Tại phiên thảo luận, đa số các Đại biểu Quốc hội nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tán thành với tên gọi, phạm vi và nội dung của dự thảo Nghị quyết như đề nghị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra. Các ý kiến cho rằng, việc thực hiện ngay mô hình, tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM mà không cần thí điểm để đến tháng 7/2021, Nghị quyết của Quốc hội sẽ đi vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị; đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững; phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP HCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước trong thời gian tới.
Các Đại biểu tiếp tục thảo luận về các các nội dung: Cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; Giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố; Tên gọi của dự thảo nghị quyết và trình tự, thủ tục thông qua Nghị quyết.
Một số ý kiến cho rằng, với định hướng, mục tiêu tổ chức một mô hình quản lý với đặc điểm của một siêu đô thị, quản lý nền hoạt động quản trị số hóa, thực hiện mô hình chính quyền điện tử một cách liên thông 3 bộ phận: Thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và con người để tiến hành phân cấp, phân quyền cho cơ sở theo hướng tinh gọn, cấp trên chỉ chịu trách nhiệm đối với các vấn đề vĩ mô, chỉ đạo tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra, giám sát. Vì vậy, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường nhằm đáp ứng 2 yêu cầu: Đạt hiệu quả tối ưu trong giải quyết nhu cầu, nguyện vọng, bức xúc của người dân một cách thực chất nhanh hơn mà không thông qua các cấp trung gian; góp phần tinh gọn bộ máy chính quyền, bảo đảm sự liên thông, điều hành thống nhất, linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa bàn siêu đô thị.
Để đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng đồng nhân dân, một số ý kiến kiến nghị xem lại cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, cần tăng thêm số lượng, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách, có thể bao gồm cả một số đại biểu không giữ chức vụ hoạt động chuyên trách tại các ban của Hội đồng nhân dân thành phố, để có thể bao quát được hết công việc. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới, tăng tần suất tiếp xúc cử tri và những kênh thông tin để cử tri tương tác với đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố. Một số ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể hơn giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố về cơ cấu tổ chức, số lượng, nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách theo hướng tăng cường công tác giám sát, phát huy hiệu quả. Song, cần rà soát các chính sách trong Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại TP HCM thực sự có hiệu quả, cũng như xem xét để bổ sung những quy định mới, chính sách phù hợp đặc thù vượt trội, có sự khác biệt so với các đơn vị hành chính hiện nay để thực hiện đảm bảo tính ổn định lâu dài và phát huy hiệu quả đạt kỳ vọng khi nghị quyết đã được ban hành.
Một số Đại biểu bày tỏ băn khoăn về phương thức thực hiện quyền dân chủ nhân dân ở 2 cấp không có Hội đồng nhân dân. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng phải quy phạm hóa một số giải pháp nhằm đảm bảo tính pháp lý cho việc triển khai nghị quyết.
Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, đa số đại biểu Quốc hội cũng đồng ý tăng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách là khoảng 19 người thay cho 16 người hiện nay.
Về tên gọi của dự thảo Nghị quyết, các ý kiến tán thành là Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM mà không thực hiện thí điểm. Về trình tự, thủ tục, các Đại biểu cũng đồng ý với đề nghị của Chính phủ là theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua dự thảo Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình về một số nội dung được quan tâm
Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về một số nội dung: Tên gọi của dự thảo Nghị quyết; Thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố; Số lượng đại biểu của Hội đồng nhân dân; Những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của Hội đồng nhân dân.
Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trong phiên thảo luận tại hội trường đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Đối với 6 đại biểu đã đăng ký, nhưng do điều kiện thời gian chưa phát biểu được, đề nghị gửi ý kiến bằng văn bản cho Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp và các cơ quan sẽ nghiên cứu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị quyết này.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Tán thành với tên gọi, phạm vi và nội dung của dự thảo nghị quyết như đề nghị của Chính phủ.Về hiệu lực ban hành Nghị quyết, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ là từ 01/01/2021 và triển khai thực hiện từ 01/7/2021.
Về những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội ghi nhận và sẽ chỉ đạo, phối hợp với Bộ Nội vụ tiếp thu đề xuất 05 giải pháp của Đại biểu về các quy định để đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân./.
Ngọc Bích