Đề nghị bổ sung thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước

11/08/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/8/2020, tại Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Quang cảnh phiên họp

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên dự phiên họp.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính như: Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán nhà nước (KTNN); việc tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy; về trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính...

Đối với quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính của KTNN để thống nhất với Luật Kiểm toán nhà nước. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy Luật Kiểm toán nhà nước được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 đã quy định KTNN có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (khoản 6a Điều 11 của Luật Kiểm toán nhà nước). Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Kiểm toán nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định có liên quan như mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (điểm c khoản 1 Điều 24), thẩm quyền xử phạt của KTNN (Điều 48a), thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt (điểm m khoản 1 Điều 87), trách nhiệm quản lý Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính (khoản 4 Điều 17)...
 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng​ trình bày báo cáo tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, riêng về thẩm quyền quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính... trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Điều 4 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành giao Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán nhà nước không phải là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Chính phủ nên việc căn cứ vào quy định nêu trên để giao Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước là không phù hợp. Thực tiễn triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cho thấy, cũng vì lý do tương tự mà mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính đều quy định hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính  nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được văn bản quy định cụ thể về xử phạt VPHC đối với các hành vi này. “Do vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng (khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật)” – ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Cho ý kiến về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này, Chính phủ không trình về thẩm quyền và bổ sung một số các quy định để thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN vì đây không phải là lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, nên không thuộc thẩm quyền của Chính phủ để quy định các hành vi cụ thể. Các thẩm quyền của KTNN, chế độ báo cáo cũng như các hành vi là báo cáo trực tiếp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho là khó xác định được những hành vi như thế nào trong KTNN sẽ áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, đồng thời băn khoăn về việc thiết kế, xây dựng hệ thống cưỡng chế như thế nào sau khi đã thực hiện các xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán... "Nếu có thể được, KTNN phải thiết kế hệ thống này, gần như là một hệ thống riêng, phải xử phạt vi phạm hành chính và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét" - ông Lê Thành Long nói.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên bày tỏ sự đồng tình với nội dung dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, thực tiễn hoạt động kiểm toán cho thấy có rất nhiều các hành vi phạm hành chính trong quá trình triển khai thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước. Năm 2019, Quốc hội đã thông qua Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi, trong đó, Điều 6 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đây sẽ là một căn cứ để quy định cụ thể hơn về vấn đề đó tại dự án Luật lần này.

Đồng tình với việc Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đưa vào dự Luật thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vấn đề này trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, cũng như trong thực hiện tố tụng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho rằng, nếu không đưa vào, đó sẽ là khoảng trống của pháp luật.

Về thẩm quyền xử phạt, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị khi hoàn thiện dự Luật, sửa lại thẩm quyền xử phạt là thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, như vậy sẽ bao hàm cả Kiểm toán trưởng, cũng như Vụ trưởng chủ trì cuộc kiểm toán đó. Ngoài ra, liên quan đến một số vấn đề khác như đơn vị bị xử phạt, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN sẽ nêu cụ thể hơn. "Sau này Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định xây dựng các nghị quyết hoặc pháp lệnh, chúng tôi sẽ có trách nhiệm để xây dựng nên dự thảo này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội"- Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao sự cố gắng của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, các cơ quan hữu quan đã kịp thời nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, khảo sát, tổ chức một số tọa đàm, hội nghị và chỉnh lý lại dự án Luật.

Về nội dung thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN hay các cơ quan tiến hành tố tụng theo Luật Tố tụng hình sự, dân sự và hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, quy định mức phạt trần tối đa. Quốc hội sẽ giao cho Thường vụ Quốc hội ban hành một pháp lệnh để quy định rõ, cụ thể từng hành vi, mức phạt đối với vấn đề này. Riêng vấn đề cơ chế để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực KTNN, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật cùng các cơ quan nghiên cứu để vận dụng những quy định của luật, áp dụng trong pháp lệnh./.

M. Thúy
 

Xem thêm »