Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

24/04/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 24/4/2020, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Quang cảnh phiên họp

Tổ chức Kỳ họp theo 02 đợt: Trực tuyến và tập trung.

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua gửi văn bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về hình thức tiến hành Kỳ họp thứ 9, có 59/63 Đoàn nhất trí việc tổ chức kỳ họp theo 02 đợt trực tuyến và tập trung (trực tiếp).

Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chuẩn bị tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung để tạo sự chủ động cho việc chuẩn bị Kỳ họp. "Việc áp dụng hình thức họp trực tuyến sẽ là một bước tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, tiến tới Quốc hội điện tử; đồng thời cũng là cách thức để Quốc hội có thể xem xét, quyết định kịp thời (phản ứng nhanh) những vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra" - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết. 

Về thời gian Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17,5 ngày. Trong đó, đợt 1 tiến hành 8,5 ngày bắt đầu ngày 20/5 (khai mạc Kỳ họp) và kết thúc sáng ngày 30/5/2020; đợt 2 tiến hành 9 ngày, bắt đầu ngày 10/6 và kết thúc ngày 19/6/2020 (bế mạc kỳ họp), dự phòng ngày 20/6/2020.

Về nội dung của Kỳ họp, dự kiến điều chỉnh nội dung kỳ họp theo hướng bổ sung 04 nội dung: Dự án Luật Cư trú (sửa đổi); các dự thảo Nghị quyết về: Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); việc gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957. Đồng thời rút 05 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); chất vấn và trả lời chất vấn; Báo cáo về quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2019; Báo cáo kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017.

Đối với 02 nội dung do Chính phủ đề nghị bổ sung (dự thảo Nghị quyết về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp), sau khi UBTVQH cho ý kiến sẽ xem xét bố trí thảo luận vào cuối đợt 1 của Kỳ họp và xem xét thông qua vào đợt 2 của Kỳ họp.
 

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc​ báo cáo tại phiên họp

Về dự kiến bố trí nội dung, theo Tổng Thư ký Quốc hội, đợt 1 (Họp trực tuyến) sẽ gồm các nội dung: Khai mạc Kỳ họp; đại diện Chính phủ báo cáo nhanh một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội (nếu có), nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8; thảo luận các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; giám sát chuyên đề.

Đợt 2 (Họp tập trung) gồm các nội dung: Quốc hội xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế  - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thảo luận các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét, quyết định nhân sự khác (nếu có); biểu quyết thông qua Luật đã được thảo luận ở đợt 1, Nghị quyết và bế mạc Kỳ họp.

Về cách thức tiến hành Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị không họp trù bị trực tuyến. Thay vào đó, dự kiến chương trình sẽ sớm gửi đến đại biểu Quốc hội trước khai mạc và được biểu quyết thông qua phần mềm cài đặt trên thiết bị di động. Đồng thời, UBTVQH sẽ có văn bản gửi đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ trưởng Tổ Đảng, đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm một số vấn đề liên quan đến Kỳ họp.

Các phiên họp: Khai mạc, bế mạc; giám sát chuyên đề; thảo luận kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp. Đồng thời tiếp tục ứng dụng tối đa tiện ích của công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận, khai thác, sử dụng tài liệu (trừ nội dung mật) cũng như xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, biểu quyết…, nhất là các phần mềm được cài đặt trên thiết bị di động. Khi họp trực tuyến sẽ sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thiết lập.

Việc thảo luận, tranh luận tại Kỳ họp sẽ được triển khai theo hình thức: Đại biểu tại 63 điểm cầu đăng ký phát biểu qua đường dây nóng, bảo đảm việc đăng ký thông suốt, cập nhật liên tục vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu. Cùng với đó, phần mềm đăng ký phát biểu cài đặt trên thiết bị di động cũng đang được khẩn trương hoàn thiện để thuận tiện hơn cho đại biểu. Đại biểu tại phòng Diên Hồng đăng ký phát biểu như thông lệ. Việc điều hành và quản lý thời gian thảo luận, tranh luận của đại biểu được thực hiện từ phòng Diên Hồng và theo quy định hiện hành. Việc biểu quyết thực hiện thông qua phần mềm biểu quyết cài đặt trên thiết bị di động do AIC cung cấp, kết quả biểu quyết sẽ được thể hiện trên màn hình phòng Diên Hồng.

Cơ hội để Quốc hội đổi mới hoạt động

Qua thảo luận về các vấn đề chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, các ý kiến đều đánh giá cao Tổng Thư ký, Văn phòng Quốc hội đã tiến hành các công tác chuẩn bị kỳ họp khoa học, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước hiện nay. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Kỳ họp thứ 9 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt và đây là cơ hội để Quốc hội đổi mới hoạt động. Đây cũng là Kỳ họp của đoàn kết dân tộc, hiệu triệu cả đất nước sau chống dịch tập trung sức để phục hồi kinh tế, xây dựng phát triển đất nước.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên họp

Liên quan đến tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, mặc dù không tổ chức tiếp xúc cử tri tập trung nhưng việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn được tiến hành thông qua nhiều hình thức linh hoạt, thông qua nhiều kênh trong đó có thông tin báo chí là rất quan trọng; giao Mặt trận tổ quốc và Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các địa phương căn cứ tình hình thực tế có hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng thông tin tuyên truyền về nội dung, chương trình Kỳ họp, bảo đảm kịp thời thông tin đến cử tri, Nhân dân cả nước.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh thì không nên tập trung tiếp xúc, các đại biểu và Đoàn đại biểu có thể qua các kênh và hình thức khác tập hợp ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội.

Đối với việc dự kiến không có nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trên Hội trường trong chương trình Kỳ họp, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cần dành nhiều thời gian bàn giải pháp xử lý, nên để các thành viên Chính phủ tập trung vào điều hành xử lý và có thể tiến hành chất vấn tại Kỳ họp sau.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần thông tin cụ thể để đại biểu và các thành viên Chính phủ có thể tăng cường chất vấn và trả lời bằng văn bản.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp này tuy không chất vấn trực tiếp tại hội trường nhưng quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội vẫn thực hiện, có thể chất vấn bằng văn bản và các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời theo quy định của Luật.

Bên cạnh đó, tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị có nội dung Quốc hội nghe báo cáo về tình hình Covid-19 để đại biểu nắm bắt bức tranh tổng thể, sự tác động của đại dịch tới phát triển kinh tế - xã hội để từ đó có đủ thời gian xem xét điều chỉnh nếu có.

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp thu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo về tình hình dịch bệnh cũng như những vấn đề liên quan đến tác động kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội sẽ được trình bày tại đợt họp trực tuyến của Quốc hội.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với việc bố trí họp 2 đợt, tuy nhiên tuỳ diễn biến dịch bệnh trong tháng 6/2020 sẽ xem xét thời điểm họp tập trung.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội quan tâm đến điều kiện bảo đảm cho Kỳ họp, trong đó bảo đảm vấn đề hạ tầng kỹ thuật; chú trọng các biện pháp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH kịp thời gửi thông báo ý kiến đến các cơ quan hữu quan để tổ chức thực hiện, bảo đảm việc chuẩn bị cho Kỳ họp./.

M. Thúy

Xem thêm »