cho việc xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2035.
Từ mục tiêu trên, kế hoạch hoạt động KH&CN của KTNN năm 2020 sẽ tập trung vào một số hoạt động: Tổ chức nghiên cứu và quản lý 14 đề tài NCKH cấp Bộ và 27 đề tài NCKH cấp cơ sở (giai đoạn 2); Tổ chức xây dựng Kế hoạch KHCN năm 2021 và Kế hoạch KHCN 5 năm 2021-2026; Tổ chức Hội thảo cấp Bộ với 04 chủ đề dự kiến: Dự án PPP và Vai trò của KTNN; Đổi mới nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các DNNN - Vai trò của KTNN; Đổi mới nâng cao hiệu quả công tác giải ngân đối với vốn đầu tư công và Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI…/.
Phương Vân