Năm 2021, KTNN chuyên ngành IV triển khai 14 cuộc kiểm toán

18/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Chiều 17/12/2020, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV (KTNN CNIV) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành phát biểu chỉ đạo Hội nghị


Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong Ngành cùng toàn thể cán bộ, công chức đơn vị.

Trình bày báo cáo tổng kết tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ vụ năm 2021, Phó Kiểm toán trưởng KTNN CNIV Trương Văn Tạo cho biết, năm 2020, phát huy những thuận lợi, tập trung khắc phục những khó khăn, tập thể cấp ủy và lãnh đạo KTNN chuyên ngành IV đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác.

Tính đến tháng 12/2020, KTNN chuyên ngành IV đã hoàn thành 17 cuộc kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán năm 2020. Các Đoàn kiểm toán đều được triển khai đúng mục tiêu, nội dung, thời gian, đảm bảo chất lượng, trong đó có 02 cuộc kiểm toán đang lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Đoàn kiểm toán đạt chất lượng Vàng.

Kết quả kiểm toán năm 2020 (gồm 17 BCKT đã phát hành và 02 BCKT theo kế hoạch kiểm toán bổ sung năm 2019) cho thấy, tổng giá trị kiến nghị xử lý tài chính đạt trên 2.608 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu NSNN gần 34 tỷ đồng; giảm chi đầu tư xây dựng trên 335 tỷ đồng; giảmthanh toán, quyết toán các dự án BT/BOT trên 485 tỷ đồng và xử lý khác gần 1.754 tỷ đồng.

Cùng với những phát hiện và kiến nghị về xử lý kinh tế, các Đoàn kiểm toán đã tập trung đi sâu kiểm toán tuân thủ, từ đó chỉ rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến hạn chế, sai phạm, đồng thời đưa ra các kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, vốn đầu tư, đặc biệt là quản lý các dự án sử dụng vốn vay ODA và các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT; kiểm soát tỷ giá nhận nợ đối với các dự án vay ODA. Đưa ra các kiến nghị bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần đưa công tác quản lý kinh tế, tài chính nói chung và quản lý dự án đầu tư nói riêng đi vào nề nếp, tiết kiệm, hiệu quả.
 
Toàn cảnh Hội nghị

KTNN CNIV cũng luôn xác định rõ tầm quan trọng của công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán trong quản lý hoạt động kiểm toán và đảm bảo chất lượng kiểm toán, thực hiện kiểm soát xuyên suốt từ khâu chuẩn bị kiểm toán đến khâu phát hành báo cáo kiểm toán, mỗi đợt kiểm toán đều bố trí từ 15% - 20% Kiểm toán viên không tham gia Đoàn kiểm toán để thực hiện công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán và thực hiện các nhiệm vụ chung. Trong năm, đơn vị và các Đoàn kiểm toán cũng đã phối hợp tốt với Thanh tra KTNN, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán. Kết quả thanh tra, kiểm soát cho thấy về cơ bản công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của lãnh đạo đơn vị đạt kết quả tốt; bên cạnh đó còn chỉ ra một số nhận xét, đánh giá kiểm toán của kiểm toán viên chưa phù hợp, chưa đủ căn cứ pháp lý, góp phần hoàn thiện chất lượng Báo cáo kiểm toán.

Việc lập và phát hành báo cáo kiểm toán kịp thời luôn là yêu cầu đặt ra và được lãnh đạo KTNN CNIV đặc biệt quan tâm. Ngay khi kết thúc kiểm toán, các Đoàn kiểm toán đã tập trung nhân lực để tổng hợp số liệu, tình hình kiểm toán và lập BCKT. Tiến độ lập, xét duyệt dự thảo BCKT tại Hội đồng thẩm định cấp Vụ, tiến độ trình duyệt tại Hội đồng thẩm định cấp ngành đều được rút ngắn từ 2-3 ngày, góp phần rút ngắn thời gian phát hành báo cáo kiểm toán của các cuộc kiểm toán còn 34,4 ngày.

Đánh giá về công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán, báo cáo nêu rõ, ngoại trừ 02 Đoàn kiểm toán có tỷ lệ thực hiện thấp (Kiểm toán Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; kiểm toán Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình) do các nguyên nhân khách quan, các Đoàn kiểm toán năm 2019 đều có kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán tương đối cao, tỷ lệ đạt 74%, trong đó: Kiến nghị tăng thu NSNN đạt 73%; kiến nghị giảm chi đầu tư đạt 74%; kiến nghị khác đạt 74%.
 
Về định hướng nhiệm vụ công tác năm 202, KTNN CNIV xác định: “Tăng cường đổi mới phương pháp, kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; Gia tăng giá trị và hiệu lực kiểm toán; Tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán, quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của Kiếtm toán viên nhà nước, đề cao trách nhiệm công chức, công vụ; Quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030”.
 
Nhiệm vụ trọng tâm của KTNN CNIV trong năm 2021 là hoàn thành tốt 14 cuộc kiểm toán được giao trên nguyên tắc phù hợp định hướng chung toàn Ngành, cân đối về nguồn nhân lực của đơn vị, tránh trùng lắp chồng chéo với hoạt động thanh kiểm tra, kết hợp hài hòa giữa kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề.

