Phát huy vai trò của KTNN trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí

25/08/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tại phiên họp 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua “Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035”. Chiến lược có ý nghĩa quan trọng là cơ sở pháp lý quan trọng cho Kiểm toán nhà nước (KTNN) hoạch định các kế hoạch trong 5 năm, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của KTNN trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm phát huy hơn nữa vai trò của KTNN trong phòng chống tham nhũng, lãng phí

Cần siết chặt hơn kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN

Hơn 25 năm qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước. Giai đoạn 2015-2019, KTNN đã xử lý tài chính hơn 323.500 tỉ đồng, kiến nghị tăng thu ngân sách hơn 67.000 tỉ đồng, giảm chi ngân sách gần 83.000 tỉ đồng (tăng hơn 3 lần so với nhiệm kỳ trước đó). Bên cạnh đó, KTNN đã tiến hành nhiều cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề ở những lĩnh vực mới, nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lãng phí tham nhũng như quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên khoáng sản, các dự án BOT, BT…

Trong giai đoạn này, KTNN đã cung cấp 376 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. KTNN cũng chuyển 16 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra, kiến nghị điều tra, làm rõ để xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau kiểm toán là thước đo đánh giá hiệu quả, hiệu lực của hoạt động kiểm toán trong công tác phòng chống tham nhũng lãng phí. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý thực hiện các kết luận kiến nghị kiểm toán còn chậm, gặp nhiều vướng mắc. Chủ tịch Hội Kế toán kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh cho rằng, kết quả và ý kiến của KTNN là có căn cứ mang tính pháp lý, cần phải thực hiện nghiêm. Hiện nay, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đã tốt hơn so với trước đây, tuy nhiên chưa thực sự kịp thời và trong một số trường hợp còn thể hiện sự chưa nghiêm túc.

Theo ông Đặng Văn Thanh, nguyên nhân là do nhận thức về KTNN của một số cơ quan, đơn vị chưa thật đầy đủ. Bên cạnh đó, một số đơn vị, các cơ quan chưa thấy hết được các sai phạm của mình do KTNN chỉ ra. Trong một chừng mực nào đó vẫn muốn được giải trình để tránh xử lý về mặt tài chính. “Tôi cho rằng còn thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về KTNN. Tổ chức và hoạt động kiểm toán vẫn còn có những hạn chế và bất cập khuôn khổ pháp lý chưa thực sự hoàn thiện quy mô kiểm toán. Vì vậy, cần siết chặt hơn kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN. Cần nghiên cứu thêm quyền của KTNN trong xử phạt hành chính đối với các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện chậm các kiến nghị, kết luận của KTNN”- ông Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Long - thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho rằng: Kết quả kiểm toán của KTNN giúp ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý về lĩnh vực kinh tế, tài sản công và tài chính công. Cho nên cần khai thác tối đa những kết luận của KTNN trong mọi lĩnh vực quản lý tài chính công, tài sản công để phòng chống tham nhũng. Làm sao để KTNN thật sự là tai mắt của Quốc hội, của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Phát huy vai trò của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 xác định sứ mệnh của KTNN là: Cơ quan kiểm toán tài chính tài sản công, hoạt động độc lập khách quan; góp phần quan trọng phát triển ổn định, bền vững minh bạch nền tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao trách nhiệm giải trình bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

KTNN phấn đấu đến năm 2025 trên 90% kiến nghị và đến năm 2030, cơ bản các kiến nghị kiểm toán được thực hiện, đồng thời công khai kịp thời kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN để nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán và hiệu lực kết luận kiến nghị kiểm toán.
 

UBTVQH biểu quyết thông qua dự thảo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030

Trước đó, cho ý kiến vào Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển KTNN, KTNN phải đánh giá đầy đủ thực trạng hiệu quả hiệu lực hoạt động của kiểm toán trong thời gian qua. Từ đó phân tích cho được các yếu tố khách quan, thời cơ thách thức đang nằm ở đâu và những thuận lợi, khó khăn như thế nào. Bởi nếu không đánh giá được hết những vấn đề khách quan, chủ quan thì mục tiêu sắp tới sẽ rất khó thực hiện.

Một số ý kiến cho rằng, khi đã ban hành Chiến lược, xác định mục tiêu thực hiện, KTNN phải kịp thời xây dựng cụ thể rõ ràng các nguyên tắc giải pháp thực hiện, cách triển khai để đạt được mục tiêu đề ra. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện giải pháp thực hiện mục tiêu trong Chiến lược phát triển KTNN đồng bộ với hệ thống các văn bản pháp luật khác.

Để phát huy vai trò KTNN trong phòng, chống tham nhũng, những kết quả kiểm toán cần được công khai minh bạch, cung cấp kết quả kịp thời cho Chính phủ, Quốc hội, HĐND các cấp, đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan Nhà nước và nhu cầu tiếp cận thông tin, phục vụ giám sát của xã hội, người dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu: Cần phải chỉ ra được những mặt mạnh, mặt yếu, những bất cập và những vấn đề cần làm sâu sắc hơn trong Chiến lược của KTNN trong thời gian tới.

Luật KTNN sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 đã bổ sung một số nhiệm vụ quyền hạn cho KTNN. Theo đó, KTNN được thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng và được quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điểm mới quan trọng của Luật KTNN sửa đổi là đã quy định cụ thể về đối tượng tham gia hoạt động kiểm toán. Theo đó, Luật chỉ rõ “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán đó là các đối tượng có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, có rất nhiều vấn đề mới được quy định trong Luật KTNN sửa đổi như: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; phòng chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán; những hướng dẫn về đối chiếu hoạt động của các đơn vị có liên quan; quyền truy cập vào các dữ liệu của các đơn vị được kiểm toán; quy định về hoạt động khiếu nại của các đơn vị được kiểm toán đối với KTNN… Tất cả những vấn đề mới này sẽ được KTNN triển khai thành các quy định cụ thể để Luật KTNN thực sự đi vào cuộc sống.

Luật KTNN sửa đổi quy định KTNN chỉ thực hiện kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan. Luật đã bổ sung quy định Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng trong cơ quan KTNN theo Quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, làm căn cứ cho KTNN ban hành hoặc rà soát sửa đổi các quy định về chuyển đổi vị trí công tác, quy tắc ứng xử và các quy định khác được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng.

Ông Hoàng Quang Hàm – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết: Nội dung quan trọng khi đặt vấn đề sửa đổi Luật Kiểm toán là để nâng vai trò và vị thế, giao nhiệm vụ cho KTNN trong nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng để KTNN có thể kiểm toán vụ việc khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng ngay trong chính nội bộ cơ quan KTNN; Ban hành quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Cùng với đó, Luật KTNN bổ sung quy định đại biểu Quốc hội, HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu của HĐND, đại biểu HĐND được quyền đề nghị KTNN xem xét, quyết định thực hiện việc kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua quá trình giám sát và cơ chế phản hồi của KTNN. Ông Phạm Trí Thức -Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Việc bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm phòng chống tham nhũng của KTNN giúp cho KTNN thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống tham nhũng đã được Nhà nước giao”.

Có thể nói, Dự thảo Chiến lược sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để KTNN triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong từng giai đoạn, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của KTNN trong giai đoạn tới. Đó là trở thành cơ quan kiểm toán tài chính tài sản công hoạt động độc lập, khách quan; góp phần quan trọng cho sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng chống tham nhũng lãng phí, với những giá trị cốt lõi: Độc lập – Liêm chính – Chuyên nghiệp – Uy tín và Không ngừng gia tăng giá trị./.

Diệu - Thúy
 

Xem thêm »