Năm 2020 hầu hết các khoản thu đều không đạt dự toán
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải, năm 2020 các khoản thu: Nội địa; từ dầu thô; thu cân đối hoạt động xuất, nhập khẩu đều không đạt dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều giảm mạnh so cùng kỳ năm 2019; nợ đọng thuế tăng 23,3% so với năm 2019. “Nguyên nhân chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19, tình hình thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên hầu hết các ngành, lĩnh vực” – ông Nguyễn Đức Hải cho biết.
Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS), Chính phủ đã kịp thời triển khai các biện pháp nhằm phát triển kinh tế, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch bệnh, mở rộng thị trường nội địa, tận dụng cơ hội thị trường nước ngoài, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 2 - 3% năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các biện pháp thu nợ và sửa đổi cơ chế, chính sách, công tác quản lý nợ thuế đã đạt được một số kết quả quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan tăng cường quản lý công tác hành thu, chống thất thu thuế, chuyển giá, buôn lậu và gian lận thương mại, áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp đối với các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19, công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường chống thất thu, giảm nợ đọng thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020, dự toán NSNN năm 2021 và dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2021
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2021 với 449/451 đại biểu tham gia tán thành
Với mức đề nghị của Chính phủ tăng thu NSNN năm 2021 ở mức 5 – 7%, với mức tăng GDP khoảng 6 – 6,5%, trong đó mức tăng thu nội địa là 5 - 6%, bằng 5,6% só với thực hiện năm 2020.
Về dự toán NSNN năm 2021, dự toán thu nội địa năm 2021 tăng 5,6% so với ước thực hiện năm 2020; các nguồn thu thuế, phí còn lại của năm 2021 dự kiến tăng 7,8% so với ước thực hiện năm 2020. UBTCNS đánh giá đây là mức tăng thu phù hợp trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp thuận mức dự toán thu nội địa năm 2021 như Chính phủ trình. Quá trình thực hiện đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các biện pháp chống thất thu, thu hồi nợ đọng và nghiên cứu rà soát lại chính sách thu theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cơ cấu lại chi NSNN bảo đảm hợp lý, triệt để tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi thường xuyên không cần thiết, gắn với tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; cắt giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và các khoản chi chưa thật sự cần thiết; giảm tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước so với dự toán năm 2020, ngoại trừ các hoạt động ngoại giao cấp quốc gia.
Việc bố trí dự toán cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc, NSNN không hỗ trợ các cơ sở đã tự chủ toàn bộ chi thường xuyên; đối với các cơ sở năm 2020 đã tự chủ một phần chi thường xuyên mức bố trí hỗ trợ năm 2021 trên cơ sở tiết kiệm chi bình quân thêm 5% so với dự toán năm 2020. Đồng thời, bố trí kinh phí cho các đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù trên tinh thần triệt để tiết kiệm, giảm tối thiểu 15% so với dự toán chi năm 2020. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp thuận các biện pháp cơ cấu lại chi thường xuyên của NSNN năm 2021 như Chính phủ trình. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cơ cấu lại chi bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật về NSNN.
Về Dự thảo Nghị quyết dự toán NSNN năm 2021, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo cụ thể tình hình thu NSNN năm 2020 hụt thu so với dự toán; dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 giảm so với dự toán năm 2020, nên chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng do NSNN bảo đảm, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2020 và năm 2021, điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn tới. Đối với việc ưu tiên điều chỉnh mức tăng trợ cấp người có công, lương hưu và trợ cấp cho những người về nghỉ hưu trước năm 1995, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có tổng kết, đánh giá và xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp, báo cáo Quốc hội theo hướng ưu tiên hơn cho đối tượng này trong thời gian tới. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho tiếp thu, thể hiện nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2021 với 451 đại biểu tham gia biểu quyết, bằng 93,57% tổng số ĐBQH, có 449 đại biểu tán thành, bằng 93,15% tổng số ĐBQH; 02 đại biểu không biểu quyết, bằng 0,41% tổng số ĐBQH.
Về quy định về điều chỉnh, bổ sung dự toán NSNN năm 2020 có 449 đại biểu tham gia biểu quyết, bằng 93,15% tổng số ĐBQH, có 447 đại biểu tán thành, bằng 92,74% tổng số ĐBQH; 02 đại biểu không biểu quyết, bằng 0,41% tổng số ĐBQH.
Toàn bộ dự thảo Nghị quyết có 448 đại biểu tham gia biểu quyết, bằng 92,95% tổng số ĐBQH, có 446 đại biểu tán thành, bằng 92,53% tổng số ĐBQH, 02 đại biểu không biểu quyết, bằng 0,41% tổng số ĐBQH./.
Khánh Vy