Để hoàn thành xuất sắc Kế hoạch, KTNN CNIV xác định 09 giải pháp cần tập trung thực hiện:

Xây dựng Kế hoạch công tác cả năm và hàng quý, hàng tháng theo từng lĩnh vực công tác. Bố trí, cân đối nhân sự thực hiện toàn diện các mặt công tác. Trong tháng 12/2020 phải hoàn thành việc xây dựng KHKT tổng thể năm 2021, đảm bảo phân công, bố trí nhân lực hợp lý, phù hợp với quy mô, tính chất, mức độ phức tạp của từng cuộc kiểm toán để trình lãnh đạo KTNN xem xét, phê duyệt; trên cơ sở đó tiến hành khảo sát, lập KHKT...

Tổ chức tốt công tác khảo sát và thu thập thông tin đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời; xác định và đánh giá được các vấn đề trọng tâm, nhạy cảm, nhiều rủi ro; tập trung vào các nội dung có ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý dự án, các vấn đề xã hội quan tâm; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tăng cường công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán; đổi mới tổ chức kiểm toán phù hợp với tính chất và quy mô từng cuộc kiểm toán; tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động kiểm toán; tăng cường trách nhiệm của Trưởng đoàn, Tổ trưởng trong việc quản lý, điều hành hoạt động của Đoàn, của Tổ kiểm toán theo đúng mục tiêu kiểm toán đã xác định...

Tăng cường thảo luận ý kiến của các Kiểm toán viên trong Tổ, Đoàn kiểm toán trước khi gửi đề nghị đơn vị giải trình nhằm củng cố độ tin cậy và tính thuyết phục của các phát hiện kiểm toán, đảm bảo ý kiến kết luận, kiến nghị kiểm toán thực sự khách quan, có tính khả thi cao và đầy đủ cơ sở pháp lý; tăng cường chỉ đạo và hướng dẫn Kiểm toán viên thực hiện nhiệm vụ theo chuẩn mực KTNN, nhất là công tác kiểm toán tổng hợp, những vấn đề khó, phức tạp.

Nâng cao chất lượng công tác kiểm soát của các Tổ kiểm soát; Tăng cường kiểm tra, giám sát các Đoàn kiểm toán trong việc tuân thủ Luật KTNN sửa đổi, Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán và các quy định của KTNN trong hoạt động kiểm toán; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nâng cao chất lượng thẩm định, xét duyệt KHKT và BCKT; Thực hiện phát hành các báo cáo kiểm toán đảm bảo thời gian quy định. Tăng cường kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán để đảm bảo tính hiệu lực của Báo cáo kiểm toán, thực hiện theo dõi chặt chẽ việc thực hiện kiến nghị, kết luận kiểm toán qua các năm để báo cáo Lãnh đạo KTNN có hình thức xử lý cho phù hợp.

Kiện toàn bộ máy tổ chức, thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của công chức, Kiểm toán viên theo Nghị quyết số 36/NQ-BCS của Ban cán sự và Đề án luân chuyển đảm bảo đúng quy trình, công khai, dân chủ. Bố trí cán bộ, công chức, kiểm toán viên phù hợp trình độ, năng lực, phẩm chất và điều kiện thực tế...

Quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo KTNN và Đảng ủy KTNN để đưa các Chỉ thị, Nghị quyết vào thực tiễn hoạt động kiểm toán. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp bằng các biện pháp sát với tình hình thực tiễn ...

Tăng cường, phát huy quan hệ chặt chẽ theo các quy định của KTNN, giữa Đảng ủy và thủ trưởng đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động chung của đơn vị. Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao vai trò của các đoàn thể.

Động viên cán bộ công chức tích cực học tập nâng cao năng lực công tác và chuyên môn nghiệp vụ thông qua các khóa đào tạo của Ngành, của đơn vị và các khóa đào tạo tại các trường lớp khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành chia sẻ những khó khăn trong hoạt động kiểm toán của đơn vị; biểu dương và đánh giá cao những kết quả đơn vị đã đạt được trong năm 2020. “Trong điều kiện kiểm toán các dự án đầu tư ngày càng thu hẹp, việc triển khai kiểm toán gặp nhiều khó khăn do các dự án kéo dài trong nhiều năm, áp dụng nhiều định mức, công nghệ mới, các kết quả đạt được của KTNN CNIV rất đáng ghi nhận, nổi bật là: Việc kiểm toán tập trung vào  kiểm toán tuân thủ, tập trung trong lĩnh vực kiểm toán thuế, chênh lệch tỷ giá, hóa đơn, chứng từ. Thời gian phát hành báo cáo kiểm toán được rút ngắn” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Để triển khai thành công nhiệm vụ năm 2021, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu đơn vị cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tuân thủ nghiêm các quy trình kiểm toán, củng cố bằng chứng kiểm toán chặt chẽ nhằm hạn chế các khiếu nại trong điều kiện các quy định về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động kiểm toán theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN bắt đầu được triển khai. Đơn vị cũng cần chú trọng tăng cường hơn nữa ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán; Chú trọng công tác bảo mật trong hoạt động kiểm toán.
 
Kiểm toán trưởng Hoàng Phú Thọ phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt cán bộ, công chức và người lao động KTNN CNIV, Kiểm toán trưởng Hoàng Phú Thọ cảm ơn sự quan tâm tạo điều kiện, chỉ đạo thường xuyên Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị trong Ngành thời gian qua; đồng thời cam kết cùng tập thể lãnh đạo, công chức, Kiểm toán viên KTNN CNIV tiếp tục tăng cường đoàn kết nội bộ, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch năm 2021./.


Ngọc Bích

Xem thêm »