Quốc hội nghe Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018

28/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều ngày 28/5/2020, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018 và Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2018. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh phiên họp

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đạt kết quả toàn diện, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018 tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp với những yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài và còn những hạn chế, bất cập trong nội tại. Với quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018 đã được Quốc hội quyết định, Chính phủ đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 về những giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018; Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/6/2018 về các giải pháp, nhiệm vụ khắc phục tồn tại, yếu kém; kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đạt kết quả toàn diện, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, chỉ tiêu mức tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 7,08% (kế hoạch giao tăng 6,5% - 6,7%) là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011, nhờ đó tác động tích cực đến thu, chi NSNN.

Theo đó, dự toán thu NSNN là 1.319.200 tỷ đồng, quyết toán 1.431.662,057 tỷ đồng, tăng 8,5% (112.462,057 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô.

Dự toán chi NSNN là 1.523.200 tỷ đồng, quyết toán 1.435.435,263 tỷ đồng, bằng 94,2% (giảm 87.764,737 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện điều hành chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán được giao, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

 
Về chi NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ chi NSNN năm 2018 đã được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cơ bản đảm bảo kinh phí đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị; khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, xói lở bờ sông, bờ biển; hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai; bảo đảm an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, công tác quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội. Công tác quản lý, kiểm soát NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và nghị quyết của Quốc hội. Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN từng bước có hiệu quả và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo nghị quyết của Quốc hội.

Theo báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 của Chính phủ, thu nội địa (không bao gồm thu từ dầu thô), dự toán là hơn 1 triệu tỷ đồng, quyết toán hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 5,1% (hơn 55.993 tỷ đồng) so với dự toán. Thu dầu thô, dự toán 35.900 tỷ đồng, quyết toán hơn 66.048 tỷ đồng, tăng 84% (hơn 30.148 tỷ đồng) so với dự toán. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, dự toán 179.000 tỷ đồng, quyết toán là hơn 202.540 tỷ đồng, vượt hơn 23.540 tỷ đồng so với dự toán. Trong năm 2018, việc thực hiện giảm thuế suất theo cam kết với các thị trường Hàn Quốc, ASEAN làm giảm thu mạnh, nhưng nhờ giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 11,5% so với năm 2017 và tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra thuế, thu nợ đọng thuế, nên góp phần tăng thu NSNN. Trong năm đã hoàn thuế giá trị gia tăng cho các đơn vị kịp thời, đầy đủ theo đúng chế độ quy định là 111.783 tỷ đồng.  

Tại Nghị quyết số 49/2017/QH14 của Quốc hội, mức bội chi NSNN được quyết định là 204.000 tỷ đồng, so với GDP bằng 3,7% GDP. Quyết toán số bội chi NSNN là 153.110,403 tỷ đồng, bằng 2,8% GDP thực hiện, giảm 50.889,597 tỷ đồng (0,9% GDP) so với dự toán QH quyết định.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nhiệm vụ chi NSNN năm 2018 đã được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp. Công tác quản lý, kiểm soát NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và Nghị quyết của Quốc hội. Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN từng bước có hiệu quả và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo nghị quyết của Quốc hội.
 
 Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định, từ chối thanh toán 96 tỷ đồng. “Việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định” - người đứng đầu ngành Tài chính nói.

Trên cơ sở Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2018.
 
Nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018 đã hoàn thành dự toán được Quốc hội quyết định

Trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2018 được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước tiếp tục tiến triển tích cực, nhưng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn yếu tố khó lường. Tăng trưởng thương mại toàn cầu sụt giảm so với dự báo do những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp. Lạm phát toàn cầu những tháng đầu năm có xu hướng tăng cao do giá năng lượng, đặc biệt là giá dầu thô bình quân tăng mạnh. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tích cực của năm 2017, nền kinh tế nước ta cũng đối mặt những khó khăn như tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tác động đến giá lương thực, thực phẩm, ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát; căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cùng với xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tác động đến sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, năm 2018, Chính phủ đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, cùng với sự nỗ lực phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành thắng lợi trên các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP đạt 7,08% (kế hoạch tăng 6,5-6,7%) và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây; tất cả 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; thị trường, tỷ giá, lãi suất ổn định, lạm phát được kiểm soát. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018 đã hoàn thành dự toán được Quốc hội quyết định, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Thu NSNN vượt dự toán đáp ứng nhu cầu chi; bội chi giảm, nợ công trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều tồn tại, hạn chế đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 1526/BC-UBTCNS14 về quyết toán NSNN năm 2017 vẫn tái diễn và chưa được khắc phục triệt để.

Về trình tự, thủ tục quyết toán NSNN năm 2018, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 của Chính phủ trình đã cơ bản tuân thủ theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục quyết toán NSNN, quyết toán NSNN được tổng hợp từ quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn; quyết toán ngân sách các Bộ, cơ quan Trung ương đã được Thủ trưởng các Bộ, cơ quan Trung ương duyệt, cơ quan tài chính thẩm định. Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 đã được đối chiếu, xác nhận của Kho bạc Nhà nước và đã được Kiểm toán nhà nước kiểm toán. Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ trong điều kiện phải tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt phòng, chống đại dịch Covid-19.

Về thu NSNN, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, thu NSNN đạt được kết quả tích cực như trên thể hiện những diễn biến khả quan của tình hình kinh tế, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban TCNS nhận thấy còn một số vấn đề sau: Nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự bền vững, cơ cấu thu chuyển dịch chậm, khó đạt mục tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020; Tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn vẫn chưa được khắc phục.

Về chi NSNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trong năm 2018, Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội. Mặc dù vậy vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Công tác lập, giao dự toán còn chưa sát thực tế, tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để; Giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định vẫn diễn ra; thu hồi vốn tạm ứng còn chậm; Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên còn chậm, cơ cấu chi thường xuyên chưa bảo đảm mục tiêu đặt ra; Chi chuyển nguồn NSNN và kết dư ngân sách địa phương lớn, có xu hướng gia tăng, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.

Về bội chi NSNN và nợ công, bội chi giảm so với dự toán Quốc hội quyết định, thể hiện sự nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, bội chi giảm so với dự toán chủ yếu là do giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay chậm, không thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay nên Chính phủ cần lưu ý có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý, điều hành NSNN. Đối với quản lý nợ công, năm 2018, Chính phủ đã tích cực triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ công, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất huy động vốn trái phiếu chính phủ, các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước và trong giới hạn Quốc hội cho phép, tuy nhiên, dư nợ công năm 2018 tiếp tục tăng thêm.

Về hồ sơ của quyết toán NSNN, hồ sơ quyết toán NSNN năm 2018 chưa có báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2017 theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 77/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017. Tồn tại này đã xảy ra nhiều năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhắc nhở song Chính phủ chưa chỉ đạo kiên quyết để khắc phục.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải nêu rõ, từ tình hình trên, Ủy ban Tài chính- Ngân sách kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2017 theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 77/2019/QH14 của Quốc hội; không để tình trạng thiếu báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội xảy ra ở các năm sau. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội chấp thuận, quyết định: Phân bổ chi tiết cho 33 Bộ, ngành khoản tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại và cho phép quyết toán NSNN năm 2018 theo quy định; Điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, tăng dự toán chi đầu tư phát triển của Bộ Tài chính và cho phép quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2018; Cho phép quyết toán NSNN năm 2018 khoản chi đầu tư của các Chương trình mục tiêu nằm ngoài đối tượng, phạm vi của các Chương trình mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Cho phép quyết toán NSNN năm 2018 theo các phụ lục đính kèm Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 của Chính phủ./.
 
P. Ngọc

Xem thêm »