Thường trực Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

17/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 16/7/2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các đầu cầu trực tuyến các địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

Làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhân dân đang gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công nhân mất việc làm, người lao động có tiền lương thấp. Đất nước ta đạt tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm 2020, nguyên nhân chính là các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước đều chậm, thấp so với nhiệm vụ kế hoạch. Đầu tư công là một trong các cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn. Đầu tư sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, đầu tư thì giải quyết thu nhập cho người lao động, đầu tư góp phần cho tăng trưởng. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Do đó, trách nhiệm Chính phủ, các địa phương trong cả nước rất lớn, nhất là chúng ta phải tập trung giải ngân đầu tư công gần 28 tỷ USD, tương đương với 633.000 tỷ đồng. “Mỗi khi làm việc ở địa phương, làm việc với các Bộ, ngành, các đồng chí đều đề cập là xin nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển địa phương, ngành mình, nhưng khi nhận vốn rồi thì không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Điều đó diễn ra nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhất là những năm gần đây tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp”. Năm nay giải ngân vốn đầu tư công có tiến bộ hơn là đạt trên 20%, tăng so cùng kỳ khoảng 8%, nhưng còn khối lượng rất lớn chưa được các cấp, các ngành giải ngân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Hội nghị cần tập trung giải quyết cho được “3 cái đọng”: Không được để vốn đọng; không được để nợ đọng (hạng mục thi công xong, dự án hoàn thành nhưng không quyết toán); không để thủ tục đọng. Đây là nhiệm vụ chính trị 6 tháng cuối năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương... “Phải tìm cho ra nguyên nhân chủ quan là chính, không đổ cho khách quan, để chúng ta có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về sử dụng vốn đầu tư Nhà nước trong sự phát triển của ngành, địa phương mình” - Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là việc lập kế hoạch chưa sát thực tế, giao vốn chậm, lúng túng trong triển khai và thiếu quyết tâm.

Thông tin về kết quả thực hiện các dự án ODA, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: “Quá trình chuẩn bị cho dự án ODA diễn ra rất lâu, nhưng khi có dự án lại không thúc đẩy thực hiện. Trong những vướng mắc, phải nói đến giải phóng mặt bằng, không thể sử dụng nguồn vốn ODA để giải phóng mặt bằng do đây là nguồn tiền vay và phải trả nợ, nên các đơn vị có dự án phải chuẩn bị vốn đối ứng".
 
Các Bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 là gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao). Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 vẫn thấp so với yêu cầu. Có 3 Bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 50%; 33 Bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 Bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%.

Về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân khoảng 690 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là hơn 1.827 tỷ đồng, đạt trên 10% kế hoạch được giao.

Về Dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, đã được Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 là 932 tỷ đồng. Hiện nay đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến đến ngày 20/8 tới sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế. “Nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng năm 2020 cơ bản tương tự như các năm trước, tỉ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm” - báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng chia sẻ, tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân hơn 80% trong 6 tháng đầu năm 2020 là do sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nguồn vốn được giao sớm cho các dự án, nhưng cũng sẵn sàng điều chuyển ngay từ dự án chậm sang dự án có tiến độ nhanh. Tỉnh cũng thành lập 4 tổ công tác chuyên trách hỗ trợ các huyện tháo gỡ khó khăn, đốc thúc tiến độ dự án.

Tương tự, lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình... đều cho rằng, một trong những lý do giúp các tỉnh có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cao là nhờ cơ chế giao vốn một lần, tạo điều kiện để các tỉnh lên kế hoạch ngay từ đầu năm; hằng tháng, thậm chí hằng tuần tổ chức họp để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những vướng mắc của chủ đầu tư.

Từ góc độ địa phương có kết quả giải ngân thấp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng báo cáo, một số nguyên nhân được chính quyền chỉ ra là tổ chức tái định cư chậm vì thiếu phương án phù hợp; bị động, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; thiếu kiên quyết, e ngại trong đôn đốc nhà thầu.

Để đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện dự án, lãnh đạo các bộ: Giao thông - Vận tải, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo…, kiến nghị cơ chế tăng cường thanh toán trước, kiểm soát sau. Các Bộ cũng đề xuất có cơ chế nghiêm khắc với các chủ đầu tư trì trệ trong quá trình thực hiện dự án.
 
Giải ngân vốn đầu tư công là một cứu cánh

Lắng nghe các ý kiến, ghi nhận cam kết, quyết tâm của các Bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, trong kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người, “từ công trình mà giải quyết tiền lương, từ công trình mà giải quyết vật liệu, từ công trình mà giải quyết việc làm cho hàng triệu người”. Giải ngân vốn đầu tư công là một cứu cánh đối với đại dịch COVID-19, chứ không phải đầu tư công là nạn nhân của COVID-19. “Chúng ta phải nhận thức được ý nghĩa này để quyết tâm chính trị, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn nữa” – Thủ tướng nói.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị trong cả nước và từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI; học tập, trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm để làm tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành và địa phương mình. Chương trình ấy viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ và gửi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Toàn cảnh Hội nghị

Chỉ còn 25-26 tuần là hết năm 2020, do đó, Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo 2 tuần một lần về giải ngân và kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Quốc hội, Chính phủ đã mở ra một cơ chế cho các địa phương, các ngành thì “Các đồng chí phải lo việc tiêu tiền trên mảnh đất của mình, trên lĩnh vực, ngành mình quản lý”.

Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA. Từ đầu tháng 8 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các Bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý. Trước hết phải xử lý các ách tắc trong từng địa phương, từng ngành và từ đó đưa ra những biện pháp cần thiết.  Từng Bộ, từng ngành phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tỉnh; tỉnh kiểm tra, đôn đốc huyện, xã. Trung ương kiểm tra một số Bộ, ngành trọng điểm.

Thủ tướng cũng đề nghị gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến. “Kết quả giải ngân phải gắn với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Về vấn đề thủ tục, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành ở Trung ương phải tạo mọi điều kiện cho địa phương, tiếp tục phân cấp, giao quyền công khai, minh bạch. Bên cạnh công khai, minh bạch, biểu dương những ngành, đơn vị, địa phương làm tốt; phê bình, trên các phương tiện truyền thông những ngành, địa phương không làm tốt.  Thủ tướng lưu ý vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng cơ bản./.

 
Như Ý
 

Xem thêm »