Kiểm toán phải đánh giá đúng, xác định đúng để bịt được lỗ hổng

02/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Năm 2020, khối lượng đầu mối phải kiểm toán rất lớn, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động kiểm toán phải tạm dừng trong một thời gian ngắn do giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chất lượng kiểm toán không vì thế mà bị ảnh hưởng.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã có trao đổi với báo chí về những biện pháp nâng cao chất lượng kiểm toán.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Kiểm toán Nhà nước đã cắt giảm bớt việc thanh tra, kiểm toán như thế nào?

Năm 2020 Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã giảm 35% cuộc kiểm toán so với năm 2019. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, KTNN đã giảm đầu mối, không thực hiện đối chiếu thuế, thu gọn các đầu mối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Do đại dịch COVID-19, ngày 19/3/2020, Tổng KTNN đã có công điện yêu cầu dừng triển khai các cuộc kiểm toán có trong kế hoạch, nhưng chưa triển khai. Đối với các cuộc kiểm toán đã triển khai, đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán phải tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Y tế, cơ quan y tế địa phương và đơn vị được kiểm toán về phòng, chống dịch COVID-19. Trường hợp cần thiết cũng xem xét, quyết định dừng lại cho phù hợp với điều kiện cụ thể trong phòng, chống COVID-19.

Sau thời gian giãn cách, từ ngày 4/5/2020 mới tiếp tục triển khai kiểm toán trở lại, nhưng với tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trường hợp đặc biệt, nếu kiểm toán tại cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm, gian lận thuế nghiêm trọng thì mới thực hiện đối chiếu thuế.  

Vậy việc cắt giảm thời gian kiểm toán liệu có đáp ứng được chất lượng kiểm toán không, thưa ông?

Việc giảm các đầu mối kiểm toán là thẩm quyền quyết định của Tổng KTNN. Sau khi có ý kiến của Quốc hội, KTNN giảm đầu mối kiểm toán nhưng không có nghĩa là giảm các cuộc kiểm toán, mà là giảm các đối tượng liên quan, các doanh nghiệp, các đơn vị được kiểm toán. Những vấn đề cốt lõi thì vẫn phải giữ để thực hiện.  

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về giãn cách xã hội, các đơn vị phải thực hiện nghiêm, song chất lượng kiểm toán vẫn phải đảm bảo, nâng lên. Không chỉ tăng thu cho ngân sách nhà nước mà phải đánh giá một cách đúng đắn, xác định đúng, có kiến nghị đúng và đặc biệt là xác định để bịt được lỗ hỗng có khả năng gây ra thất thoát, kiến nghị hoàn thiện chính sách, siết chặt kỷ luật, kỷ cương về mặt tài chính. Chất lượng kiểm toán vô cùng quan trọng.

Đơn cử, trong công tác phòng chống tham nhũng, qua kiểm toán năm 2019, chúng tôi đã kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng; chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 82 bộ hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh việc cắt giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhưng liệu có để xảy ra sơ hở không, thưa ông?

Trên thực tế, số cuộc kiểm toán năm nay giảm khoảng 20% so với năm 2019, tức là thay vì kiểm toán trên diện rộng, KTNN tập trung vào các đầu mối trọng yếu dựa trên đánh giá rủi ro; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian kiểm toán. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN trong việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.  

Đơn cử như lĩnh vực ngân sách nhà nước, năm nay chúng tôi lựa chọn các bộ, ngành và đơn vị có quy mô ngân sách lớn để tập trung kiểm toán công tác quản lý, điều hành ngân sách; chọn mẫu một số đơn vị, dự án trọng yếu hoặc rủi ro cao nhằm đánh giá công tác điều hành thu - chi sự nghiệp, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Còn tại địa phương, chúng tôi tập trung kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan tài chính tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu - chi ngân sách, rút ngắn thời gian kiểm toán, giảm tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán tới công tác thường xuyên của đơn vị được kiểm toán.

Còn đối với doanh nghiệp nhà nước, KTNN lựa chọn đơn vị có quy mô phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính, hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu; đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu…  

Vì vậy, số đầu mối kiểm toán giảm và giảm tối đa việc đối chiếu việc nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, nhưng chất lượng kiểm toán chắc chắn không giảm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

V.Tôn

Xem thêm »