(sav.gov.vn) - Ngày 11/11/2020, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 7, đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp tại Hội trường
Bổ sung nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ 10
Trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua việc bổ sung nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ 10.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và xem xét tình hình chuẩn bị thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung 02 nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI, cụ thể: Xem xét, quyết định việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Xem xét, quyết định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội không ban hành Nghị quyết riêng về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 10 bằng hệ thống điện tử với 88,8% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Theo đó, Chương trình từ ngày 11/11/2020 đến bế mạc kỳ họp có sự điều chỉnh thời điểm xem xét của một số nội dung cho phù hợp với việc điều chỉnh nội dung nêu trên. Để có thêm thời gian xem xét chỉnh lý hoàn thiện, thời gian biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được sắp xếp vào cuối kỳ họp. Theo dự kiến chương trình kỳ họp điều chỉnh, Quốc hội sẽ xem xét biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào chiều ngày 17/11/2020 ngay trước phiên bế mạc.
Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021. Việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ như dự thảo Nghị quyết.
Trước ý kiến đề nghị chỉ tiêu về tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%; cần điều chỉnh thành 100%, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, từ thực trạng khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường của những năm vừa qua, mỗi năm Chính phủ đề xuất tăng tỷ lệ này thêm 1% do cần bố trí nguồn lực đầu tư và phải có lộ trình. Để bảo đảm tính khả thi, xin Quốc hội cho giữ tỷ lệ này như dự thảo Nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, các chỉ tiêu khác của năm 2021 được tính toán trên cơ sở bối cảnh trong nước, quốc tế, cơ sở kết quả thực hiện của năm 2020 và các nguồn lực hiện có để triển khai trong năm 2021. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ các chỉ tiêu trên như dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong công tác điều hành để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hệ thống điện tử với tỷ lệ 89,21% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng.
Phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trường Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trong buổi chiều, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự.
Quốc hội nghe: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng.
Tiếp đó, Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu như sau: đối với ông Chu Ngọc Anh, có 476 đại biểu đồng ý trên tổng số 477 ĐBQH tham gia biểu quyết (bằng 98.96% tổng số ĐBQH); đối với ông Lê Minh Hưng, có 476 đại biểu đồng ý trên tổng số 477 ĐBQH tham gia biểu quyết (bằng 98.96% tổng số ĐBQH).
Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng. Sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức điện tử với kết quả như sau: có 458 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95.02% tổng số ĐBQH); trong đó, có 458 đại biểu tán thành (bằng 95.02% tổng số ĐBQH).
Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Cho ý kiến về việc giao vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng phát triển Việt Nam
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, việc Chính phủ trình bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho VDB là thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định là đúng thẩm quyền.
Cũng theo đại diện Ủy ban Tài chính – Ngân sách, việc thanh toán số vốn thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương, do chưa bố trí đủ để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 của VDB theo quy định của pháp luật là cần thiết để bảo đảm thanh khoản và an toàn hoạt động của VDB. Để thực hiện, trong dự toán NSNN năm 2020, Chính phủ đã bố trí 2.500 tỷ đồng cho VDB, không làm tăng bội chi ngân sách. Vì vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành việc trình Quốc hội cho phép sử dụng 2.500 tỷ đồng để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho VDB. Đồng thời, đề nghị việc thanh toán phải căn cứ vào số liệu được Kiểm toán nhà nước xác nhận.
Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép sử dụng 2.500 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho VDB, đưa nội dung này vào Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2021.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc Chính phủ trình bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho VDB là thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội, Kết luận của UBTVQH và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định là đúng thẩm quyền. Có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng có thêm nội dung đánh giá hiệu quả hoạt động VDB để các đại biểu có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ những nội dung được đại biểu Quốc hội đề cập về căn cứ pháp lý, sự cần thiết cho phép sử dụng 2.500 tỷ đồng để cấp bù chênh lệch lãi xuất và phí quản lý cho VDB. Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, ý kiến của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam với tỷ lệ 94,61% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành./.
M. Thúy