(sav.gov.vn) - Ngày 03/11/2020, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021.
_20201104154314.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu phát biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đồng thời cho rằng, về cơ bản, các báo cáo đã phản ánh đầy đủ, nhận định thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế.
Kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận
Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020, các đại biểu cho rằng, năm 2020 có nhiều thách thức, nhưng đất nước vẫn đạt được những kết quả tích cực, đồng thời đánh giá cao công tác điều hành, quản lý Nhà nước của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển KT- XH; tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng - Đoàn ĐBQH Hải Phòng đánh giá: Năm 2020 có nhiều thách thức như hạn mặn đầu năm, dịch bệnh Covid 19, thiên tai, bão lũ liên tục xảy ra tại miền Trung, nhưng đất nước vẫn đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng. Việt Nam là nằm trong số ít những nước đạt mức tăng trưởng dương, vị thế được nâng cao.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến - Đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid 19 đưa kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng và ảnh hưởng nặng nề nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội Việt Nam, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận. Con số tăng trưởng từ 2 đến 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt của năm Covid 19. Kinh tế phát triển ổn định, GDP tăng trưởng dương, cán cân thương mại 9 tháng thặng dư 17 tỷ USD, dòng vốn FDI tăng trở lại, vốn giải ngân và vốn cam kết đều tích cực. “Chính phủ đặt ra kế hoạch phát triển năm 2021 với mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới, trong đó chỉ tiêu tăng GDP từ 6 đến 6,5% là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được” – đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến kiến nghị, bên cạnh chính sách tiền tệ đã được triển khai tốt thì cầm thực hiện tốt hơn chính sách tài khóa. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2020 và chuẩn bị giai đoạn phục hồi từ 2021. Năng suất lao động vẫn là vấn đề cần quan tâm, nhưng tăng năng suất lao động phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố như ứng dụng công nghệ, nâng cao trình độ người lao động. Đại biểu đề nghị phát huy các nguồn lực, hoàn thiện thể chế, quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng chính sách việc làm, tăng lương…
Cũng tại phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ về thiệt hại do bão lũ, ngập lụt trên các lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng để có cơ sở đánh giá đúng chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế…
Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội ở Việt Nam
Thảo luận về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đánh giá: Có rất nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam trong nhiệm kỳ qua. Điểm sáng đầu tiên là công cuộc phòng chống tham nhũng bước đầu đã có kết quả rõ nét, tạo được dấu ấn đột phá trong nhiệm kỳ này, góp phần tạo lập một môi trường kinh doanh liêm chính, công bằng với chi phí thấp cho doanh nghiệp và củng cố niềm tin của người dân vào quyết tâm đổi mới hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam đã tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ cải cách thể chế, Chính phủ đã phát động thành công 3 đợt sóng cải cách thủ tục hành chính quan trọng, xoá bỏ hàng ngàn giấy phép con; cắt giảm và đơn giản hoá 50%-60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành và hiện nay đang tiếp tục cắt giảm đơn giản hoá 20% các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh.
Chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo được đẩy mạnh, hành trình xây dựng Chính phủ điện tử được tăng tốc.
Việt Nam đã lên đường cao tốc hội nhập với thế giới qua 2 cuộc hội nhập đỉnh cao: CPTPP và EVFTA, góp phần mở rộng không gian thị trường và thúc đẩy cải cách thể chế theo những chuẩn mực quốc tế cao nhất. “Trong đại dịch Covid 19, nhờ có sự đoàn kết, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, khả năng chống chịu, kiên cường của người dân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn, Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho cộng đồng kinh doanh quốc tế trên hành trình xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và có trách nhiệm hơn” – đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, mặc dù có một số chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch, nhưng những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội chúng ta đã đạt được thời gian qua là rất đáng tự hào. Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,8%/năm trong suốt 4 năm đầu nhiệm kỳ, không cần phải hy sinh các mục tiêu khác như lạm phát, tỷ giá hay nợ công. Ngược lại, chính việc kiềm chế lạm phát dưới 4%, cộng với nỗ lực giữ tỷ giá ổn định và giảm nợ công xuống còn 56,1% GDP vào năm 2019 đã tạo ra các tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, dựa nhiều hơn vào yếu tố năng suất và chất lượng.
Về thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng có ý kiến: Vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, chưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng chậm, năm nào Thủ tướng cũng phải chỉ đạo, trong khi đây là trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương. Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải ngân là công tác lập kế hoạch không sát thực tế, không khả thi; một một số dự án ODA triển khai khi thủ tục chưa hoàn chỉnh nên không thể bàn giao; công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều vướng mắc, chậm triển khai.
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn đề xuất Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu lựa chọn các Bộ. ngành, địa phương để giao vốn đầu tư công, tránh cào bằng; kiên quyết thu hồi các dự án chậm giải ngân, xử lý trách nhiệm người đứng đầu; cải cách thủ tục hành chính về thủ tục thực hiện dự án tư công, có cơ chế giám sát, xử lý; các Bộ, ngành chỉ đạo sát sao, chặt chẽ các khâu thuộc trách nhiệm, lĩnh vực quản lý khi triển khai dự án đầu tư công, không để quả bóng trách nhiệm bị đá qua, đá lại.
Việt Nam phải đón đầu tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững và tự chủ
Về định hướng phát triển cho 5 năm tới, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đề xuất, nhưng cũng cho rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức nếu như ta nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua. Mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700 – 5.000 USD vào năm 2025 cũng sẽ cần phải có rất nhiều nỗ lực. Vì vậy, cần tiếp tục cải cách thể chế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và khơi thông các nguồn vốn đầu tư, sớm xây dựng Dự luật về công nghiệp hỗ trợ trình Quốc hội ban hành…
Quang cảnh phiên thảo luận
Góp ý kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp.HCM nêu ý kiến, Việt Nam đã có những khát vọng phát triển được lượng hóa với những mục tiêu: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây được xem như cuộc cách mạng “Đổi mới” lần 2 để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, gia nhập đội ngũ các nước phát triển, vì vậy giai đoạn 5 năm tới có ý nghĩa quyết định.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Việt Nam phải có những giải pháp, kế hoạch hành động đề án khả thi, khoa học trong điều kiện bình thường mới khi những vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần đổi mới cách đặt mục tiêu cũng như cơ chế, giải pháp thực hiện. Đơn cử như các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đang thay đổi sức mua, cách thức tiêu thụ đòi hỏi Việt Nam phải thích ứng ra sao? Hướng phát triển du lịch khi tương lai khi sẽ xuất thêm những dịch bệnh khác? Cần làm gì để khai thác được thị trường nội địa 100 triệu dân?.... Dịch bệnh có thể làm phá sản các kế hoạch tham vọng của những nước phát triển, nhưng cũng có thế đưa một nước đang phát triển vượt lên nếu có chiến lược hành động đúng đắn. “Trong giai đoạn tới đây, chúng ta cần phải đón đầu tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững và tự chủ” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh./.
M.Thúy