Đối thoại với 1.000 doanh nghiệp tham dự Hội nghị, Thủ tướng khuyến khích các doanh nghiệp chỉ rõ các Bộ, ngành, văn bản nào đã gây phiền hà, cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Thủ tướng nhìn nhận doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát triển, chắc chắn có “trách nhiệm của Nhà nước”. Thủ tướng kỳ vọng cuộc đối thoại này ông có thể lắng nghe nhiều hơn nữa những ý kiến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính...
Tại buổi đối thoại, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp và đối thoại, giải đáp, gỡ vướng để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh Việt Nam.
Với quyết tâm đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vào tốp đầu của ASEAN, Chính phủ tiếp tục khẳng định và cam kết đồng hành cùng cộng đồng 760.000 doanh nghiệp - lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế đang ngày càng lớn mạnh. Hội nghị muốn truyền tải thông điệp của Chính phủ: Thế giới đang thay đổi, hội nhập mạnh mẽ, thách thức về môi trường, các vấn đề xã hội ngày một phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh, phát huy lòng tự hào dân tộc để phát triển lớn mạnh, đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường.
Thông tin với các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, năm 2019 tăng trưởng kinh tế sẽ cán mốc trên 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao 6,6-6,8%
. Ngoài ra, lần đầu tiên Việt Nam cán đích xuất nhập khẩu hai chiều trên 500 tỷ USD, thâm hụt ngân sách và nợ công giảm đáng kể, từ hơn 64% GDP năm 2016 giảm về 56% GDP.
Nhìn nhận số doanh nghiệp không ngừng tăng đã tạo nguồn lực lớn song Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều trở ngại trên đường phát triển. "Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, trong đó nhiều doanh nghiệp tên tuổi bị đào thải. Chúng ta sẽ tiếp tục hành động, hành động gấp để tháo gỡ nút thắt giúp doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, nhưng phát triển bền vững" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp đã chia sẻ những khó khăn, thách thức, cũng như kiến nghị với Thủ tướng, để có những quyết sách giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành cần quan tâm đến đào tạo nhân lực cho ngành chế biến gỗ, ngành gỗ hiện đang có khoảng 500.000 nhân lực đóng góp cho sự phát triển của hơn 5.000 doanh nghiệp gỗ đang hoạt động, chưa kể, còn hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất gỗ tại Việt Nam hiện chỉ có khoảng 30% lao động được đào tạo nghề, đa số là lao động phổ thông, việc tổ chức nhân lực cho ngành gỗ chưa có quy hoạch từ các Bộ, ngành. “Nếu có sự đồng hành và chung tay của Nhà nước về định hướng và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực sản xuất gỗ chất lượng cao, chắc chắn ngành công nghiệp gỗ Việt Nam sẽ có những bước đi dài ổn định và vững chắc trong nhiều năm tới” – ông Nguyễn Quốc Khanh nói.
Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ trở lại cho các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường.
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành cơ chế giá điện, khuyến khích điện mặt trời, để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục khai thác tối ưu nguồn năng lượng từ mặt trời, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện ngày càng gia tăng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chủ tịch Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đã rà soát và "điểm danh" 20 điểm chồng chéo trong thủ tục hành chính, xây dựng và đề nghị Chính phủ chủ trì, kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ 20 điểm chồng chéo này để "mở đường cho đầu tư phát triển".
Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chấm dứt tình trạng hù doạ doanh nghiệp. Ông nói, ngay khi đang tham dự hội nghị này nhưng vẫn nhận được tin nhắn phản ánh cấp chuyên viên ở một số Bộ, ngành nhũng nhiễu, đá qua đá lại, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu việc giải quyết khó khăn của doanh nghiệp phải nằm trong đầu, sổ tay hành động của chính quyền, tránh bệnh thờ ơ trong phát triển doanh nghiệp. "Phải loại bỏ ngay những cán bộ nhũng nhiễu, làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.
Khánh Vy