(sav.gov.vn) - Ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định số 28/2021/NĐ-CP về việc “Quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP”.
Theo đó, Nghị định quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư gồm: Phương án tài chính của dự án PPP; phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án PPP; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước trong các dự án PPP; quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thành; trình tự, thủ tục xử lý tài sản chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chia sẻ phần doanh thu tăng, giảm.
Về nguyên tắc xây dựng phương án tài chính của dự án PPP, phương án tài chính của dự án PPP phải phản ánh đầy đủ các khoản chi phí và nguồn thu hợp pháp theo quy định trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện và vận hành của dự án PPP; các chỉ tiêu tài chính của phương án tài chính được tính toán trên cơ sở các dòng tiền sau thuế được chiết khấu theo tỷ suất chiết khấu bình quân gia quyền của lãi suất huy động các nguồn vốn và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; doanh thu thực tế là toàn bộ doanh thu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, không bao gồm thuế giá trị gia tăng; đồng tiền sử dụng trong phương án tài chính là Việt Nam Đồng.
Nghị định cũng quy định nguồn vốn thực hiện dự án PPP của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án PPP là vốn chủ sở hữu của pháp nhân độc lập hoặc liên danh các pháp nhân độc lập thực tế góp vốn theo điều lệ của doanh nghiệp dự án PPP và phù hợp với quy định tại hợp đồng dự án PPP. Đồng thời, Báo cáo tài chính của nhà đầu tư năm gần nhất đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán và Báo cáo tài chính giữa niên độ theo quy định của pháp luật đã được kiểm toán (nếu có);
Nguồn vốn vay, nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác tính đến thời điểm đàm phán hợp đồng dự án được xác định trên cơ sở cam kết hoặc thoả thuận bằng văn bản giữa bên cho vay, nhà đầu tư mua trái phiếu hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP. Tổng số vốn cam kết cung cấp của bên cho vay vốn, nhà đầu tư mua trái phiếu hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu tối thiểu bằng mức vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP phải huy động.
Tổng số vốn vay, bao gồm vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các hình thức vay vốn khác (nếu có) không vượt quá tổng số vốn vay theo quy định tại hợp đồng dự án PPP.
Doanh nghiệp dự án PPP chỉ được phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu không kèm chứng quyền riêng lẻ sau khi đã ký hợp đồng dự án PPP.
Việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án thực hiện theo quy định của Luật PPP và quy định tại Nghị định của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế của công ty không phải là công ty đại chúng.
Doanh nghiệp dự án PPP chào bán trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước phải đáp ứng tại khoản 4 Điều này và các điều kiện như: Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); Phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và phù hợp với phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP đã được ký kết; Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng. Trường hợp doanh nghiệp dự án PPP hoạt động chưa đủ 01 năm được miễn điều kiện có báo cáo tài chính của năm trước năm liền kề năm phát hành được kiểm toán theo quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật PPP.
Về quản lý, sử dụng, thanh toán vốn Nhà nước trong thực hiện dự án PPP, Nghị định nêu rõ: Vốn đầu tư công, giá trị tài sản công hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng theo quy định tại Điều 70 Luật PPP; Sử dụng tài sản công để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; Vốn Nhà nước để thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thực hiện theo hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ, hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao; Vốn Nhà nước bố trí từ nguồn vốn chi thường xuyên thanh toán cho phần chi phí triển khai thực hiện dự án sau khi ký kết hợp đồng của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật PPP được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Nghị định cũng nêu rõ chi tiết cụ thể từng nội dung về nguyên tắc kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công, vốn chi thường xuyên, vốn từ nguồn thu hợp pháp của doanh nghiệp dự án dành cho đầu tư trong dự án PPP, chi thanh toán từ dự phòng ngân sách Nhà nước và quyết toán vốn đầu tư công, vốn chi thường xuyên, vốn từ nguồn thu hợp pháp dành để chi đầu tư, chi thường xuyên theo niên độ ngân sách; nguyên tắc quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng PPP hoàn thành.
Về trình tự, thủ tục thực hiện chia sẻ doanh thu tăng, giảm, Nghị định nêu: Hằng năm, căn cứ doanh thu thực tế do doanh nghiệp dự án PPP báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP và doanh nghiệp dự án PPP; Căn cứ báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và hợp đồng dự án PPP, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP xác định giá trị phần doanh thu chia sẻ giữa Nhà nước và doanh nghiệp dự án PPP và báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Đối với phần doanh thu tăng mà doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước được các Bên xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, doanh nghiệp dự án PPP có trách nhiệm nộp phần doanh thu này vào ngân sách nhà nước theo quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ thời điểm Kiểm toán nhà nước ban hành báo cáo kiểm toán xác định phần doanh thu tăng.
Chính phủ giao: Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sử dụng dự phòng ngân sách trung ương khi có phát sinh cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm của các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư; Chủ trì chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thanh toán, quyết toán vốn Nhà nước trong dự án PPP, quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thành; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ xác định vốn đầu tư công trong dự án PPP; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong giám sát thực hiện phương án tài chính trong các hợp đồng dự án PPP của Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xác định vốn đầu tư công trong dự án PPP; Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát thực hiện dự án PPP; Phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sử dụng dự phòng ngân sách trung ương khi có phát sinh cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm của các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư.
Các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP thực hiện các quy định của Luật PPP, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá, các văn bản hướng dẫn các Luật trên và quy định tại hợp đồng dự án PPP; Chịu trách nhiệm đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư trên cơ sở các hồ sơ, tài liệu do nhà đầu tư cung cấp, đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án PPP: Giám sát việc thực hiện các cam kết huy động vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư theo quy định tại hợp đồng dự án PPP; Xem xét, chấp thuận phương án xử lý tài chính, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp chấm dứt hợp đồng dự án PPP theo quy định tại Điều 52 Luật PPP; Kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện dự án PPP; bao gồm huy động, sử dụng vốn đầu tư của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP theo quy định tại hợp đồng dự án PPP; Đôn đốc, chỉ đạo cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thành theo đúng quy định; Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định tại Nghị định này gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Giao Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP có trách nhiệm thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định trong hợp đồng dự án PPP và các quy định của pháp luật có liên quan; Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, cơ quan, đơn vị được giao quản lý phần vốn Nhà nước trong dự án PPP, hoàn thiện hồ sơ thanh toán phần vốn Nhà nước trong dự án PPP và hồ sơ quyết toán công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thành; Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP có trách nhiệm xác định doanh thu, chi phí, thu nhập khác cho mục đích tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế và quy định tại Nghị định này./.
Thanh Trang