Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi): Cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển

27/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 26/5/2020, tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Dự luật lần này có nhiều đổi mới nhằm tạo cơ chế thông thoáng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)

Làm rõ nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đã chỉnh lý, sửa đổi đối với áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan (Điều 4); chính sách về đầu tư kinh doanh (Điều 5); ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6); cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ; bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Điều 9); hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư (Điều 15); thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (Điều 26); lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (Điều 29).

Về áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan, UBTVQH tiếp thu, bổ sung quy định tại Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các luật có liên quan, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể tại dự thảo Luật Đầu tư để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Chứng khoán…

Về chính sách về đầu tư kinh doanh, UBTVQH nhấn mạnh, việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đã tính đến yếu tố quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, nội dung về bảo đảm quốc phòng, an ninh còn được quy định ở các điều, khoản khác của dự thảo Luật, theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện về quốc phòng, an ninh và bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, về vấn đề này do còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Cụ thể, Phương án 1, giữ quy định như dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Phương án 2, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành.

Liên quan đến việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, UBTVQH tiếp thu, bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh "bào thai" để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề “Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người” tại điểm đ khoản 1 Điều 6. Đồng thời, đối với dịch vụ điều tra là một ngành trong hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam khác với điều tra hình sự là nhiệm vụ của cơ quan công an, tư pháp; theo quy định của Bộ luật Dân sự, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; một số hoạt động (như thải hóa chất độc hại ra môi trường, xâm phạm bí mật cá nhân, buôn lậu, kinh doanh hàng giả...) không phải là ngành, nghề kinh doanh mà là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định xử lý theo pháp luật về hành chính, hình sự, dân sự.

Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, UBTVQH cho biết: Để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đổi mới hình thức, điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về ưu đãi đầu tư theo hướng quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này như áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án, nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi.... Đồng thời, bổ sung hình thức ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định rõ việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đối với trường hợp đấu giá, đấu thầu, chấp thuận chủ trương đầu tư, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, UBTVQH  đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan tại Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Kế toán... để bảo đảm thực thi hiệu quả Luật Đầu tư.
  
Cần bổ sung chế tài với nhà đầu tư không thực hiện cam kết

Sau phiên giải trình, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu và 04 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến thống nhất với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của UBTVQH và tập trung cho ý kiến về một số nội dung như: về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; về áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan; chính sách về đầu tư kinh doanh; về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (trong đó có việc cấm hay không hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ; việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh); về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; về hình thức và đối tượng và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; về hình thức hỗ trợ đầu tư; về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; những vấn đề liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh; về điều khoản chuyển tiếp…
 

Quang cảnh phiên thảo luận

Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là: Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (trong đó có việc cấm hay không hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ; việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh). Ý kiến một số đại biểu thống nhất với phương án 2 là không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành; đồng thời đổi tên gọi là kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ. Lý do được đưa ra là việc thực hiện theo phương án 1 (cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ) chưa thỏa đáng vì không thể ngành nào Nhà nước quản lý khó là cấm kinh doanh mà nên tạo điều kiện cho người dân kinh doanh nhưng Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật; quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan nếu thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm minh. Có như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phức tạp đối với việc thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen như hiện nay. Đối với luồng ý kiến đồng thuận với phương án 1 lại cho rằng: Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc thu hồi nợ để biến tướng thành các băng nhóm xã hội đen, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất trật tự an toàn xã hội, dẫn đến nhiều hậu quả xấu, thậm chí đe dọa đến tính mạng con người và thúc đẩy nhiều loại hình tội phạm. Vì vậy việc Quốc hội cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hoàn toàn hợp lý. Về cơ bản, đa số các đại biểu thống nhất với phương án cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Liên quan đến nội dung: Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư (Điều 16) tập trung vào 3 lĩnh vực: Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu và ưu đãi về tài chính, đất đai. Có ý kiến cho rằng thực tế thời gian qua, nước ta liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách nên đã thu hút nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, các ưu đãi đã bộc lộ nhiều bất cập như các văn bản pháp luật còn chồng chéo nên gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Bên cạnh việc lồng ghép các chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chính sách về thuế phức tạp, dễ tạo cho các doanh nghiệp lợi dụng chính sách giảm thuế phải nộp, gây bất công bằng trong việc huy động thuế giữa các đối tượng phải nộp. Ngoài ra, chính sách ưu đãi không ổn định, nên doanh nghiệp không tính trước được hiệu quả kinh doanh trong chung và dài hạn cũng là nguyên nhân hạn chế việc thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, thúc đẩy nền phát triển nền kinh tế.

Với bất cập trên, đặt ra cho dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ về nguyên tắc thực hiện chính sách ưu đãi theo hướng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định mà phải đảm bảo tính ổn định vĩ mô, sự ổn định và minh bạch, cụ thể hóa các luật, tránh sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư có chọn lọc, mức đầu tư giữa các vùng miền không nên có sự cào bằng. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các các doanh nghiệp đầu tư dự án mới ở các địa phương nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh những quy định, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư thì dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần đề cập tới việc nghiên cứu, bổ sung chế tài với nhà đầu tư không thực hiện cam kết thì phải thực hiện thu hồi các khoản ưu đãi, hỗ trợ mà họ được hưởng.

Giải trình về một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp rà soát các Luật có liên quan, để có đánh giá toàn diện, tránh được sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Đối với nội dung quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Ban soạn thảo cũng đồng tình với ý kiến của UBTVQH và nhiều ý kiến đại biểu góp ý tại phiên họp. Cụ thể là giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, về nội dung này, Chính phủ đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học nhiều lần, và chuẩn bị rất thận trọng khi đề xuất ủng hộ phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bộ trưởng khẳng định dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước qua hoạt động đầu tư, tránh tình trạng đầu tư núp bóng, đầu tư chui của doanh nghiệp nước ngoài tại các vùng nhạy cảm về quốc phòng, an ninh./.

Nguyễn Quân

Xem thêm »