Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường

26/10/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 24/10/2020, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật (sửa đổi) lần này. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc

Tiếp thu, chỉnh lý 9 nội dung lớn
 
Báo cáo những vấn đề lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày 09 nội dung lớn được tiếp thu, giải trình trong dự thảo Luật (sửa đổi), bao gồm:  Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; Bảo vệ môi trường nước, đất, không khí; Quy hoạch bảo vệ môi trường; Đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; Quản lý chất thải; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; Công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường; Kiểm toán môi trường.
 
Theo đó, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường (BVMT), Dự thảo Luật đã quy định các hoạt động đầu tư kinh doanh về BVMT được ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích dự án đầu tư thuộc ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm thân thiện môi trường…
 
Để thực hiện các biện pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn, Dự thảo Luật đã có quy định để bảo đảm tính đồng bộ, liên kết giữa kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, chất lượng môi trường không khí với quy hoạch BVMT.
 
Dự luật cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khi chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
 
Phân loại dự án đầu tư có tác động đến môi trường, dự thảo đưa ra các quy định căn cứ quy mô, tính chất và mức độ tác động đến môi trường. UBTVQH đã chỉnh sửa Dự thảo Luật để báo cáo Quốc hội theo 2 phương án.
 
Phương án 1: Quy định về phân loại dự án đầu tư thành 4 nhóm, gồm: Dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phải có Giấy phép môi trường (GPMT); Dự án đầu tư chỉ phải thực hiện ĐTM và không phải có GPMT; Dự án đầu tư không phải thực hiện ĐTM nhưng phải có GPMT; Dự án không phải thực hiện ĐTM và không phải có GPMT. Phương án 2: Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), quy định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường. Đồng thời, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm gồm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Vấn đề này, đa số Đoàn ĐBQH có ý kiến đề nghị thực hiện theo phương án phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường theo phương án 2.
 
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, theo ý kiến của nhiều Đoàn ĐBQH là giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) trên địa bàn. Đáng quan tâm, Dự luật qui định thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” khi trong thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM, cho phép chủ dự án được trình đồng thời hồ sơ thẩm định báo cáo ĐTM với hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Tùy vào loại hình dự án, chủ dự án sẽ chủ động tính toán cho phù hợp thời điểm trình thẩm định báo cáo ĐTM mà không phụ thuộc vào tiến độ của các bước thẩm định khác như theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy…
 
Dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản và căn cứ điều kiện KT-XH của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác; quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; mức chi trả của hộ gia đình, cá nhân cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, loại chất thải phát sinh. Về lộ trình thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024.
 
Về chính sách thuế, phí về bảo vệ môi trường, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và thống nhất quản lý về tài chính, ngân sách, Dự thảo Luật đã quy định mang tính nguyên tắc xác định đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường. Việc ban hành, tổ chức thực hiện các quy định này theo pháp luật về thuế, phí, lệ phí. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để đề xuất danh mục chịu thuế, phí bảo vệ môi trường; biểu khung, mức thuế, phí và phương pháp tính…
 
Dự thảo luật quy định về kiểm toán môi trường để khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị dịch vụ thực hiện kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn. Đặc biệt, Dự thảo luật bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước thực hiện nội dung kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, ngoài những vấn đề nêu trên, Dự thảo Luật đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung cụ thể tại các điều, khoản mà các đại biểu Quốc hội quan tâm như về giải thích từ ngữ; những hành vi bị nghiêm cấm; quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các cấp; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường; về tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật; về văn phong, bố cục, kỹ thuật văn bản…
 
Đa số thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý
 
Các Đại biểu quốc hội thảo luận trực tuyến 
 
Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Tại phiên thảo luận đa số ý kiến đại biểu phát biểu thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH. 
 
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau:
 
Làm rõ tính thống nhất của dự án Luật với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Thủy lợi.

Phân loại dự án đầu tư thực hiện đánh giá tác động môi trường; thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó, tập trung phân tích, đánh giá về những ưu điểm, hạn chế của 02 phương án quy định tại Điều 36 của dự thảo Luật.
 
