Thông qua dự thảo Tài liệu bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp

23/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 22/12/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng thẩm định tài liệu bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp (KTVCC) đã tổ chức họp cho ý kiến về dự thảo tài liệu bồi dưỡng ngạch KTVCC (Tài liệu). Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có các thành viên trong Ban Biên soạn Tài liệu.

GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Trưởng ban Biên soạn tài liệu trình bày trước Hội đồng

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Trưởng Ban Biên soạn cho biết, Tài liệu được xây dựng từ tháng 6/2020 cho đến cuối tháng 11/2020 đã cơ bản hoàn thành Dự thảo. Ngày 01/12/2020, Tài liệu đã được đưa vào áp dụng thử nghiệm tại lớp KTVCC năm 2020. Tài liệu được biên soạn xây dựng với mục tiêu: Cập nhật, nâng cao kiến thức về kiểm toán Nhà nước; các kỹ năng chuyên môn và quản lý phù hợp, nhằm nâng cao năng lực, trình độ thực thi nhiệm vụ kiểm toán, đáp ứng tiêu chuẩn của KTV cao cấp và yêu cầu phát triển của KTNN.

Nội dung Tài liệu đảm bảo tính khái quát cao, phù hợp với ngạch KTVCC, tập trung vào các vấn đề: Kiến thức và kỹ năng tổ chức quản lý, chủ trì và hướng dẫn các cuộc kiểm toán phức tạp, phạm vi rộng; kiến thức và kỹ năng xây dựng các đề án, chiến lược, chương trình, kế hoạch trung dài hạn ở quy mô đơn vị và toàn Ngành; kiến thức và kỹ năng về khả năng phân tích các vấn đề vĩ mô, những chủ trương, cơ chế chính sách liên quan đến kiểm toán và vận dụng vào thực tiễn của KTNN. Tài liệu đã tập trung định hướng phân tích, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, thách thức và giải pháp khắc phục.

Ngoài ra, Tài liệu cũng hướng tới cập nhật, bổ sung những vấn đề mới; nghiên cứu, tham khảo chương trình các ngạch như: ngạch KTV, ngạch KTV chính, các chương trình đào tạo bồi dưỡng quản lý và các kỹ năng thuộc các lĩnh vực trong Ngành đã tổ chức để tránh trùng lắp.

Về kết cấu, Tài liệu được chia thành 4 khối kiến thức với 10 chuyên đề: Chuyên đề 1 - Địa vị pháp lý, vai trò, mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan kiểm toán tối cao; Chuyên đề 2 - Hệ thống chính trị và vị trí của KTNN trong mối quan hệ với các tổ chức thuộc hệ thống chính trị ở Việt Nam; Chuyên đề 3 - Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế và vận dụng trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Chuyên đề 4 - Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và vai trò của KTNN; Chuyên đề 5 - Quản lý tài chính công, tài sản công và vai trò của KTNN; Chuyên đề 6 - Xây dựng và quản trị chiến lược phát triển KTNN; Chuyên đề 7 - Tổ chức triển khai và ứng dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán nhà nước; Chuyên đề 8 - Xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, kế hoạch công tác và kế hoạch kiểm toán năm; Chuyên đề 9 - Tổ chức, quản lý và kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN; Chuyên đề 10 - Tổ chức và quản lý kiểm toán theo lĩnh vực và loại hình kiểm toán.
 

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh- Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận cuộc họp

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, Tài liệu được xây dựng đảm bảo tính logic, khoa học và đã được biên soạn dựa trên các tài liệu có nguồn tham chiếu tin cậy, đảm bảo tính pháp lý; dữ liệu, các quy định được cập nhật kịp thời tương ứng với từng chuyên đề; có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy cũng như có thể làm tài liệu tham khảo cho các đề tài nghiên cứu khoa học.

Để Tài liệu đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu đào tạo trong thời gian tới, Hội đồng thẩm định đề nghị Ban Biên soạn cần nghiên cứu, chỉnh sửa, cập nhật và bổ sung một số nội dung: Xem xét, chỉnh sửa lại tiêu đề một số đề mục đảm bảo tính nhất quán; bổ sung giải pháp và định hướng rõ lộ trình áp dụng hệ thống Chuẩn mực KTNN phù hợp với thực tế hoạt động của KTNN hiện nay; thực tế lập Kế hoạch kiểm toán tại KTNN những năm qua; vai trò, trách nhiệm của KTNN trong việc đánh giá tính hiệu lực của chính sách tài khóa đối với nền kinh tế; thực tế và hiệu quả thực hiệc các mối quan hệ hợp tác giữa KTNN và các tổ chức chính trị; bổ sung rõ hơn các thay đổi cụ thể về nội dung các Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (nếu có), trong trường hợp có sự thay đổi lớn, đề nghị so sánh với hệ thống Chuẩn mực KTNN Việt Nam để chỉnh sửa, cập nhật và hoàn thiện; các ví dụ, tình huống minh họa và câu hỏi thảo luận cuối mỗi chuyên đề…

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá: Tài liệu đã thể hiện tính bao quát rộng, là tài liệu cơ sở cho giảng viên đào tạo trong quá trình giảng dạy, bồi dưỡng ngạch KTVCC. Chủ tịch Hội đồng thẩm định cũng đề nghị Ban Biên soạn tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp trước khi Tài liệu chính thức được ban hành.

Tại cuộc họp, Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thông qua Dự thảo Tài liệu với ý kiến nhất trí của 5/5 thành viên Hội đồng./.

Ngô Hòa

Xem thêm »