Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Kiến nghị miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025

26/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 26/5/2020, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo trước Quốc hội

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách Nhà nước

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết, xuất phát từ 5 lý do:

Việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tiếp tục góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tiếp tục góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Tiếp tục góp phần hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Theo Bộ trưởng, để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục góp phần khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; góp phần khuyến khích kinh tế trang trại; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tiếp tục góp phần hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới; căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: Kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14 đến hết ngày 31/12/2025.
 

Quang cảnh phiên họp

Theo đó, nội dung của dự thảo Nghị quyết là: Kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/NQ12 ngày 24/11/2010 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và Nghị quyết số 28/2016/NQ14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 đến hết ngày 31/12/2025.

Đánh giá về tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách Nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Đồng thời, việc đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 2025 là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính khả thi của chính sách.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập WTO. Dự án Nghị quyết cũng không quy định về thủ tục hành chính và vấn đề bình đẳng giới, do đó không phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và không gây bất bình đẳng về giới.
 
Siết chặt đối tượng được miễn thuế đất nông nghiệp, tránh tình trạng trục lợi chính sách

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về nội dung này. Tại phiên thảo luận, có 14 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung như: Xây dựng Nghị quyết mới thay cho Nghị quyết số 55 và Nghị quyết số 28 trước đây để phù hợp với thực tiễn cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập; kiểm kê, đánh giá về diện tích đất nông nghiệp sử dụng không hiệu quả, để đất hoang hóa; về kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025; về thu thuế đối với diện tích đất nông nghiệp không sử dụng để canh tác, hoang hóa…

Một số đại biểu Quốc hội lo ngại việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho tất cả sẽ dẫn tới tình trạng trục lợi chính sách nếu không siết chặt đối tượng thụ hưởng. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng phải siết chặt hơn đối tượng được miễn thuế đất nông nghiệp, tránh tình trạng trục lợi chính sách. Theo đại biểu, Chính phủ cần tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Kể cả đất đã được thừa kế, trao tặng, nhận chuyển, sử dụng quyền sử dụng đất mà thành viên đã nhận, giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp và góp phần thành lập hợp tác xã. “Còn riêng diện đất đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức quản lý không trực tiếp sử dụng sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế 100% quyền sử dụng đất” – đại biểu nói.

Đồng tình quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) kiến nghị, đối với tổ chức được giao đất mà không trực tiếp sử dụng đất, để đất hoang hóa hoặc giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai. "Trong thời gian chưa thu hồi phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp và phạt theo Luật Thuế. Không thể chấp nhận việc tổ chức được thuê đất không sản xuất mà lại cho đối tượng khác thuê lại để hưởng chênh lệch" – đại biểu nêu ý kiến.
 
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, nếu kéo dài việc miễn thuế đất nông nghiệp sẽ làm mất đi chức năng của loại thuế này. Số tiền miễn thuế khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm, với khoảng 11.000 hộ nông dân hiện nay, bình quân mỗi hộ được miễn gần 700.000 đồng, không có nhiều ý nghĩa trong thúc đẩy sản xuất. Điều này dẫn đến sự "bình quân hoá", nghĩa là chức năng phân phối lại nguồn lực của những người sử dụng đất không được thực hiện. Do đất không phải chịu thuế nên nhiều người dù không sử dụng vẫn cố gắng giữ đất nhiều, dẫn tới tình trạng đất hoang hóa. Trong khi đó, người khác cần đất thì lại không có để sản xuất. Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Văn Cường đề nghị, không nên kéo dài quá lâu chính sách miễn thuế đất nông nghiệp, thay vào đó cần có chính sách thuế đất nông nghiệp để khoan sức dân. 

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp phần nào giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Tài chính- Ngân sách và Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

M.Thúy

 

Xem thêm »