Hội nghị trực tuyến Chính phủ: Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

21/08/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 21/8/2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc lần thứ 2 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Thay mặt Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành dự hội nghị.
 
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiến bộ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn có một số Bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong công tác giải ngân. “Hội nghị hôm nay rất thẳng thắn, tinh thần phải giải ngân hết số vốn còn lại ở các Bộ, các ngành, địa phương và cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn. Không thể nói mà không làm, không để có tiền mà không tiêu được do sự chủ quan, việc tổ chức thực hiện kém" – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân đến ngày 31/8/2020 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch. Đạt được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc ngày 16/7/2020; sự đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của 7 Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các Bộ, địa phương thời gian qua.
 
Báo cáo cũng chỉ rõ, có 5 Bộ, cơ quan Trung ương, 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%; 29 Bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, và một địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay, cả nước có 52/53 Bộ, cơ quan Trung ương, 63/63 địa phương có phương án phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2020 tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn của Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về ngân sách Nhà nước năm 2020. Tuy nhiên, chỉ có 38 Bộ, cơ quan Trung ương, 43 địa phương giao chi tiết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 Bộ, cơ quan Trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% vốn đầu tư công cho các dự án; 9 Bộ, cơ quan Trung ương, 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% vốn cho các dự án.

Tổng số vốn NSNN các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng).

Hiện nay, có 9 Bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của 7 Bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân tình trạng giải ngân chậm là do công tác giải phóng mặt bằng chậm; công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn; công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập...

Tại hội nghị, sau khi báo cáo với Thủ tướng về tình hình giải ngân kể từ sau hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về nội dung này ngày 16/7/2020, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ đạo các địa phương triển khai phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công theo đúng kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là mặt bằng cho các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm của tỉnh; tập trung thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn thành các thủ tục đầu tư, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân làm chậm trễ quá trình giải ngân nguồn vốn; xem xét cho các địa phương chuyển một phần nguồn vốn vay ODA cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025. Một số địa phương đề nghị Chính phủ bổ sung vốn đầu tư công cho một số dự án; cho phép chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có khả năng giải ngân tốt…
 
Sau khi nghe các Bộ, ngành, địa phương báo cáo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các  Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, tỷ lệ giải ngân chuyển biến so với năm 2019 và những tháng đầu năm 2020. Và tin rằng, đến hết tháng 8/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 45% có thể thành hiện thực. Thủ tướng Chính phủ biểu dương nhiều Bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã xuất hiện nhiều cách làm mới, nêu cao vao trò của hệ thống chính trị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, đưa ra các chế tài mạnh nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị 31 Bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 35% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, đánh giá, có biện pháp cụ thể thúc đẩy mạnh mẽ công tác giải ngân.

Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ trong năm nay phải giải ngân hết 630.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. “Từ đây đến hết năm 2020 chỉ còn 4 tháng, vì thế đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng phải xác định, đây là nguồn vốn quan trọng phục hồi phát triển kinh tế - xã hội” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương: Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy đảng, chính quyền để tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Xác định, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, là nhiệm vụ trực tiếp của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương.
 
Các địa phương tập trung khắc phục khó khăn, tháo gỡ các nút thắt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo 2 tuần một lần về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020, các dự án chuyển tiếp và khẩn trương hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư cho các dự án mới, các dự án chuẩn bị khởi công… 

Các Bộ, ngành tạo mọi điều kiện về thủ tục cho địa phương thực hiện giải ngân; tiếp tục phân cấp, phân quyền công khai, minh bạch. Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiểm tra, rà soát, giao chi tiết vốn kế hoạch năm 2020, không để tồn đọng vốn ở các cấp chính quyền, kịp thời bố trí vốn đối ứng các dự án ODA. Kiên quyết tiếp tục điều chỉnh vốn theo để đảm bảo giải ngân vốn được giao. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác này, giải quyết những vướng mắc theo thẩm quyền. Các Bộ phải rà soát, không để hồ sơ chậm trễ, xử lý nghiêm những cán bộ gây chậm trễ; thường xuyên báo cáo, đề xuất Thủ tướng, Quốc hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đôn đốc, kiểm tra, xử lý những cán bộ làm chậm, có hành vi tiêu cực…/.

Minh Thúy
 
 
 
 

Xem thêm »