Ủng hộ bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Agribank

11/06/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 10/6/2020, tại Hà Nội, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Quang cảnh phiên thảo luận

Ủng hộ chủ trương bổ sung vốn điều lệ

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Các ý kiến phát biểu đều cho rằng, với vị trí, vai trò quan trọng của Agribank trong hỗ trợ nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, việc bổ sung vốn điều lệ không chỉ đảm bảo tý lệ an toàn vốn và tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng mà còn có tính lan tỏa, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Tán thành sự cần thiết phải tăng vốn điều lệ cho Agribank, song đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) băn khoăn về việc tăng nguồn vốn điều lệ bằng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019. Điều này cần có sự tính toán khi bối cảnh dịch COVID-19 được dự báo sẽ còn ảnh hưởng. Theo đại biểu, trong điều kiện thu ngân sách giảm, sau khi sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 chuyển sang, cùng với các giải pháp tích cực cắt giảm nhiệm vụ chi thì ngân sách Trung ương sẽ thiếu từ 70.000-75.000 tỷ đồng. "Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn như vậy, việc sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm ngân sách của năm 2019 để bổ sung vào vốn điều lệ cho Agribank có hợp lý hay không?" - đại biểu đặt câu hỏi.
 

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường

Trao đổi thêm về chủ trương sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết, trong hệ thống tổ chức tín dụng có 04 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước giữ vai trò chủ đạo là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV, trong đó chỉ riêng Agribank là 100% vốn Nhà nước. Hiện nay cả 04 ngân hàng này đều đối mặt với áp lực bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II. Trong số 04 ngân hàng này chỉ có Agriabank được xem xét theo hướng bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách Nhà nước, các ngân hàng còn lại được xem xét tăng tỉ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài. “Để đảm bảo tính minh bạch, cụ thể của chính sách, cần thể hiện rõ, tại thời điểm hiện nay, chúng ta mới chỉ xem xét, bổ sung vốn điều lệ cho một ngân hàng thương mại cụ thể chứ không phải là việc thay đổi chính sách, theo đó có thể áp dụng ổn định theo hướng dùng ngân sách Nhà nước để bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước” - bà Lưu Mai nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng Agribank là ngân hàng gắn liền chặt chẽ với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua mới thấy giá trị của nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nông nghiệp thế giới nói chung. Vì vây, theo đại biểu, việc đầu tư cho nông nghiệp là thông minh, nhân văn với hơn 60 triệu nông dân và 96 triệu dân trên cả nước.
 
Bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank tối đa không quá 3.500 tỷ đồng

Giải trình trước Quốc hội đối với một số vấn đề đại biểu quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Agribank là doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu của Nhà nước và việc Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng này thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69); Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn luật cũng như Nghị định số 91 của Chính phủ. Căn cứ các quy định trên, có thể xác định Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc đối tượng được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ.
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu giải trình trước Quốc hội

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội quy định là “không dùng ngân sách Nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại”, do vậy Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ ngân sách Nhà nước. Sau khi Quốc hội xem xét, có chủ trương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành hữu quan thực hiện các trình tự, thủ tục tăng vốn theo quy định.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, Agribank dự kiến phải dành 100.000 tỉ để hỗ trợ sản xuất cho cái khu vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng, nên cần tăng vốn. Trong khi đó, khả năng phát hành thêm vốn rất hạn chế, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành khó khăn. Với điều kiện như vậy, trong mức tăng trưởng tín dụng của Agribank đánh giá tối thiểu khoảng 11% và khi đó thì tỉ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp chỉ đạt 7,9, không đạt mức tối thiểu.

Theo ông Lê Minh Hưng, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Agribank dự kiến xấp xỉ 10.000 tỉ, nộp ngân sách khoảng 3.500 tỉ. Vì vậy có thể dùng nguồn tiết kiệm thu của năm 2019 mà không ảnh hưởng quá lớn đến cân đối ngân sách.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Quốc hội nhất trí với sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank. Về cơ bản, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí đưa nội dung bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9, Quốc hôi khóa XIV; Đồng thời nhất trí bổ sung dự toán chi NSNN năm 2020 là bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi NSTW năm 2019, tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp của NSNN năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng./.

Lâ Hiển
 

Xem thêm »