Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, đến hết 31/12/2020 đạt khoảng 1.262.200 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.227.800 tỷ đồng, bằng 100,7% dự toán. Số thu nội địa từ thuế, phí ước đạt 928.000 tỷ đồng, thiếu 90.100 tỷ đồng, bằng 91,2% dự toán. Có 55/63 địa phương đạt và vượt dự toán với tổng số vượt khoảng 69.000 tỷ đồng; 8 địa phương không hoàn thành dự toán.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, năm 2020, tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đến ngày 31/12/2020 đạt 315.581 tỷ đồng/338.000 tỷ đồng dự toán thu NSNN được giao, bằng 93,37%, giảm 9,6% so cùng kỳ 2019. “Tình hình thu NSNN trong những ngày cuối năm 2020 tương đối khả quan, do vậy ước thực hiện cả năm 2020 sẽ đạt 316.000 tỷ đồng, bằng 93,49% dự toán, bằng 89,03% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019” - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết.
Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Đức Chi cho biết, tính đến 17h ngày 30/12/2020, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.448.096 tỷ đồng, bằng 95,75% so với dự toán năm 2020. Trong đó: Thu ngân sách Trung ương đạt 750.050 tỷ đồng, bằng 88,06% so với dự toán năm năm 2020; Thu ngân sách địa phương đạt 698.046 tỷ đồng, bằng 105,68% so với dự toán năm năm 2020.
Tính đến hết ngày 30/12/2020, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi thường xuyên ước đạt 943.008 tỷ đồng, bằng 84,3% dự toán chi thường xuyên năm 2020 của NSNN qua Kho bạc Nhà nước. Chi thường xuyên so với cùng kỳ năm 2019, tăng 37.142 tỷ đồng; Chi đầu tư, ước lũy kế giải ngân vốn đầu tư công là 455.213,4 tỷ đồng, bằng 80,3% kế hoạch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao và kế hoạch kéo dài (566.761,1 tỷ đồng); bằng 72,1% tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (631.445,3 tỷ đồng).
Theo Vụ trưởng Vụ ngân sách Nhà nước Võ Thành Hưng, chi NSNN đã đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tính đến hết ngày 30/12/2020, NSNN đã chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho gần 13 triệu người dân; đồng thời đã đề xuất cấp 36,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Một điểm sáng trong điều hành là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so năm trước, lũy kế hết tháng 12 đã đạt gần 83% kế hoạch năm. Bội chi NSNN, nợ công được kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi Quốc hội cho phép, tương ứng khoảng 4,2%GDP và 55,9%GDP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, kết quả đạt được trong năm 2020 là rất tích cực và toàn diện, trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh. “Bước sang năm 2021, trước bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục phụ thuộc nhiều vào kết quả và khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19, khó khăn phía trước còn nhiều, mục tiêu lớn và đầy thách thức đó là tăng trưởng kinh tế phải đạt 6%, thu NSNN tăng 3% so dự toán Quốc hội... Tuy nhiên, với quyết tâm tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế, phát huy tối đa những kết quả đạt được của năm 2020 và các yếu tố nền tảng bền vững, tôi tin tưởng rằng cả nước sẽ tiếp tục hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội và NSNN đã đề ra” – Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Để thưc hiện mục tiêu 2012, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện 3 giải pháp sau:
Cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2021, trên tinh thần phát huy các mặt tích cực đạt được năm 2020, lường trước các khó khăn thách thức, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để có kế hoạch, giải pháp triển khai chi tiết, khả thi cho cả năm 2021, cùng với thực hiện phương châm chung của Chính phủ là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”, nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành và vượt các mục tiêu đề ra.
Tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu các giải pháp chính sách về miễn, giảm, giãn thuế, phí và thu ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó do tác động của đại dịch. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn lậu thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế. Các địa phương phấn đấu thu vượt tối thiểu 3% dự toán Quốc hội quyết định, đối với các địa phương có điều kiện thì phấn đấu tăng từ 3-5%.
Tổ chức điều hành chi NSNN năm 2021 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo đó, các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, đặc biệt là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước. Quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân ngay từ đầu năm, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân. Đồng thời, chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định./.
Khánh Vy