Tập trung xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN về hội nhập và hợp tác quốc tế

22/04/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 22/4/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp Tiểu ban xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN về hội nhập và hợp tác quốc tế. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên trong Tiểu ban theo Quyết định số 04/QĐ-BCĐ ngày 19 tháng 01 năm 2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Tại cuộc họp, các thành viên Tiểu ban đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN về hội nhập và hợp tác quốc tế. Được biết, bộ phận thường trực của Tiểu ban đã tham mưu, xây dựng dự thảo trên cơ sở đánh giá thực tiễn hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN hiện nay và bám sát mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN về hội nhập và hợp tác quốc tế.

Theo dự thảo, mục tiêu chung của Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN về hội nhập và hợp tác quốc tế đến năm 2030 là: Lấy hội nhập chuyên môn làm trụ cột, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách, khẳng định năng lực chuyên môn của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; phát triển đồng thời hợp tác song phương và đa phương. Trong đó: phát triển hợp tác đa phương nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế với cộng đồng quốc tế thông qua việc chủ động tham gia, xây dựng các quy tắc, chuẩn mực kiểm toán chung; phát triển hợp tác song phương nhằm chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao năng lực cơ quan KTNN; tổ chức thực hiện một số cuộc kiểm toán phối hợp, cử hoặc tiếp nhận cán bộ tham gia thực tập kiểm toán, thực hiện đánh giá chéo giữa các cơ quan kiểm toán tối cao.

Dự thảo cũng đưa ra 08 vấn đề cần tập trung giải quyết gồm:

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế trong việc nâng cao vị thế của KTNN trong khu vực và trên thế giới, góp phần quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Nâng cao năng lực, khả năng chuyên môn đối ngoại, trình độ ngoại ngữ, kiến thức và kinh nghiệm  kiểm toán của nhóm nòng cốt và công chức làm công tác hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại để tham mưu, phục vụ tốt hơn cho hoạt động kiểm toán và hội nhập quốc tế của KTNN.

Tối ưu hóa lợi ích các mối quan hệ hợp tác song phương, mở rộng hội nhập và hợp tác song phương với các đối tác mới theo định hướng chiến lược dài hạn, phù hợp với lĩnh vực ưu tiên của KTNN.

Nâng cao hình ảnh, vai trò, vị thế và sự tham gia sâu rộng hơn nữa của KTNN Việt Nam trong các tổ chức kiểm toán khu vực và quốc tế, tạo tiền đề để KTNN chủ trì, điều phối các hoạt động chuyên môn của các tổ chức và đảm nhiệm những vị trí quan trọng như Tổng Thư ký, thành viên Ban điều hành, Kiểm toán viên của các tổ chức INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI.

Tăng cường năng lực tham gia hoạt động chuyên môn trong các tổ chức kiểm toán khu vực và quốc tế, đặc biệt đối với các lĩnh vực mới như kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường, kiểm toán hoạt động…

Nghiên cứu và phổ biến các thông lệ quốc tế tốt phù hợp với điều kiện của Việt Nam với định hướng và lộ trình cụ thể để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho kiểm toán viên và năng lực của KTNN, đặc biệt tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động kiểm toán để tham gia thực hiện tốt các cuộc kiểm toán chung, kiểm toán song song với các SAI trong INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI.

Thành lập, kiện toàn các ban, nhóm chuyên môn mà KTNN là thành viên theo hướng chuyên nghiệp, tinh gọn có trọng điểm gắn kết với các chủ đề và chương trình nghị sự của Liên Hợp quốc.

Hoạt động hợp tác quốc tế xác định là cầu nối quan trọng trong việc vận dụng, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm của các SAI có thế mạnh trong từng lĩnh vực để chọn lọc áp dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam nhằm thực hiện tốt ba trụ cột phát triển của KTNN là pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ.

Xây dựng kế hoạch tổng thể và đẩy mạnh công tác tìm kiếm, khai thác nguồn lực từ các nhà tài trợ nhằm nâng cao năng lực hoạt động của KTNN; định hướng các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ song phương và đa phương; thu hút chương trình, dự án ODA mới và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án ODA phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Cơ bản thống nhất với kết cấu trình bày của dự thảo Kế hoạch, tại cuộc họp, các thành viên Tiểu ban đã tham gia 06 ý kiến cụ thể, chi tiết đối với 03 nội dung chính của dự thảo gồm hoạt động hợp tác song phương, hoạt động hợp tác đa phương và hoạt động quản trị hội nhập và hợp tác quốc tế, hợp tác với các nhà tài trợ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao công tác chuẩn bị của bộ phận thường trực soạn thảo đã dự thảo Kế hoạch tương đối chi tiết, chu đáo, bám sát yêu cầu, đề cương hướng dẫn của Ban Chỉ đạo và theo đúng lộ trình đã đề ra. Các thành viên trong Tiểu ban đã tích cực nghiên cứu, tham gia, ý kiến để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các thành viên Tiểu ban sau cuộc họp sẽ tham gia ý kiến bằng văn bản gửi về bộ phận thường trực Tiểu ban để bộ phận thường trực Tiểu ban tiếp thu hoàn thiện dự thảo.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị bộ phận thường trực đánh giá sâu thêm thực trạng hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN Việt Nam, từ đó đưa ra các vấn đề cần giải quyết một cách sát thực; đánh sâu thêm vai trò của KTNN Việt Nam trong các tổ chức INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI; nghiên cứu bổ sung hoạt động phối hợp giữa KTNN với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trong hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế.

Hà Linh
 

 

Xem thêm »