Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2020: Chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020

05/02/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 5/2/2020, tại Trụ sở Chính phủ, Ba Đình, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020. Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra; công tác triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác trong thời gian tới và đánh giá tác động của dịch nCoV gây ra đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; công tác xây dựng thể chế…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đao tại phiên họp

Phản ứng nhanh về kinh tế để 'biến bại thành thắng'

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ trong tháng Tết cũng như thực hiện tốt công tác chăm lo Tết cho nhân dân, bảo đảm cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đầm ấm, vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.

Về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV gây ra, Thủ tướng cho biết đã ngay lập tức thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; quyết liệt chỉ đạo phòng chống dịch chủ động, toàn diện, mạnh mẽ với tinh thần có thể chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Các giải pháp của Việt Nam đã bước đầu đạt kết quả tốt, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải chủ động ứng phó trên tất cả các mặt trận, lĩnh vực; triển khai ngay các giải pháp giảm thiểu tác động kinh tế do dịch bệnh; tiếp tục phấn đấu, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Trung ương, Quốc hội giao. “Chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Phải thích ứng với tình hình hiện nay để “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn thách thức, đưa nền kinh tế tiếp tục tiến bước, đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của nhân dân” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ với tinh thần “bàn tiến không bàn lùi”, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng; kiên quyết khắc phục những tồn tại để thúc đẩy phát triển với tinh thần “việc hôm nay không để ngày mai”.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2020 tiếp tục có những chuyển biến tích cực; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng; vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua; vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng; khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay... Các cấp, các ngành đã tổ chức tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.

Tuy nhiên, mới bước vào năm 2020, đất nước đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp; dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được xử lý dứt điểm; dịch nCoV diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế - xã hội…

Từ phân tích, nhận định bối cảnh tình hình, các thành viên Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành, lĩnh vực để đối phó với tình hình dịch bệnh nCoV tiếp tục diễn biến phức tạp cũng như các giải pháp phòng chống dịch bệnh, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội…

Bảo đảm ổn định xã hội; chủ động, tích cực trên các mặt trận

Nhấn mạnh diễn biến của dịch nCoV còn phức tạp, khó lường, mà theo một số nhận định có thể vào đỉnh dịch trong tuần tới và dịch có thể kéo dài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, dao động, phải bảo đảm được sự ổn định xã hội, đồng thời chủ động, tích cực ứng phó với dịch trên các mặt trận, từ y tế tới ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội; quan điểm nhất quán của Chính phủ là chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. “Chúng ta đã thảo luận, cơ bản thống nhất là chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; đây là nhiệm vụ hàng đầu nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh” - Thủ tướng nhấn mạnh.
 

Quang cảnh phiên họp

Thủ tướng yêu cầu phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống, không được để dịch bệnh lây lan, coi “chống dịch như chống giặc”. Các Bộ, ngành, địa phương có kịch bản, phương án chủ động ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch, không gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân.

Cùng với đó là triển khai thực hiện ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh; có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra trong năm 2020.

Vừa chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm, vừa đẩy mạnh giao thương, thương mại, hàng hóa với Trung Quốc và các nước khác. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các tỉnh có cửa khẩu, nhất là Lạng Sơn, Lào Cai để triển khai kế hoạch đồng bộ, xử lý một cách chặt chẽ, không để dịch lây nhiễm.

Các Bộ có liên quan trực tiếp phải có kế hoạch, chủ trương, biện pháp cụ thể để tái cơ cấu ngành, lĩnh vực mình phụ trách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đến phát triển của ngành mình; các địa phương chú trọng công tác bảo đảm an ninh, không để xảy ra tình trạng gây xáo trộn, phức tạp.

Ban Chỉ đạo Quốc gia và Ban Chỉ đạo các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo, yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng; tăng cường tiêu độc khử trùng nơi đông người, nhất là tại trường học, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, chung cư... Tiếp tục hạn chế các cuộc họp, hội nghị đông người không cần thiết, trừ trường hợp phục vụ chống dịch.

Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu nhất quán là tiếp tục chủ động, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra cho năm 2020; không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng bởi đây là “một thử thách đối với bản lĩnh, trí tuệ và sự quyết tâm của tất cả chúng ta”. Đồng thời, giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỉ giá, xuất khẩu... “Chúng ta đưa ra mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm nay, thì một tháng phải xuất khẩu gần 30 tỷ USD, con số rất lớn, cho nên sơ sẩy là rất phức tạp. Vì vậy phải phấn đấu đạt toàn diện các mục tiêu đề ra” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu phải tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội theo kịch bản mới; chủ động tìm kiếm thị trường. Chỉ đạo mạnh mẽ để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, không ngành nào được dừng lại. “Nền tảng của chúng ta rất tốt trong năm 2019, chưa bao giờ Việt Nam có vị thế lớn như vậy. Chúng ta cần tiếp tục phát huy nền tảng ấy, nhất là phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên các lĩnh vực” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với việc chống dịch, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là tuyệt đối không được lơ là mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2020. Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Hệ thống hành chính từ Trung ương đến địa phương tập trung cao độ thực hiện tốt các nhiệm vụ, các công việc đề ra, bám sát thực tiễn và các kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương theo quý và cả năm để có biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công toàn diện nhiệm vụ 2020.

Trước hết, cần tiếp tục quan tâm xử lý hậu quả mưa đá tại Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ, đồng thời tiếp tục quan tâm xử lý tốt vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Về công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, đây là trọng tâm của năm 2020. Các chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở bước phát triển kinh tế-xã hội thì phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo quyết liệt, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. “Trong bối cảnh khó khăn khi có dịch bệnh, Chính phủ thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo điều hành là cùng với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nguy hiểm, phải tiếp tục nhất quán thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và  Đầu tư rà soát, điều chỉnh, đưa ra các kịch bản tăng trưởng mới theo ngành, lĩnh vực hàng quý và cả năm 2020, có giải pháp mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Điều hành, vận dụng linh hoạt chính sách vĩ mô, đặc biệt là về tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư để ứng phó kịp thời những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Theo dõi chặt chẽ những diễn biến về thị trường, giá cả; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá... Không tăng giá điện, dịch vụ công, tiếp tục giảm giá xăng dầu, đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tín dụng ở những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, kiên quyết đẩy lùi tín dụng đen; đẩy mạnh phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tiền tệ, thanh toán điện tử…

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu công khai, minh bạch qua mạng. Sớm hoàn thiện trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư để thúc đẩy phát triển.

Cần cân đối nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Trung ương gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội, bảo đảm cho nhân dân, doanh nghiệp yên tâm, tin tưởng về các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tiếp tục tích cực sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm. “Tôi yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ trên tinh thần không có gì là không thể để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận./.

Như Ý

Xem thêm »