Cấp giấy phép môi trường: Tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Đa số ý kiến đại biểu phát biểu đồng tình với phương án quy định chỉ dùng 01 loại giấy phép môi trường, trong đó gồm cả nội dung cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi, thay thế 07 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu băn khoăn về vấn đề đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp cho sản xuất và nước sinh hoạt của các công trình thủy lợi. Mặt khác, việc cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi hiện đang được quy định tại Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi. Do vậy, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội.
 
Một số nội dung khác được các Đại biểu tập trung thảo luận: Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; nguyên tắc bảo vệ môi trường; vai trò của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong bảo vệ môi trường; những hành vi bị nghiêm cấm; về quỹ bảo vệ môi trường; vấn đề rà soát, hoàn thiện các quy định về quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường; về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục các sự cố môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp; về kiểm toán môi trường và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước; về cải cách thủ tục hành chính, rà soát và điều chỉnh các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường...
 
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu rất kỹ nội dung của dự thảo Luật, phát biểu sôi nổi, thẳng thắn. Đây là dự án Luật được cử tri và nhân dân quan tâm vì có tầm ảnh hưởng, tác động đến nhiều đối tượng, lĩnh vực.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này nếu đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất được các nội dung còn ý kiến khác nhau. Trường hợp còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp sau./.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh – Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Đề nghị chuyển Điều 52 về kiểm toán môi trường thành một điều riêng tại Chương XIV- Kiểm tra, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường.
 
“Tại khoản 3 Điều 52 dự thảo Luật về kiểm toán môi trường, trong đó quy định về việc hướng dẫn kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tôi đề nghị cân nhắc nội dung này, vì:

Thứ nhất là chúng ta đã có Luật Kiểm toán độc lập.

Thứ hai là chúng ta cũng có Luật Kiểm toán nhà nước và cũng mới đây được sửa đổi, bổ sung. Các vấn đề liên quan đến chuẩn mực kiểm toán, tiêu chuẩn Kiểm toán viên hay quy trình tiến hành một cuộc kiểm toán… thì được các Luật này quy định. Vì vậy, để tránh trùng chéo thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào những việc hợp lý hơn như ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình hoặc đơn giá, định mức kinh tế, kỹ thuật về bảo vệ môi trường, để trên cơ sở đó thực hiện kiểm toán thì  phù hợp hơn.

Nội dung thứ hai về kiểm toán môi trường, tôi đồng tình việc quy định kiểm toán môi trường trong Luật này. Đây là việc làm hết sức cần thiết và cũng đồng tình cao với việc bổ sung trách nhiệm của KTNN thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan và cũng là hết sức cần thiết.

Nội dung kiểm toán môi trường đã được quy định trong khoản 2 Điều 52 của Dự thảo Luật. Tôi đồng tình là việc kiểm toán tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, phải quy định trong Luật này. Vì hầu hết các cuộc kiểm toán, bất kể là cuộc kiểm toán về kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ hay kiểm toán hoạt động thì đều phải xem xét đến việc tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, việc tuân thủ pháp luật rộng hơn việc quản lý chất thải, kiểm soát chất ô nhiễm khác. Do đó, việc đặt quy định về kiểm toán môi trương tại Chương VI- Quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm - tôi thấy chưa thể hiện được tính bao quát về bảo vệ môi trường. Vì bảo vệ môi trường và tuân thủ pháp luật rộng hơn việc chỉ đơn thuần là quản lý chất thải và kiểm soát chất ô nhiễm và ngược lại nếu ta chỉ quan niệm là bảo vệ môi trường chỉ gói gọn trong việc quản lý chất thải, kiểm soát chất ô nhiễm thì cũng chưa đầy đủ. Với nguyên tắc bảo vệ môi trường ở trong Điều 4 của dự thảo Luật với 8 nguyên tắc, cùng với việc ưu tiên hợp lý việc dự báo phòng ngừa ô nhiễm, sự cố suy thoái môi trường cộng với nâng cao giáo dục, tuyên truyền và bảo vệ môi trường và các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm; để hoạt động kiểm toán môi trường nói chung và kiểm toán trong lĩnh vực môi trường của KTNN thật sự phát huy vai trò trong bảo vệ môi trường, tôi đề nghị chuyển Điều 52 về kiểm toán môi trường thành một điều riêng tại Chương XIV- Kiểm tra, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường”
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh – Đoàn ĐBQH Hậu Giang phát biểu

 
Ngọc Bích
 

 
 

Xem thêm »