Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

27/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Toàn cảnh phiên làm việc

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và quyết định lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật này sang Kỳ họp thứ 9. Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến các Đoàn ĐBQH, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
 
So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý 12 nội dung tại 14 Điều, khoản của Luật Tổ chức Quốc hội, tập trung vào các nội dung: Tiêu chuẩn một quốc tịch đối với ĐBQH; Tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách; Quyết định số lượng và phê chuẩn ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; Công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách; Đảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH; Tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách….
 
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tập trung vào các nội dung: Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật; Tiêu chuẩn đối với ĐBQH; Công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách; Đoàn đại biểu Quốc hội; bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH; phạm vi lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; Chuyển các Ban thuộc UBTVQH thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
 
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014; đồng thời cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu nhiều nội dung mà các đại biểu Quốc hội đã góp ý tại Kỳ họp trước; nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
 
Đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Các ý kiến đồng tình với việc quy định tỉ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong đó, nghiên cứu cơ chế dành tỉ lệ nhất định (khoảng 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến nếu đại biểu là chuyên gia am hiểu sâu lĩnh vực cụ thể thì không đúng nguyên lý thiết chế vận hành là cơ quan quyền lực cao nhất. Một số ý kiến cũng cho rằng, không nên nhấn mạnh số lượng đại biểu, vì cho dù nếu 100% đại biểu là chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì cũng không đảm bảo thực quyền.

Về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội, một số ý kiến cho rằng tổ chức này hiện nay đang là một tổ chức “lơ lửng” vì cũng không phải là cơ cấu của địa phương, cũng không phải là một cơ cấu của Quốc hội. Nhiệm vụ hiện nay của Đoàn đại biểu Quốc hội đều do Quốc hội và UBTVQH giao nên Đoàn ĐBQH nên là một cơ cấu của Quốc hội.
 
Tại phiên họp, một số ý kiến phát biểu tán thành việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội vì cho rằng vị trí pháp lý của 02 Ban này hiện nay còn chưa xứng tầm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội.
 
Một số nội dung cũng đã nhận được sự đồng thuận cao của các ĐBQH tại phiên thảo luận như: Kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH do ngân sách Trung ương bảo đảm, trong phân bổ lưu ý đến yếu tố đặc thù của từng Đoàn; Hợp nhất hai văn phòng là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Đổi tên Ủy ban "Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng" và Ủy ban "Về các vấn đề xã hội" thành “Ủy ban Văn hóa, Giáo dục” và “Ủy ban Xã hội”.
 
Giải trình làm rõ nội dung ĐBQH quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về tiêu chuẩn quốc tịch của đại biểu Quốc hội còn ý kiến đề nghị cân nhắc thêm việc quy định “chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Đây là vấn đề đã cân nhắc từ khi ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương liên quan đến quốc tịch của đại biểu ứng cử Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục cân nhắc nội dung này nhưng vẫn cần bảo đảm sự thống nhất giữa hai Luật.
 
Đối với ý kiến tăng đại biểu Quốc hội là chuyên gia, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, không chỉ tỉ lệ đại biểu là chuyên gia mà còn tỷ lệ đại biểu trẻ, đại biểu là người dân tộc, đại biểu nữ…thuộc phạm vi của Đề án bầu cử ĐBQH mà không quy định cụ thể trong Luật. Luật chỉ quy định tỷ lệ tối thiểu phải bảo đảm “ít nhất 40% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”.
 
Về Đoàn ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Dự thảo Luật đã có những sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý cho việc hướng dẫn giải quyết những bất cập liên quan đến cách thức tổ chức công việc của Đoàn và công tác quản lý cán bộ, giải quyết chế độ chính sách đối với ĐBQH chuyên trách tại Đoàn. Thời gian tới UBTVQH sẽ có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.
 
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao các góp ý, thảo luận tại phiên họp; và cho biết UBTVQH sẽ nghiên cứu, tiếp thu và có báo cáo giải trình đầy đủ đối với các nội dung đã được góp ý trước Quốc hội, để các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến bằng văn bản cho dự thảo Luật. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 9./.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »